* Thống nhất quản lý nhà nước về công tác cơ yếu
Nhiều băn khoăn, ý kiến đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên thảo luận tổ sáng 1-11, đối với các vấn đề liên quan tới việc trồng và bảo vệ rừng, quy hoạch và sử dụng đất hiện nay.
Trước thực tế trồng rừng mới không theo kịp so với nạn phá rừng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, hầu hết các đại biểu đều tỏ ra băn khoăn về tính chính xác của số liệu thống kê hiện nay về diện tích rừng và độ che phủ rừng.
“Việc quản lý giám sát rừng chưa được thực hiện tốt. Chỉ cần đi vào rừng sâu vài trăm mét ở các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên là sẽ biết ngay. Nếu đã gọi là rừng thì phải rõ ràng từng loại, chứ không phải vài cây “lèo tèo” cũng gọi là rừng được”, đại biểu Đặng Thành Tâm (thành phố Hồ Chí Minh) nêu ý kiến. Đại biểu đề nghị xem xét lại tính chính xác của con số về độ che phủ rừng: hơn 39,5% như báo cáo, cần làm rõ tỷ lệ nào gọi là rừng, chỗ nào là lau lách, cây công nghiệp... Các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đưa ra tiêu chí cụ thể để Quốc hội giám sát.
Ủng hộ những ý kiến nêu trên, đại tá Nguyễn Văn Hưng (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tế rừng trồng không tăng nhiều, nhất là phía Nam, thậm chí còn giảm mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên. Theo ông Hưng, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên như: chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sang trồng cao su, cà phê; khai thác trái phép, di dân tự do... Bên cạnh đó, chính quyền một số nơi chưa làm hết trách nhiệm quản lý, phó mặc cho lực lượng kiểm lâm, dẫn đến nhiều tiêu cực xảy ra.
Ý kiến nhiều đại biểu thống nhất với việc chuyển Chương trình mục tiêu dự án trồng mới 5 triệu ha rừng sang thành chương trình thường xuyên. Đồng thời, các đại biểu đề nghị cần có chính sách đặc thù đối với cá nhân, tập thể giữ đất trồng rừng. Vốn cho phát triển rừng khuyến khích theo hướng xã hội hóa. Ngân sách chỉ nên đầu tư cho cơ sở hạ tầng, xây dựng rừng phòng hộ, xung yếu... Hiện tại chính sách với người trồng rừng quá thấp, rừng phòng hộ khoán 100.000 đồng/ha/năm, giai đoạn tới nâng lên 200.000 đồng/ha/năm.
Các đại biểu cũng dành nhiều tâm huyết đối với vấn đề quy hoạch và sử dụng đất. Nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng đất hiện nay vẫn còn nhiều lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (thành phố Hồ Chí Minh), phải tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc quy hoạch sử dụng đất, kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, thậm chí phải hơn nữa, để đảm bảo an ninh lương thực bền vững, nhất là trong điều kiện dân số tiếp tục tăng và thế mạnh của chúng ta là nông nghiệp.
Đại biểu Võ Thị Dung (thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Quốc hội nên có Nghị quyết về bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và rừng trong vòng 10 năm tới. Đất lúa là nguồn tài nguyên quý, rừng để bảo vệ sinh thái, nếu không bảo vệ, nguy cơ ngày càng bị thu hẹp. Đất công nghiệp trong 10 năm tới có thể tăng lên 200.000 ha. Tuy nhiên, hiện các KCN mới “lấp đầy” khoảng 46% diện tích đã giao. Do vậy, theo đại biểu Dung, nhu cầu đến đâu sẽ phát triển đến đó, tránh lãng phí. Chính phủ cần rà soát nghiêm túc trong điều hành việc sử dụng những dự án này.
Trong quy hoạch đất công nghiệp, đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) cho rằng, trước mắt cần phải lấp kín các khu công nghiệp và cần tính toán kỹ tỷ trọng phát triển công nghiệp trong nền kinh tế để chỉ tiêu đề ra hợp lý, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, cần xem xét kỹ đất quy hoạch dành cho giáo dục, y tế và giao thông, đây là những vấn đề quan trọng và mang tính cấp bách.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhận định, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam sẽ tăng hơn rất nhiều, đặc biệt ở hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cùng đó là tốc độ đô thị hóa ở các tỉnh cũng tương tự và như vậy những câu chuyện quy hoạch, giao thông sẽ đặt ra với các tỉnh. Do vậy, theo đại biểu Nguyệt Hường, cần bổ sung chỉ tiêu về đất quy hoạch giao thông. Đối với đất trồng lúa cần tính đến các giải pháp như áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lúa, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu.
* Chiều 1-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, thảo luận những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cơ yếu.
Đa số đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ điều chỉnh hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, với đặc trưng là sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước. Vì vậy, cần xác định Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia có chức năng quản lý chuyên ngành về cơ yếu đối với các hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngoại giao, tổ chức cơ yếu trong cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Nhiều đại biểu nhận định, Ban cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ như hiện nay là không hợp lý, không phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của ngành cơ yếu là ngành cơ mật đặc biệt và đề nghị chuyển Ban cơ yếu Chính phủ về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) và đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, Ban Cơ yếu Chính phủ đã có thời gian dài là cơ quan thuộc Trung ương Đảng, do Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Bộ Quốc phòng có bề dày kinh nghiệm quản lý, sử dụng lực lượng cơ yếu và thực tiễn hiện nay số lượng người làm công tác cơ yếu trong hệ thống cơ yếu Quân đội nhân dân chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, nên chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng và vẫn giữ nguyên tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ như hiện nay. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị Ban cơ yếu nên là cơ quan của Bộ Quốc phòng và sắp xếp tương đương với cục, hoặc tổng cục là hợp lý.
NHÓM PV TTXVN