01/01/2018 - 16:44

Bán hàng qua ứng dụng - cơ hội làm giàu cho nông dân Indonesia 

Chỉ 3 tháng sau khi ra mắt ứng dụng tiếp thị nông sản RegoPantes, nông dân đã thấy thu nhập của họ tăng gần gấp đôi. Liệu đây có phải là tương lai của ngành buôn bán nông sản trực tiếp từ nông dân đến người tiêu dùng tại Indonesia?

Nông nghiệp là một ngành then chốt trong nền kinh tế Indonesia, chiếm 14% tổng sản phẩm quốc nội. Khoảng 1/3 người Indonesia là nông dân. Họ cũng là những người nghèo nhất ở Indonesia, chiếm ít nhất 30% số người có thu nhập thấp ở nước này. Tiến sĩ Achmadi Priyatmojo thuộc Khoa Nông nghiệp Đại học Gadjah Mada cho rằng vấn đề ở chỗ diện tích đất quá nhỏ để tạo ra đủ thu nhập cho họ. Nhưng ngay cả với những người có đất nhiều hơn, thu nhập từ mùa vụ cũng không đáng kể. Vì sao?

 Giá nông sản bán trên ứng dụng RegoPantes rẻ hơn giá bán ở siêu thị.

Nguyên nhân là do nông dân lệ thuộc quá nhiều vào thương lái, những người đóng vai trò cầu nối giữa nông dân với người tiêu dùng. Để tối đa hóa lợi nhuận, thương lái trả cho nông dân mức giá rẻ nhất có thể, bằng cách thông đồng để ép giá những mặt hàng dễ hư hỏng hoặc ép những người đã mượn tiền của họ để mua hạt giống và phân bón trước đó. Giáo sư Achmadi cho biết nông sản sau thu hoạch có thể phải qua 8 thương lái, mỗi người kiếm lời từ 10-20%, do đó giá bán đến tay người tiêu dùng thường rất cao, trong khi nông dân lại bán giá rất thấp. Đó là một vòng luẩn quẩn của nghèo đói mà các nông dân nhỏ ở Indonesia khó vượt qua, cho đến khi một ứng dụng điện thoại thông minh của công ty 8villages ra đời.

RegoPantes (có nghĩa “giá cả hợp lý”) là một cách mới để bán và mua hàng nông sản mà không qua thương lái. Ứng dụng này là khám phá bất ngờ của người đồng sáng lập Sanny Gaddafi – người từng thành lập một trong những mạng xã hội thành công nhất Indonesia năm 2004, khi Facebook vẫn còn non trẻ. Mạng xã hội FUPEI của Sanny có 200.000 người dùng chỉ trong 2 năm, một thành tích ấn tượng thời đó và được các nhà đầu tư mạo hiểm từ Mỹ “gõ cửa”. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 đã khiến FUPEI ngừng hoạt động. Không nản lòng, Sanny tự hỏi sẽ làm gì tiếp theo? Và anh đã được mách nước bởi một người quen – nhà nông học người Pháp Mathieu Le Bras đang sống ở Thủ đô Jakarta, với đề nghị cùng thiết lập “mạng xã hội dành cho nông dân”.

Cả hai thành lập công ty 8villages vào năm 2012 để giúp nông dân bằng cách cung cấp cho họ những kỹ thuật trồng trọt tốt nhất và giá cả thị trường. Do khu vực nông thôn thiếu mạng 3G, nên nền tảng đầu tiên họ xây dựng là dịch vụ dựa trên tin nhắn SMS gọi là LISA (Dịch vụ thông tin của nhà nông). Người đăng ký được đưa vào cộng đồng dựa trên địa điểm và nông sản mà họ trồng, sau đó nhận được bí quyết chăm sóc cây hàng ngày. Họ cũng có thể gửi câu hỏi và được các chuyên gia hồi đáp. Nhiều đối tác cũng tham gia cộng đồng này, gồm giáo viên và sinh viên từ các trường đại học, nhân viên các tổ chức nhân đạo và cán bộ từ Bộ Nông nghiệp Indonesia. LISA đã thành công vang dội.

Và khi nhà nông trồng trọt giỏi hơn, sản xuất nhiều mặt hàng với sản lượng cao hơn, họ bắt đầu hỏi chuyên gia làm sao để tăng thu nhập. Ứng dụng RegoPantes giúp họ trả lời câu hỏi này. Cách làm rất đơn giản: Trước khi thu hoạch, nhà nông đưa thông tin về cây trồng của họ lên mạng, người tiêu dùng chọn “mua” và trả tiền. Sản phẩm tươi ngon sau đó được giao trực tiếp đến khách hàng ngay sau khi thu hoạch mà không qua trung gian. Đại diện 8villages cho biết công ty khảo sát giá của nông dân và giá thị trường, rồi đưa vào một công thức để xác định “giá cả hợp lý”. Nhờ bỏ qua khâu trung gian, nông dân kiếm được nhiều tiền hơn, còn khách hàng thì trả ít hơn. 

Thực ra, ứng dụng di động giúp bán nông sản trực tiếp đến khách hàng không phải là mới ở Indonesia. Tuy nhiên, RegoPantes cạnh tranh hơn nhờ hai yếu tố, một là không trích hoa hồng (vì điều đó sẽ khiến họ giống thương lái), hai là người tiêu dùng có thể xem hồ sơ của từng nông dân và quyết định mua mặt hàng nào. Từ khi ra mắt hồi tháng 9-2017 đến nay, đã có 7 chuyến hàng vận chuyển đến hơn 100 khách hàng và khoảng 700 nông dân đăng ký làm nhà cung cấp. Những con số này dự kiến sẽ tăng nhanh vì phản hồi từ nông dân rất khả quan. Đơn cử, Suratman có hai thửa đất nông nghiệp nhỏ ở huyện Magelang, tỉnh Trung Java, chủ yếu trồng khoai tây và bông cải xanh. “Trước kia, thu nhập của tôi khoảng 700.000 Rupiah mỗi vụ. Nhưng nhờ có RegoPantes, thu nhập của tôi đã tăng gấp đôi, từ 1 triệu đến 1,5 triệu Rupiah mỗi vụ. Nông dân cũng thích việc được thanh toán trước qua ứng dụng, không như khi bán cho thương lái hoặc siêu thị thường thanh toán trễ đến 2 tháng và khiến nhà nông khó xoay vốn.

Hiện đội ngũ RegoPantes hỗ trợ nhà nông đóng gói và giao hàng, nhưng nhà sáng lập Sanny cho biết thời gian tới, công ty 8villages sẽ tập huấn để người nông dân có thể tự làm mọi thứ. 

THANH TRÚC (Theo CNA) 

Chia sẻ bài viết