05/09/2018 - 20:47

Bảo vệ sức khỏe mùa tựu trường 

Thời điểm nhập học hằng năm, nhiều dịch bệnh có nguy cơ gia tăng như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa… Ngành y tế khuyến cáo các trường học, phụ huynh cần quan tâm thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh để chăm sóc sức khỏe cho học sinh tốt hơn, bên cạnh đó kịp thời phát hiện, có hướng xử lý để tránh dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Rửa tay sạch là biện pháp quan trọng có thể giúp trẻ phòng được nhiều bệnh lây qua đường hô hấp và tiêu hóa.

Theo BS.CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, trường học là nơi tập trung đông người nên các bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan, bùng phát thành dịch nếu không tích cực phòng chống. Học sinh cũng là lứa tuổi dễ mắc bệnh vì tính cảm nhiễm với phần lớn bệnh truyền  nhiễm cao hơn người lớn, nhất là đối tượng mẫu giáo, tiểu học. Có ba nhóm bệnh thường gặp ở trẻ vào thời điểm đi học cần được quan tâm, chú ý phòng ngừa cho trẻ, đó là nhóm bệnh lây qua đường hô hấp, nhóm bệnh lây qua đường tiêu hóa (như tiêu chảy, tay chân miệng) và bệnh lây qua các vết đốt của côn trùng (muỗi) như: sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản...

Các bệnh lây qua đường hô hấp phổ biến ở trẻ em là bệnh cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, Rubella… có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho trẻ, thậm chí gây tử vong. Sởi, Rubella, thủy đậu có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm màng não, nhất là đối với trẻ bị suy dinh dưỡng. Bệnh quai bị có thể gây viêm tinh hoàn ở bé nam dẫn đến vô sinh sau này, bệnh lây qua đường hô hấp. Chính vì vậy, biện pháp phòng bệnh cần chú ý nhất là tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay sạch đúng cách bằng xà phòng, che mũi miệng khi ho, hắt hơi để hạn chế phát tán mầm bệnh, mang khẩu trang khi đến nơi đông người trong mùa dịch...

Các trường nên thực hiện công tác truyền thông cho học sinh và phụ huynh học sinh tự theo dõi sức khỏe hằng ngày. Trẻ bị cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, phụ huynh cần cách ly cho trẻ nghỉ ở nhà khoảng một tuần, đồng thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị. Ngoài ra, tiêm vắc-xin cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho trẻ.

Bệnh tay chân miệng cũng thường gặp ở trẻ học mẫu giáo, mầm non, nhất là những trẻ dưới 3 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước của trẻ nhiễm bệnh dính vào đồ chơi, vật dụng trẻ cầm nắm, hoặc qua phân của trẻ nhiễm bệnh. Biểu hiện chính của bệnh là sốt, tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Tuy nhiên, theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng, cũng có trẻ mắc tay chân miệng nhưng triệu chứng không rõ ràng, bé chỉ nổi vài vết loét trong họng và khám rất kỹ mới phát hiện được.

Bác sĩ Trúc cho biết: “Hằng năm, ngành y tế thường kết hợp với ngành giáo dục, Ban Tuyên giáo trong nội dung sinh hoạt bồi dưỡng chính trị hè, có lồng ghép tập huấn cập nhật cho cán bộ y tế trường học, giáo viên về chủ đề phòng bệnh thường gặp ở trường học, trong đó có bệnh tay chân miệng. Giáo viên, cán bộ y tế đã được tập huấn nên thông báo cho phụ huynh, phối hợp với nhà trường theo dõi kiểm tra sức khỏe học sinh. Việc kiểm tra lúc nhận trẻ vào lớp rất quan trọng, để kịp thời phát hiện, sàng lọc những trường hợp trẻ sốt, ho, phát ban, nổi bóng nước... Nếu trẻ bệnh tay chân miệng cần cách ly, nghỉ 10 ngày”. Các trường lưu ý hàng tuần vào chiều thứ sáu, tổ chức làm sạch bề mặt, khử trùng dụng cụ nhiễm bẩn bằng dung dịch Chloramin B hoặc các dung dịch khử trùng khác (có thể liên hệ các trạm y tế, trung tâm y tế để được cung cấp Chloramin B). Ngoài ra, đảm bảo vệ sinh ăn uống, đủ chất; cô và bé, người chế biến thức ăn phải rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hướng dẫn bé rửa tay, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và không cho trẻ mút tay.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, để phòng bệnh cho học sinh, nhà trường và các gia đình lưu ý tổng vệ sinh môi trường định kỳ hằng tuần (loại bỏ ổ nước đọng, vật dụng phế thải chứa nước tránh để muỗi sinh sản). Bên cạnh đó, dành 10-15 phút một tuần để kiểm tra lăng quăng; đậy kín nắp bồn nước sinh hoạt, thả cá bảy màu vào các hồ nước trong khuôn viên trường hoặc nhà, thay nước bình hoa thường xuyên... Phun hóa chất diệt muỗi trong khu vực trường đầu năm học. Khi xuất hiện ổ dịch trong trường học, cần thông báo và phối hợp với trạm y tế, trung tâm y tế để xử lý diệt lăng quăng, kết hợp phun hóa chất diệt muỗi hai lần, cách 7-10 ngày. Đối với các lớp bán trú, nên bố trí cho các cháu ngủ mùng vào buổi trưa; đồng thời lồng ghép truyền thông phòng chống sốt xuất huyết vào nội dung sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, họp phụ huynh, để vận động học sinh và phụ huynh thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại gia đình.

Bài, ảnh: HƯƠNG GIANG

Chia sẻ bài viết