15/04/2016 - 14:25

Báo động nạn lừa bán đồ cổ giả

 Điều tra: ĐĂNG HUỲNH

Bài cuối: KHÔNG CÓ CHUYỆN ÐỒ CỔ "HẰNG HÀ SA SỐ"!

Thật ra, những món đồ cổ mà nhiều người bị lừa là "phiên bản" của một tuyệt phẩm đúc đồng có giá trị của Trung Quốc. Những "phiên bản" tràn lan, rẻ bèo, thật- giả lẫn lộn chính là cơ hội để kẻ gian lừa đảo những người dân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết.

"Tuyệt phẩm nhân gian"… rẻ như bèo

 Một điểm bán đồ xưa, giả cổ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều có rất nhiều hồ lô Bát Tiên với giá khoảng 2 triệu đồng/cái. Ảnh: DUY KHÔI

Điểm chung của những món đồ cổ mà chúng tôi ghi nhận được từ các nạn nhân bị lừa đảo gồm 1 hồ lô với 8 ông Tiên xoay quanh ở phần bụng lớn- còn gọi là hồ lô Bát Tiên và 1 món phụ đôi khi là cặp cóc ngậm đồng tiền (tên chữ là thiềm thừ) hoặc 1 cặp gà, hoặc 1 cặp kỳ lân… Tất cả đều bằng chất liệu đồng và phía dưới có dấu triện, gồm 6 chữ "?? ?? ?? ?? ?? ??" (đọc là: Đại Minh Tuyên Đức niên chế) hoặc 4 chữ "?? ?? ?? ??" (đọc là: Tuyên Đức niên chế). Lần tìm hiểu về kỹ thuật đúc đồng thời vua Tuyên Đức, đời nhà Minh của Trung Quốc, lịch sử ghi nhận đây là thời kỳ hoàng kim của kỹ thuật đúc đồng. Trong đó, lư đồng và hồ lô Bát Tiên được xem là "tuyệt phẩm nhân gian" bởi độ tinh xảo và kỳ công. Trả lời báo chí về cổ vật này, chuyên gia giám định cổ vật Nguyễn Phước- Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, khẳng định: "Bình hồ lô phong thủy thời Tuyên Đức nhà Minh cực hiếm, ở Việt Nam có thể có một vài chiếc chứ không nhiều như vậy".

Trong quá trình tìm hiểu về những món "đồ cổ dỏm", phóng viên Báo Cần Thơ trong vai khách mua đồ xưa đã tìm ra con đường tiêu thụ của chúng. Anh H.- người kinh doanh đồ xưa, cũ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều, giới thiệu có thâm niên trên 20 năm hành nghề, cho biết: hồ lô, thiềm thừ… mà người dân bị lừa hầu hết đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đó là những sản phẩm được làm theo khuôn mẫu nhưng kém tinh xảo, nghệ thuật, đặc biệt là đúc bằng đồng tạp chất, pha lẫn rất nhiều chất liệu bẩn, nhất là đất. Anh H. tiết lộ, dân bán đồ xưa, trong đó có anh, muốn mua hồ lô Bát Tiên giá rẻ và nhiều đều chọn cách sang Thủ đô Phnom Penh, Camphuchia lấy hàng. "Bên đó muốn thứ gì, bao nhiêu cũng có"- anh H. nói. Theo quan sát của chúng tôi vào sáng 9-4 tại sạp hàng của anh H. có 4 hồ lô Bát Tiên giống hệt hồ lô mà nhiều người bị lừa. Anh H. tiếp thị: "Tôi bán hồ lô này 2,5 triệu đồng/ cái. Anh mua, tôi bán làm quen nên giảm 20%, còn 2 triệu đồng. Con cóc tôi bán 700.000 đồng/con. Chắc giá!". Như vậy, theo giá chưa mặc cả, bộ "đồ cổ" mà nhiều người bị lừa mua 15 triệu đồng thực chất chỉ hơn 3 triệu đồng.

Nhiều dân chơi đồ cổ ở TP Hồ Chí Minh cũng tiết lộ "đường đi" của "đồ cổ dỏm" mang mác "Tuyên Đức niên chế" tương tự như anh H. nói. Thậm chí, những món đồ cổ này được bày bán "như rau" ở phố đồ cổ Lê Công Kiều (quận I, TP Hồ Chí Minh) và giá mỗi chiếc hồ lô Bát Tiên… chỉ vài trăm ngàn đồng.

Cẩn trọng, tránh bị lừa

Chia sẻ về lý do bị lừa mua 1 hồ lô Bát Tiên và 2 con cóc với giá 15 triệu đồng, anh T. (ở ấp Thắng Lợi, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) cho biết: "Ngoài chuyện sình bùn khiến tôi tin là đồ mới moi lên từ lòng đất thì khi chùi rửa, nhìn sự cũ kỹ, đóng ten trên chiếc bình ai cũng nói rằng đồ có tuổi thọ trăm năm". Còn ông Tám B. (ở ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) thì nói: "Công bằng mà nói thì nhìn chiếc bình hồ lô này rất đẹp. Vả lại, trong nhà tôi có vài món đồ đồng xưa, gỉ ten rất giống chiếc bình này nên tôi mới mua vì nghĩ là "cổ" thật!".

Giới chuyên sưu tầm đồ cổ nhận định, những chia sẻ của anh T. hay ông B. là hoàn toàn thông cảm vì nếu những người chuyên làm giả đồ đồng cổ chịu "đầu tư" vào một món đồ thì ngay cả dân sưu tầm đôi khi còn bị đánh lừa.

HỆ LỤY!

Là người quan tâm tới di sản văn hóa dân tộc, tôi nghĩ rằng các nhà chức trách nên ngăn chặn tình trạng này càng sớm càng tốt. Đồ mỹ nghệ giả cổ không vi phạm pháp luật, nhưng tạo kịch bản rồi tung tin như vậy để người dân mua giá quá cao chính là lừa đảo, bán đồ cổ giả. Đó là chuyện phạm pháp! Mặt khác, về lâu dài, nếu không ngăn chặn, các thế hệ sau này có thể sẽ truyền tụng rằng: “Các tỉnh miền Tây Nam bộ, ở đâu cũng đào được cổ vật đời nhà Minh của Trung Quốc” thì rất đáng quan ngại!

Anh Triệu Vinh- người có kinh nghiệm nghiên cứu cổ vật ở Cần Thơ

Lẽ dĩ nhiên để xác định chính xác món đồ cổ cần phải sử dụng các phương pháp giám định khoa học nhưng các chuyên gia, nhà sưu tầm cũng chia sẻ một số cách mang tính tương đối. Anh Q., người có kinh nghiệm nghiên cứu đồ cổ ở Cần Thơ, cho biết: Đồ đồng mới nhìn kỹ bề mặt sẽ láng và mịn hơn đồ đồng cổ vì theo thời gian, các phân tử đồng sẽ giãn nở ra, sinh xỉ nên không trơn mịn. Đồ đồng cổ xưa nếu làm bằng đồng đỏ thì sẽ có trọng lượng nặng hơn đồng hiện nay vì gần như 70%-80% là đồng nguyên chất. Mặt khác, đặc điểm của đồng lâu năm thường là lớp gỉ ten đặc trưng. Cũng chính vì đặc điểm này mà nhiều người dễ bị lầm bởi để có lớp ten, những người làm giả mạo chỉ cần ngâm đồ đồng mới vào dung dịch a-xít và hóa chất chuyên dụng, sẽ tạo ra ten. Thậm chí, giới chơi đồ cổ còn truyền tai nhau cách làm đồ đồng giả cổ rất tinh vi là mua tiền xu cổ nghiền nát, dùng hệ thống bắn bụi đồng xu lên vật phẩm làm giả. Nếu tỉ mỉ và "có nghề", cách làm giả này chẳng những qua mặt được chuyên gia bằng mắt thường mà cả thiết bị giám định bởi bụi tiền xu ấy là cổ thật! Về triện "Đại Minh Tuyên Đức niên chế", "Tuyên Đức niên chế", anh Q. giải thích: "Đồ cổ mà còn giả y như thật thì con dấu đó có gì khó. Vả lại, không thể căn cứ dấu triện đó mà xác định niên đại đồ đồng vì có khi người làm đóng theo sở thích hoặc dựa vào kiểu dáng đặc trưng của thời kỳ đồ đồng nào đó".

Việc mua bộ hồ lô Bát Tiên và thiềm thừ với giá cả hợp lý, đúng theo nghĩa "giả cổ" là bình thường với ý nghĩa phong thủy. Nhưng việc một số kẻ gian dùng chiêu trò biến "đồ giả cổ" thành "đồ cổ giả" để trục lợi bất chính là vi phạm pháp luật, gây hậu quả cho xã hội. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Hội UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật TP Cần Thơ, khuyến cáo: "Để mua một món đồ cổ, người mua cần có kiến thức hoặc phải tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Không biết thì không nên mua để tránh bị lừa".

Chia sẻ bài viết