28/11/2023 - 09:41

Bán tàu hủ kiếm tiền vá đường 

Hơn 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Minh (45 tuổi, ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã thầm lặng vá đường để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Bà Minh (thứ hai từ trái qua) chuẩn bị vật liệu đi vá đường.

Cuộc sống gia đình chẳng mấy dư dả, để có tiền trang trải cuộc sống, bà Minh mưu sinh bằng đủ nghề, từ bán tàu hủ cho đến cấy lúa thuê... Tranh thủ những ngày rảnh rỗi, bà Minh rong ruổi trên chiếc xe “cà tàng” chở đầy vật liệu xây dựng, đồ nghề đi “rà” hết đường này đến đường khác ở địa phương để tìm “ổ voi, ổ gà” vá lại.

Bà Minh kể, hơn 10 năm trước, trong lần di chuyển trên đường, bà chứng kiến cảnh một phụ nữ gặp tai nạn gãy chân, mặt xây xát do di chuyển trên đường lởm chởm ổ gà. Qua ngày hôm sau, cũng trên tuyến đường đó, bà lại chứng kiến cảnh học sinh vấp ổ gà, té rách áo dài. Khi đó bà suy nghĩ làm thế nào để hạn chế những đoạn đường ổ gà. “Ðó là động lực thôi thúc tôi đi vá đường” - bà Minh tâm sự.

Quyết tâm có thừa nhưng bà Minh lại gặp khó khi không biết kỹ thuật vá đường. Vậy là, bà cất công đi theo phụ hồ cùng những người hàng xóm để học nghề. Sau khi thành thục, bà bỏ tiền túi mua sắm đồ nghề, vật liệu để vá đường. Rồi dần dần có nhiều kinh nghiệm, bà chuyển sang vá bằng nhựa đường.

“Lúc đầu theo học nghề từ mấy anh thợ hồ, rồi đi mua xi măng trộn hồ vá thử, nhưng xe lớn chạy ngang hư hết. Thấy những công trình làm đường, trải nhựa bền hơn, tôi cũng thử mua nhựa phuy nấu, rồi lấy thùng tưới. Từ từ có kinh nghiệm, tùy theo thời điểm chọn phương án vá bằng xi măng, tưới nhựa hay đắp nhựa khô” - bà Minh chia sẻ.

Do bà Minh bán tàu hủ kiếm sống nên thời gian đi vá đường thường không cố định. Chi phí mua vật liệu vá đường cũng tốn kém nhưng may mắn là bà nhận được nhiều hỗ trợ từ những người có chung tấm lòng để duy trì hoạt động ý nghĩa này. “Bán tàu hủ, mỗi ngày thu nhập không được bao nhiêu, ăn uống phải tằn tiện để dành tiền mua vật liệu. May mắn nhiều người thấy việc ý nghĩa nên hùn xi măng, nhựa, hay hỗ trợ ít tiền mua vật liệu” - bà Minh cho biết.

Dù công việc nặng nhọc, ngày ngày đội nắng mưa, khuôn mặt dần nám đen nhưng đối với bà Minh, quan trọng là sự bình an của người đi đường. Nơi nào xuất hiện ổ gà là bà có mặt ngay, đoạn đường nào hư, mức độ hư, hư bao lâu, bà đều nhớ để khắc phục triệt để. Việc làm “bao đồng” của bà Minh từng khiến nhiều người xì xầm, bàn tán, dè bỉu, nhưng bà không để tâm, chỉ cố gắng làm hết sức để những con đường được bằng phẳng.

Anh Nguyễn Ðức Hiền (40 tuổi, ở huyện Tri Tôn) cho biết: “Vợ tôi đi mua phế liệu gặp bà Minh vá đường, thấy việc làm ý nghĩa nên xin theo góp sức, rồi làm tới giờ cũng mấy năm. Nhựa rất cứng, nặng, cả ngày giữa trưa nắng vậy mà bà Minh đã kiên trì làm hơn 10 năm, khiến tôi khâm phục”.

Ngoài vá đường, bà Minh còn giúp người nghèo khó như xin quần, áo hỗ trợ, lo đồng phục và hỗ trợ ít chi phí đóng học phí cho học sinh nghèo… Nhận thấy những việc làm đầy ý nghĩa của bà Minh, khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người dân địa phương tình nguyện đồng hành cùng bà. Còn với bà Minh, nhận được niềm vui, sự quý mến, yêu thương của bà con là động lực để bà tiếp tục hành trình với những cung đường phía trước.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết