12/08/2018 - 17:02

Bảo vệ môi trường trong sản xuất xi măng 

Xi măng đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất xi măng gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường, nhất là các chất thải từ bụi, khí. Những quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường trong sản xuất xi măng cần được các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ và chấp hành nghiêm túc.

Nhu cầu phát triển

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, xi măng có tác dụng lớn trong mọi hoạt động xây dựng và phát triển đất nước. Ở Việt Nam, công suất của các nhà máy xi măng đã đạt đến trên 100 triệu tấn/năm và chắc chắn là một trong những ngành có tác động lớn đến môi trường. Tiến sĩ Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết: “Bất cứ công trình xây dựng nhà cửa, đô thị, giao thông, thủy lợi trên mặt đất, trong lòng đất, trên cạn, ngoài biển, kể cả trên không đều có sự góp phần của xi măng. Vai trò của xi măng thật to lớn và cho đến ngày nay không có vật liệu xây dựng nào thay thế được. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất xi măng là công nghệ có nhiều phát thải chủ yếu là dạng rắn và khí ảnh hưởng đến môi trường. Các nhà sản xuất phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường khi sản xuất, kinh doanh xi măng”.

Lãnh đạo Hội Vật liệu Xây dựng và Hiệp hội Xi măng Việt Nam nghe giải pháp xử lý môi trường của các doanh nghiệp tại buổi Hội thảo bảo vệ môi trường trong sản xuất xi măng.

Đó là những phát thải bụi, chất rắn xảy ra ngay tại công trình khai thác khoáng sản nguyên liệu là đá vôi, đá sét, sét, phụ gia khoáng. Phát thải bụi xảy ra trong quá trình vận chuyển nguyên liệu về kho, vận chuyển than từ các bến bãi về nhà máy. Bụi phát thải trong quá trình gia công nguyên liệu, nghiền than, phối trộn, khí thải lò nung, đóng bao, xuất xưởng… Tiếng ồn cũng là một loại phát thải trong sản xuất xi măng, đặc biệt ở các máy nghiền nguyên liệu, nghiền xi măng… Nhìn chung phát thải bụi diễn ra ở hầu hết các công đoạn trong dây chuyền sản xuất xi măng và tập kết kho bãi, tác động lớn đến môi trường. Với lượng phát thải lớn như thế nên việc bảo vệ môi trường trong sản xuất xi măng là trách nhiệm rất lớn của các nhà sản xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Cung cho biết thêm: “Qua những tác động môi trường trong sản xuất xi măng cho thấy nếu không có những biện pháp xử lý hữu hiệu thì với hơn 4 tỉ tấn xi măng sản xuất trong 1 năm trên toàn thế giới  lượng phát thải gây độc hại của ngành là rất lớn. Ở Việt Nam, công suất các nhà máy xi măng cũng đã đạt đến 100 triệu tấn/năm và chắc chắn là một trong những ngành có tác động đến ô nhiễm môi trường. Trong các phát thải đó có những loại phát thải gần như cố hữu, cũng có những phát thải có thể hạn chế đến mức thấp nhất như bụi, nhiệt lượng thải ra hay tiếng ồn và các loại khí… Do đó, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà sản xuất, trước hết là ý thức trách nhiệm, kèm theo là hành động cụ thể”.

Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô là đơn vị sản xuất và kinh doanh xi măng lớn nhất ở TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL. Hằng năm, công ty sản xuất khoảng 1 triệu tấn xi măng, cung cấp cho khách hàng, phục vụ phát triển xây dựng trong khu vực. Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Trung tâm kiểm soát chất lượng Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô, cho biết: “Trong quá trình sản xuất, công ty luôn quan tâm thực hiện hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, chúng tôi đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình nhằm cải thiện môi trường phù hợp theo yêu cầu pháp luật, giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường của người lao động và không ngừng kêu gọi sự đồng lòng góp sức của các đối tác và cộng đồng cùng nhau giữ gìn môi trường chung trong cuộc sống, trong sản xuất…”. 

Trách nhiệm bảo vệ môi trường

Từ trách nhiệm phải bảo vệ môi trường trong sản xuất xi măng và để giảm bớt chi phí, giảm bớt bất lợi trong quá trình sản xuất, các nhà nghiên cứu luôn tìm các giải pháp sản xuất vừa giảm thiểu ô nhiễm, vừa đạt hiệu quả kinh doanh, sản xuất. Đồng thời, do đặc thù của ngành nên các nhà sản xuất xi măng cũng cần phải có những hành động quyết liệt trong vấn đề xử lý môi trường và góp phần xử lý môi trường cho các ngành công nghiệp khác.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, một trong những hoạt động được thực hiện có hiệu quả là lượng nhiệt khí thải qua ống khói và khu vực ghi quay làm nguội đã được nhiều nhà sản xuất thu gom, lọc sạch và sử dụng để phát điện. Lượng điện tái sinh này cung cấp một công suất điện năng với giá rẻ đến 30% tổng lượng điện cần tiêu thụ của dây chuyền sản xuất xi măng. Ngành xi măng cũng từng bước hoàn thiện công nghệ xử lý rác thải, rác thải độc hại, sinh hoạt, phế thải xây dựng, các loại phế thải của ngành công nghiệp khác để làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế, nhằm cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất… Đặc biệt, một khối lượng tro, xỉ nhiệt điện, xỉ luyện kim đã được sử dụng làm nguyên liệu thay thế, làm phụ gia chế tạo bê tông. Khối lượng rác lớn này đang được ngành xi măng giải cứu, làm cải thiện môi trường và tiết kiệm nhiều diện tích bãi chứa, bãi chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường… Các giải pháp bảo vệ môi trường trên sẽ được các nhà máy sản xuất xi măng phát huy hiệu quả và mở rộng ứng dụng trong tương lai; đồng thời các mỏ khai thác nguyên liệu làm xi măng (mỏ đá vôi) sau khi hoàn thành khai thác xuống độ sâu cho phép sẽ được xây dựng thành các hồ chứa nước sinh thái, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm bớt lũ lụt và cải thiện môi trường xung quanh…

Với phương châm hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và cộng đồng, trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao, Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô luôn xem bảo vệ môi trường là nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Trong đó, xi măng Tây Đô là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành xi măng Việt Nam thực hiện xây dựng và áp dụng thành công 5 hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, như: hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001), hệ thống quản lý phòng thử nghiệm (ISO/IEC17025), hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001), an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, hệ thống quản lý về trách nhiệm xã hội (SA 8000)…

Tiến sĩ Nguyễn Quang Cung khẳng định: “Xử lý môi trường là trách nhiệm của tất cả nhà sản xuất xi măng. Song song đó, cùng với trách nhiệm này, ngành xi măng Việt Nam cũng đang tự đặt cho mình sứ mệnh góp phần giải quyết môi trường chung cho toàn xã hội..”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết