11/12/2021 - 13:14

Bâng khuâng “Một chuyện tình nhỏ xíu” 

Tập truyện ngắn “Một chuyện tình nhỏ xíu” (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của nhà văn Lưu Thị Lương gồm 34 chuyện tình, mỗi câu chuyện mang một sắc thái, hoàn cảnh khác nhau. Ðiểm chung là các câu chuyện đều mộc mạc, dung dị và dễ thương nên mang lại cảm giác thư thái, nhẹ nhàng cho người đọc.

Ðúng như cái tên, phần lớn các chuyện tình “nhỏ xíu”, thậm chí thoáng qua hoặc cảm giác chông chênh, mơ hồ. Ðó là những mối tình đơn phương của những chàng trai cô gái đôi mươi, những rung động đầu đời của tuổi học trò hoa mộng hay sự khắn khít của những cặp “thanh mai trúc mã”. Mà tác giả phải là người quan sát tinh tế, cảm nhận sâu sắc để viết ra được những thoáng mộng mơ và cảm xúc, tâm trạng đang yêu một cách chân thật, sinh động như người trong cuộc. Ðó là sự mong chờ một món quà nhỏ của cô gái với người cô thầm thương trong “Quà yêu”; là tình yêu si mê, chân thành của chàng trai trẻ với người hơn mình 1 tuổi nhưng không dám giãi bày, chỉ biết hết lòng giúp đỡ người ta trong “Chuyện tình của đứa xưng em”. Hay những rung động đầu đời vì “Giựt mình một cái nắm tay”, hoặc vì một tấm ảnh, một sự quan tâm, chia sẻ…

Có những chuyện mang lại sự ấm áp, niềm tin yêu bởi sự chân thành, bởi tình cảm sắt son, trọn vẹn của các nhân vật. Nhưng cũng có những câu chuyện khiến người đọc vui cười vì nó trẻ con, vụng về hoặc tâm lý thất thường của con gái. Ðôi khi là sự vội vàng của chàng trai mới lớn khi nhìn thấy cô bé hàng xóm mặc áo dài xinh xắn thì cảm mến và ngỏ lời yêu, để rồi sau này anh lại nhận ra mình không phải yêu mà chỉ là thích hình ảnh cô bé mặc áo dài mà thôi của “Chờ đến tuổi yêu”…

Những chuyện tình buồn, éo le, trắc trở với nhiều hoàn cảnh khách quan, chủ quan cũng được tác giả kể một cách nhẹ nhàng, từ tốn, nhưng đủ làm người ta đau lòng, tiếc nuối hay hụt hẫng, chơi vơi. Như trong “Mỗi người có một cái nhà riêng”, cặp đôi giáo viên sau nhiều năm yêu nhau đành phải chia tay vì ai cũng nặng gánh gia đình, lo cho người thân và không tìm được cách giải quyết vấn đề sao cho trọn vẹn để đi đến hôn nhân. Như câu chuyện yêu xa cách nửa vòng trái đất cuối cùng cũng không có được cái kết có hậu trong “Những lá thư có đánh số thứ tự”. Và còn gì hụt hẫng, bất ngờ hơn khi ngày cưới đã gần kề, cô dâu mới nhận ra bản chất keo kiệt, gia trưởng, vũ phu của người chồng có vẻ ngoài tử tế, đạo mạo. Lúc này, vì nhiều lý do, cô không thể hủy hôn, đành nhắm mắt đưa chân, đánh cược số phận với “Cô dâu đến trễ”…

Với cách viết đơn giản, không đào sâu chi tiết, thậm chí, đôi khi như trêu tức người đọc bởi câu chuyện có mở đầu mà không có kết thúc. Có thể nói, sức hấp dẫn của tập truyện không nằm ở cốt truyện hay bố cục mà nằm ở sự am tường tâm lý và vốn sống dày dặn của tác giả. Hàng loạt tâm tư, tình cảm của người mới yêu, đang yêu, đã yêu và muôn mặt của tình yêu được nhà văn lột tả, khắc họa vô cùng phong phú, sinh động. Các nhân vật với đủ thành phần, lứa tuổi, cảm xúc, suy nghĩ khi vướng vào chữ “yêu” lần lượt hiện lên đa sắc thái dưới ngòi bút của tác giả. Có người chín chắn, trầm ổn, có người hấp tấp, vội vàng, có người ngây thơ, cả tin, có người mơ mộng, có người thực dụng… Hoàn cảnh dẫn đến tình yêu cũng muôn hình vạn trạng.

Thế giới tình yêu đủ sắc màu trong “Một chuyện tình nhỏ xíu” đủ gieo vào lòng người đọc những bâng khâng, trăn trở và cũng để lại những cảm xúc nhẹ nhàng, thư giãn về một chủ đề quen thuộc nhưng không bao giờ cũ trong văn chương.

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết