17/08/2008 - 07:50

Báo động tình trạng quá tải khám chữa bệnh tại các bệnh viện (kỳ 1)

Nhóm phóng viên XH-PL

Bài 1: Mỏi mòn chờ khám bệnh

Những ngày đầu tuần, khi đến các bệnh viện (BV) trong thành phố, người ta lại thấy cảnh bệnh nhân (BN) chen chúc nhau đứng ngồi chờ khám bệnh. Trong các khoa phòng, BN phải nằm đôi trên 1 giường, có BN phải nằm ở ghế bố, ở hành lang. Hầu hết các BV hiện đã quá tải, kéo theo hàng loạt những hệ lụy khó lường...

KHÁM BỆNH NGOẠI TRÚ: CHỜ 2 GIỜ ĐỂ KHÁM 3 PHÚT

7 giờ sáng thứ hai (28-7) Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố (BVĐKTP) Cần Thơ đã đông nghẹt BN. Mọi người chen nhau mua phiếu khám bệnh. Cô Mai, nhà ở đường Nguyễn Văn Cừ vừa nhìn đồng hồ vừa nói: “Má chồng tôi bị tim mạch. Tôi tranh thủ 6 giờ đến bắt số khám bệnh cho má mà giờ cũng chưa đến lượt khám”. Những hàng ghế ngồi ở sảnh chờ và trước các phòng khám của bác sĩ chật kín BN, người ngồi người đứng. Thỉnh thoảng, tiếng cô điều dưỡng vang lên: “BN nào chưa đến lượt khám làm ơn ngồi ở ghế chờ, đừng đứng tập trung trước phòng khám”. Tiếng cô điều dưỡng vừa dứt thì một dì lớn tuổi đứng cạnh tôi nói nhỏ: “Ghế đâu mà ngồi”.

Trên bảng thông báo của BVĐKTP Cần Thơ có ghi ưu tiên khám trước cho người già nhưng vì lượng bệnh quá đông, tôi thấy rất nhiều cụ già vẫn phải ngồi chờ khám. Bà Đ. T. G, một BN 86 tuổi, bị tiểu đường, sỏi mật, cườm mắt kiên nhẫn ngồi chờ khám nói: “Tôi đi khám ở đây nhiều lần. Lần nào cũng mất cả buổi sáng. Xếp hàng chờ khám mất 1-2 tiếng đồng hồ mà vô bác sĩ khám không tới 3 phút. Như bữa nay, bác sĩ chỉ hỏi: đau ở đâu? Rồi ghi toa. Hôm tôi khám bệnh tiểu đường, tôi hỏi bác sĩ có cần kiêng ăn gì không? Bác sĩ trả lời cụt ngủn: Bà sống được bao lâu nữa mà kiêng?”. T.T.T.Thơ, sinh viên Trường Đại học Tây Đô cho biết: “Em lãnh thuốc xong cũng không dám uống vì bác sĩ chỉ nhìn rồi kê toa. Mình có kể bệnh thì bác sĩ cũng chẳng có thời gian nghe. Chắc em phải đi khám bác sĩ tư. Đã vậy, sáng nay chen chân mua phiếu khám, em bị móc túi mất bóp. Trong bóp có tờ 100 USD nhưng em xếp thành hình con bướm nhỏ, bọn trộm không thấy nên bọn chúng quăng ví lại. Bảo vệ nhặt được trả lại cho em và nói ở đây mất cắp hoài. Mai mốt em không dám khám bệnh ở đây nữa”.

Người bệnh khám xong, đến khâu lãnh thuốc còn lâu hơn. Vì trong phòng phát thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ có 4 nhân viên, một người phải ngồi nhập máy vi tính, ba người vừa lấy, vừa phát thuốc cũng không kịp. Nhiều BN nộp phiếu lấy thuốc sớm mà lại lấy sau người khác vì quá đông, nhân viên không kiểm soát hết được. Đến 11 giờ mà nơi phát thuốc của BHYT vẫn còn 3-4 BN ngồi chờ.

Do cơ sở vật chất quá chật hẹp nên ở BVĐKTP Cần Thơ vẫn chưa triển khai khám bệnh ngoại trú theo yêu cầu. Hiện nay, bình quân mỗi ngày BV này khám bệnh ngoại trú khoảng 1.400 BN. BV có 14 bàn khám bệnh. Như vậy, bình quân 1 bàn khám, khám cho 100/BN/ngày. Tính ra nếu bác sĩ ngồi khám suốt liên tục 8 giờ/ngày thì mỗi BN chỉ được khám có 4,8 phút.

Ở Cần Thơ và ĐBSCL chỉ có duy nhất một Bệnh viện Nhi Đồng (BVNĐ) Cần Thơ. Lượng bệnh ở các tỉnh, thành khác đến khám chiếm gần 50% nên tình trạng quá tải ngày càng tăng. 8 giờ sáng, vào ngày đầu tuần cuối tháng 7, chúng tôi có mặt tại khoa Khám bệnh. Lúc này, các băng ghế ngồi đợi đều chật cứng người, tiếng trẻ khóc, tiếng cha mẹ dỗ con, tiếng cằn nhằn vì chờ khám lâu vang lên không dứt. Anh Võ Hoàng Giang, ngụ xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, có con 7 tháng tuổi, bức xúc: “Vợ tui bế con đợi hơn một tiếng đồng hồ nhưng chưa khám được. Phòng ngột ngạt, thằng nhỏ khóc, vợ tôi phải bế ra ngoài. Tui thì đứng canh ở cửa chờ bác sĩ gọi tên”. Anh Giang vừa nói dứt lời, thì có tiếng nhân viên trong phòng khám gọi tên con anh. Chị vợ hớt hải ẵm đứa con vào khám, khoảng 3 phút sau, trở ra ẵm con cùng chồng đi lấy thuốc. Bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa Khám bệnh, BVNĐ Cần Thơ cho biết: “Tình trạng quá tải gây cho chúng tôi nhiều áp lực trong công việc. Đôi khi BN đông quá, họ phải chờ đợi lâu, bức xúc”.

Bình quân một ngày khoa Khám bệnh khám cho trên 600 BN, ngày cao điểm có khi lên đến 700-800 BN. Trong khi đó, khoa Khám bệnh chỉ có 5 bác sĩ tham gia khám bệnh. Tính ra mỗi bác sĩ phải khám hơn 100 BN/ngày.

SÁU TRẺ NẰM MỘT GIƯỜNG

Mỗi ngày, BVĐKTP Cần Thơ khám nội trú trên 400 BN. Một số khoa, phòng như: Sản, Nhi, Nội tổng hợp, Hồi sức tích cực-chống độc thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải. Chẳng hạn như khoa Nhi chỉ có 30 giường nhưng thường xuyên điều trị 50-60 bệnh nhi; khoa Nội tổng hợp thực kê có 54 giường nhưng bình quân điều trị 70-80 BN/ngày. Có hôm BN trong khoa lên đến 90. Việc quá tải, người bệnh nằm đôi trên 1 giường, nằm ghế bố thường xuyên xảy ra ở khoa này. Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Phó Giám đốc BVĐKTP Cần Thơ cho biết: “Trước đây, BV quận Ninh Kiều chỉ có 200 giường, từ khi nâng lên BVĐKTP Cần Thơ, Sở Y tế giao 400 giường. Số giường bệnh tăng gần gấp đôi nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người bệnh”.

Bệnh nhân chen chúc ở khoa Khám bệnh, BVĐKTP Cần Thơ vào 9 giờ sáng ngày 4-8-2008. Ảnh: H. H 

Tình trạng quá tải thực sự đáng báo động ở BVNĐ Cần Thơ. Chị Phượng, ở đường Nguyễn Việt Hồng, quận Ninh Kiều có con đang nằm điều trị ở khoa Sốt xuất huyết, BVNĐ Cần Thơ cho biết: “Con tôi bị sốt, cháu phải nằm một giường 6 đứa. Nó bực bội, khóc hoài, bắt tôi phải bế đi lòng vòng. Bệnh nhi đông, bác sĩ thì ít nên khám khó kỹ được. Tôi nói tình hình sức khỏe của con nhưng không biết bác sĩ có nghe không, thản nhiên khám tiếp cho bệnh nhi khác cùng giường, như vậy rất khó chóng khỏi bệnh”. Tình trạng cơ sở vật chất BV xuống cấp, bệnh quá đông gây nhiều áp lực cho nhân viên y tế. Bác sĩ Nguyễn Công Tạo, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, BVNĐ Cần Thơ biện bạch: “Những lúc bệnh nhi tăng, chúng tôi tăng cường thêm các bác sĩ Trường Đại học Y dược Cần Thơ phụ tiếp. Công việc nhiều, có khi y tá trưởng và y tá hành chánh phải ở lại làm việc cả buổi trưa. Anh em ai cũng mệt mỏi nên không tránh khỏi sơ suất”.

Vì số giường nằm thường không đủ nên giường dịch vụ để đáp ứng nhu cầu cho một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế khá giả còn thiếu hơn. Ở BVĐKTP Cần Thơ chỉ bố trí được 63 giường dịch vụ/399 giường. Mỗi khoa ở BVNĐ Cần Thơ đều có phòng dịch vụ riêng (từ 5 đến 10 giường). Nhưng số giường cũng không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

QUÁ TẢI VÌ BỆNH NHÂN THÍCH ĐẾN BỆNH VIỆN NỔI TIẾNG

Trong lúc ngồi ở khoa Khám bệnh, BVĐKTP Cần Thơ, tôi nhận thấy có rất nhiều BN các xã ở huyện Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh... lặn lội từ xa đến khám bệnh. Một bà dì năm nay đã 82 tuổi bị bệnh tiểu đường nói: “Tui kêu con phải chở lên đây khám bác sĩ giỏi, BV lớn mới yên tâm”. Hầu như tháng nào dì này cũng lên BVĐKTP Cần Thơ khám bệnh. Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Phó Giám đốc BVĐKTP Cần Thơ cho biết: “Từ khi nghe thông tin có nhiều bác sĩ từ BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ chuyển về bệnh viện này nên lượng BN tăng mạnh”.

Ở BVNĐ Cần Thơ tình trạng quá tải xảy ra nhiều năm nay và ngày càng bức thiết. Cơ sở vật chất không nảy ra thêm trong khi lượng bệnh ngày càng tăng. Bác sĩ Bùi Hùng Việt giải thích: “Do các tỉnh lân cận không có BV nhi; gần đây chính sách khám chữa bệnh đối với trẻ dưới 6 tuổi cởi mở nên bệnh nhi đổ về khám ngày càng đông. Thêm vào đó, cha mẹ thường có tâm lý chọn BV lớn để khám cho con mới yên tâm.

Chính vì lượng BN đổ về các BV trong TP Cần Thơ khám ngày càng đông, tình trạng bác sĩ quá mệt mỏi, nên việc khám kỹ, tận tâm khó mà thực hiện được. Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự nói: “Hiện nay ngành y tế chưa có qui định bác sĩ phải khám cho BN bao lâu. Nhưng theo tôi để khám, tư vấn cho BN tốt thì trung bình việc khám những bệnh thông thường như cảm, sốt, ho... cũng mất khoảng 15 phút; còn với những trường hợp bệnh nặng hơn thì việc khám kéo dài đến 40 phút vì phải kết hợp cận lâm sàng”.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi sau nhiều ngày ở khoa Khám bệnh, BVĐKTP Cần Thơ, BVNĐ Cần Thơ thì không có một BN nào được khám với thời gian như vậy. Hầu hết BN được khám bệnh trong vòng từ 2-5 phút, vì thế rất nhiều BN than phiền việc các bác sĩ khám quá nhanh, không tư vấn đầy đủ dẫn đến việc không tuân thủ tốt điều trị. Chị Phượng, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp kể: “Con tôi bị tiêu chảy, tôi đưa cháu đến khám ngoại trú ở BVNĐ Cần Thơ. Sau 3 ngày uống thuốc, cháu không bớt, bác sĩ cho cháu nhập viện, điều trị được 4 ngày thì khỏi. Nhưng về nhà vài ngày, bệnh lại tái phát. Cứ thế cháu khám, nhập viện thêm 2 lần nữa. Sau này, khi đưa cháu khám ở phòng mạch tư, bác sĩ tư vấn kỹ, em mới phát hiện không nên cho trẻ ăn cơm quá sớm (con chị Phượng mới 7 tháng tuổi nhưng bà nội đã cho cháu ăn cơm-PV), khi cho cháu ăn cũng cần cẩn thận vệ sinh. Sau lần tư vấn đó, con em không bị tiêu chảy nữa”.

Tình trạng quá tải ở các BV, không những làm cho việc điều trị bị hạn chế hiệu quả mà còn làm lãng phí thời gian, lãng phí thuốc điều trị mà sâu xa hơn còn làm mất lòng tin của người dân đối với ngành y tế.

(Xem tiếp kỳ 2)

Chia sẻ bài viết