15/04/2021 - 08:26

Bảo vệ sức khỏe người lao động 

TP Cần Thơ là nơi tập trung khá đông công nhân, người lao động (NLÐ) làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Ngành Y tế cùng nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã nỗ lực trong các hoạt động bảo vệ sức khỏe NLÐ, như: khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp; thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ); quan tâm, tạo điều kiện để NLÐ được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách về chăm sóc sức khỏe…

Công nhân lao động tại Công ty TNHH Quốc tế Tri - Viet được trang bị nút tai chống ồn khi làm việc.

Trong không khí nóng bức của những ngày tháng 4, đông đảo công nhân lao động tại Công ty TNHH Quốc tế Tri - Viet vẫn làm việc hăng say trong điều kiện làm việc được đảm bảo. Tại Công ty, 100% công nhân lao động đều được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như quần áo, mũ, khẩu trang... Chị Lê Thị Cẩm Duyên, công nhân bộ phận may tại Công ty, cho biết: “Tôi đã làm việc tại Công ty được 5 năm. Công nhân làm việc tại phân xưởng, phải tiếp xúc với tiếng ồn và các vật liệu dễ cháy nên Công ty rất quan tâm thực hiện các quy định bảo đảm ATVSLÐ. Do vậy, chúng tôi luôn được làm việc trong môi trường sạch sẽ và được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động”.

Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên về lĩnh vực may găng tay thể thao, Công ty TNHH Quốc tế Tri - Viet hiện đang tạo việc làm cho khoảng 700 lao động. Công ty tuân thủ, thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLÐ, bảo đảm để NLÐ được làm việc trong môi trường an toàn. Ông Quách Minh Thảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Ðể NLÐ có môi trường làm việc an toàn, Công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống thông gió làm mát, chiếu sáng tại các phân xưởng. Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm và trang bị bảo hộ lao động cho công nhân, gồm: giày bảo hộ, khẩu trang,... Ðặc biệt, ở khu vực cắt, dập, chúng tôi còn trang bị nút tai chống ồn. Qua những cuộc kiểm tra của các đơn vị chức năng, nồng độ bụi hô hấp, cường độ chiếu sáng, nhiệt độ, ẩm độ, nồng độ hóa chất, tiếng ồn và hơi khí độc trong không khí ở các vị trí đó đều đạt quy chuẩn cho phép”. Công ty còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến công tác ATVSLÐ; phát động phong trào thi đua xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLÐ nhằm góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho NLÐ.

Cũng như Công ty TNHH Quốc tế Tri - Viet, nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chú trọng thực hiện tốt công tác đảm bảo ATVSLÐ, chăm lo sức khỏe cho NLÐ. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ), trong năm 2020, Trung tâm đã tổ chức quản lý và khám sức khỏe định kỳ cho 23.104 lượt NLÐ, khám bệnh nghề nghiệp cho 11.413 lượt NLÐ trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Thạc sĩ Lâm Hoàng Dũng, Phó Giám đốc CDC Cần Thơ cho biết, việc khám sức khỏe định kỳ cho NLÐ là quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Khoản 2 và 3, điều 152 Bộ luật Lao động quy định hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLÐ, kể cả người học nghề, thực tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, NLÐ là người khuyết tật, NLÐ chưa thành niên, NLÐ cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần. NLÐ làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và chia làm 3 nhóm bệnh chính, gồm: bệnh bụi phổi, bệnh nhiễm độc và nhóm bệnh khác. Qua khám bệnh nghề nghiệp, tỷ lệ NLÐ mắc bệnh điếc nghề nghiệp và các bệnh liên quan đến đường hô hấp cao hơn so với các bệnh khác. Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc kiểm tra môi trường lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho NLÐ, chủ yếu là những công ty, doanh nghiệp của Nhà nước và lĩnh vực xuất khẩu. Ða số doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ít quan tâm đến công tác ATVSLÐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho NLÐ. Mặc khác, một bộ phận NLÐ trong quá trình sản xuất vẫn còn chủ quan, thờ ơ trong việc bảo vệ sức khỏe của mình.

Thạc sĩ Lâm Hoàng Dũng cho biết: “CDC Cần Thơ đã tích cực chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho  NLÐ; tổ chức kiểm tra về công tác ATVSLÐ; phối hợp liên ngành trong thanh, kiểm tra về thực hiện quy định pháp luật về ATVSLÐ và các chế độ, chính sách, quyền lợi của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATVSLÐ; tổ chức tọa đàm, giới thiệu các thông tư, nghị định mới về ATVSLÐ;…”. Cùng với CDC Cần Thơ, Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sử dụng lao động và NLÐ về quản lý ATVSLÐ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra an toàn lao động, vệ sinh lao động; thẩm định và tham mưu UBND thành phố thực hiện đầy đủ các chính sách, quy định của pháp luật về quan hệ lao động, tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp. LÐLÐ thành phố và công đoàn các cấp có trách nhiệm phối hợp các ngành chức năng tham gia đoàn kiểm tra giám sát tình hình thực hiện pháp luật lao động, ATVSLÐ tại các doanh nghiệp. Quý I-2021, các cấp công đoàn thành phố đã phối hợp kiểm tra giám sát tại 45 doanh nghiệp. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe, giúp NLÐ được làm việc trong môi trường an toàn, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bài, ảnh: Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết