26/02/2019 - 15:59

Bảo vệ sức khỏe mùa nắng 

Sau dịp Tết Nguyên đán, thời tiết ở các tỉnh miền Tây nói chung có xu hướng tăng với các đợt nắng nóng. Bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ có nhiều lời khuyên hữu ích cho mọi người giúp phòng tránh bệnh tật trước biến đổi của thời tiết.

Mọi người cần chủ động phòng tránh bệnh tật ngày nắng nóng. Ảnh minh họa: Bác sĩ Mỹ Phượng thăm khám cho người bệnh. 

Theo bác sĩ CKI Trần Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm Kiểm tra sức khỏe BV Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ, khi thời tiết chuyển đổi đột ngột, tạo ra môi trường không tốt cho sức khỏe người dân, là nguồn gốc phát sinh nhiều bệnh tật. Bên cạnh đó, tình trạng ăn uống, nhất là hệ lụy của việc thay đổi thói quen ăn uống thường ngày vào dịp Tết, cũng là tác nhân bộc phát bệnh lý.

Ngày Tết, người dân thường ăn các loại thực phẩm khô, được chế biến sẵn và ăn nhiều bánh kẹo ngọt, làm thân nhiệt nóng lên, cùng với nhiệt độ cao ở bên ngoài, tạo sự thay đổi điều hòa thân nhiệt của cơ thể, là nguyên nhân khởi phát các bệnh như viêm họng, cảm cúm, tình trạng rối loạn tiêu hóa. Nhất là các em học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên chức bắt đầu trở lại công việc với nhiều áp lực gia tăng, cùng với chế độ ăn thiếu vitamin, khoáng chất, nước, dễ gây tình trạng cảm, say nắng, ảnh hưởng sức khỏe cũng như hiệu quả công việc.

Bác sĩ Mỹ Phượng khuyến cáo, trước tình trạng thời tiết thay đổi không có lợi cho sức khỏe, mọi người cần chủ động phòng bệnh với nhiều giải pháp dễ dàng thực hiện. Đó là uống đủ nước, tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày; ăn - uống nhiều trái cây mát chứa nhiều vitamin C và không quá ngọt như bưởi, cam, sơri; hạn chế ăn thức ăn nhanh. Không nên duy trì khẩu phần ăn ngày Tết với những thực phẩm chứa nhiều chất phụ gia và muối mà nên chế biến các bữa ăn cho gia đình với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng từ thực phẩm tươi, ngon, xanh, sạch. Điều đặc biệt, mỗi người nên thường xuyên rèn luyện thân thể để tăng cường sức đề kháng; có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.

Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, thời gian giữa trưa và đầu giờ chiều, nhiệt độ có thể lên tới 37 - 38 độ C. Lúc này cường độ tia cực tím gia tăng, gây ra tình trạng thoát nhiệt cơ thể để cân bằng với nhiệt độ bên ngoài. Theo bác sĩ Mỹ Phượng, ngoài tác hại của tia cực tím lên da, người làm việc ngoài trời hay di chuyển trên đường cũng chịu tác động của ánh nắng, tia cực tím vào bên trong cơ thể, gây sự mất nhiệt và tình trạng mất nhiệt làm cho người bệnh có cảm giác mệt mỏi, uể oải, đau đầu, chóng mặt, có cảm giác khát khô họng,… Đó là biểu hiện của tình trạng mất nước, có thể dẫn đến choáng, ngất. Các em học sinh cũng có thể bị say nắng vào các giờ ra chơi, khi tập thể dục hay chơi thể thao giữa nắng nóng, có thể gặp phải tình trạng choáng, mệt, có thể bị ngất. Do vậy, những ngày nắng nóng, việc chuẩn bị những chai nước mang theo, trong đó hòa tan các viên sủi vitamin, khoáng chất là thật sự cần thiết, để thường xuyên bù cho tình trạng mất nước và khoáng chất của cơ thể.

Thói quen của người dân hay uống nước đá, nhất là khi trời càng nắng nóng. Tuy nhiên, bác sĩ Mỹ Phượng cho biết, với thời tiết nắng nóng, uống nước đá lạnh, sự thay đổi nhiệt đột ngột gây sốc nhiệt, ảnh hưởng tình trạng tuần hoàn của cơ thể. Bên cạnh đó, bên ngoài trời nóng, đưa nước lạnh đột ngột vào cơ thể, làm cơ thể bị kích ứng, nhất là vùng họng, dẫn đến tình trạng viêm họng, nhất là người có tiền sử viêm họng mạn tính khiến bệnh bộc phát, dẫn đến các cơn cảm cúm, ảnh hưởng sức khỏe, công việc và học tập.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết