04/07/2020 - 08:20

Báo động “núi” rác thải điện tử trên toàn cầu 

Năm ngoái thế giới đã vứt rác điện tử với số lượng kỷ lục 53,6 triệu tấn, tăng 21% chỉ trong 5 năm, theo báo cáo công bố hôm 2-7 của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Những chiếc TV bỏ đi ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Trong đó, Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia xả rác điện tử nhiều nhất với lần lượt 10,1 và 6,9 triệu tấn, trong khi Ấn Độ là 3,2 triệu tấn. Tổng cộng 3 nước này chiếm gần 38% lượng rác điện tử trên toàn cầu năm 2019.

Rác thải điện tử đang tăng nhanh gấp 3 lần dân số thế giới và chỉ 17,4% rác thải trong năm ngoái được tái chế. Điều này đồng nghĩa lượng vàng, bạc, đồng, platinum và những vật liệu khác trị giá tổng cộng 57 tỉ USD (lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của nhiều nước trên thế giới) đã bị vứt đi hoặc đốt bỏ thay vì thu gom để xử lý và tái sử dụng. Rác điện tử còn đặt ra mối đe dọa cho môi trường và sức khỏe con người, bởi chúng chứa những hóa chất độc hại chẳng hạn như thủy ngân ảnh hưởng đến não. Ước tính, mỗi năm có 50 tấn thủy ngân đi theo các thiết bị như màn hình, bóng đèn tiết kiệm năng lượng… ra bãi rác. Ngoài ra, 98 triệu tấn CO2 cũng bị thải vào khí quyển từ những tủ lạnh và máy lạnh bỏ đi hồi năm ngoái, chiếm xấp xỉ 0,3% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Kể từ năm 2014, danh mục rác thải điện tử tăng nhanh nhất về trọng lượng là máy điều hòa nhiệt độ (tăng 7%), thiết bị cỡ lớn (5%), đèn ngủ và những thiết bị nhỏ (4%). Những gì đang xảy ra tại Ấn Độ và Trung Quốc cũng là cơn đau đầu mà nhiều quốc gia đang phát triển đối mặt, nơi nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử tăng nhanh.

Báo cáo đổ lỗi do việc thiếu vắng những quy định về xử lý rác thải điện tử cũng như vòng đời các sản phẩm này quá ngắn, khiến cho việc sửa chữa khó khăn hoặc thậm chí là không thể. Theo các tác giả, tại những nước thu nhập trung bình và thấp, cơ sở hạ tầng xử lý rác điện tử chưa được phát triển đầy đủ, có nơi thậm chí hoàn toàn không có. Một số rác thải điện tử được tái chế thường bằng những cách thức không an toàn, chẳng hạn như đốt các bo mạch để lấy đồng. Điều này giải phóng các kim loại có độc tính cao như thủy ngân, chì và cadmium, gây ra những tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe người dân. Chuyên gia Maria Neria tại Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng 1 trong 4 trường hợp chết sớm là do ô nhiễm môi trường, bao gồm rác thải điện tử.

Qua những phát hiện trên, các tác giả đưa ra thông điệp: “Cách chúng ta sản xuất, tiêu thụ và xử lý rác thải điện tử hiện nay là không bền vững”. Tài liệu cũng ước tính rác thải điện tử trên toàn cầu sẽ là 74 triệu tấn vào năm 2030, tức tăng gần gấp đôi chỉ trong 16 năm.

Năm 2018, Liên minh Viễn thông Quốc tế thuộc LHQ từng đặt ra mục tiêu đến năm 2023 tăng tái chế rác thải điện tử từ 17% lên 30%. Tuy nhiên, đây là mục tiêu trên thực tế rất khó đạt được. Kể từ năm 2014, số lượng quốc gia áp dụng những chính sách hoặc quy định về rác thải điện tử chỉ tăng từ 61 lên 78, trong tổng số 193 nước thành viên LHQ. Ấn Độ là đất nước duy nhất ở Nam Á soạn thảo dự luật về rác thải điện tử, nhưng việc thu gom vẫn còn yếu kém. Được biết, châu Âu đạt tỷ lệ tái chế rác thải điện tử cao nhất trong năm 2019 với 42%, còn châu Á chỉ ở mức 12%.

HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết