03/11/2023 - 17:37

Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam 

(CT) - Ngày 3-11, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trang Thông tin điện tử tổng hợp Nhịp sống kinh doanh (BizLIVE) phối hợp tổ chức hội thảo thường niên “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam”.

Toàn cảnh hội thảo.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của nước ta trong tháng 10-2023 đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với tháng 10-2022. Ước 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Về giá xuất khẩu, theo VFA, tính đến ngày 1-11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. 

Thời gian qua, thị trường lúa, gạo trải qua nhiều biến động, giá mặt hàng này luôn trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, giá gạo Việt Nam tăng "nóng" dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều quá đã hủy hợp đồng, nhất là những doanh nghiệp năng lực tài chính yếu. Mặt khác, khi giá gạo Việt Nam lên quá cao, khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng gạo tương đương với gạo Việt Nam, đặc biệt là Thái Lan, dẫn đến nguy cơ Việt Nam bị mất thị trường gạo thơm (DT8, OM 5451…)...

Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam có khả năng đạt 8 triệu tấn. Như vậy, sang năm 2024, tồn kho sẽ rất ít. Các chuyên giá khuyến cáo, để hoạt động xuất khẩu gạo năm 2024 thuận lợi, doanh nghiệp phải hết sức thận trọng trong quyết định ký hợp đồng giao xa vì nguồn cung hạn hẹp. Ngoài ra, các ngân hàng cần thúc đẩy tín dụng cho ngành gạo để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

Các đại biểu tại phiên tọa đàm.

Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng bàn những giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng lúa gạo như Rulo cao su cho bóc vỏ tuổi thọ cao, giảm gãy vỡ; máy xát trắng SmartWhite: giảm gãy gạo, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng; sử dụng công nghệ sấy hiện đại và bảo quản trong silo; ứng dụng công nghệ AI để kiểm soát quy trình sản xuất lúa gạo. Các công nghệ này không chỉ giúp nông dân, doanh nghiệp giảm thất thoát về số lượng mà còn giảm thất thoát về chất lượng hạt gạo, giảm sử dụng năng lượng điện trong quá trình xay xát để tăng lợi nhuận.

Tin, ảnh: MỸ THANH

 

 

 

Chia sẻ bài viết