29/04/2009 - 14:21

Ban chỉ đạo Quốc gia họp khẩn cấp chỉ đạo công tác phòng, chống cúm heo A(H1N1)

* WHO cảnh báo nguy cơ dịch cúm heo xâm nhập vào Việt Nam và lây lan là rất lớn

Trước tình hình dịch cúm heo A(H1N1) diễn biến phức tạp tại Mexico, Mỹ và một số nước khác, ngày 28-4-2009, Bộ trưởng Bộ Y tế, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người và các đơn vị liên quan đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp chỉ đạo về công tác phòng chống đại dịch cúm ở người.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, dịch cúm heo (swine influenza A(H1N1)) đã xuất hiện ở Mexico và Mỹ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đây là vấn đề khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng và cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Tính đến ngày 28 ngày 4 năm 2009, Mỹ đã phát hiện 50 trường hợp dương tính với cúm heo A(H1N1) và tại Mexico đã ghi nhận 1.900 trường hợp mắc (trong đó có 149 trường hợp tử vong). Một số quốc gia bắt đầu ghi nhận bệnh nhân cúm heo A(H1N1) như Canada (4 trường hợp), Anh (2 trường hợp), Tây Ban Nha (2 trường hợp), và một số quốc gia khác đã ghi nhận một số trường hợp nghi ngờ gồm: Israel, Colombia, New Zealand, Australia, Hàn Quốc.

Tổng Giám đốcWHO Margaret Chan đã cảnh báo những diễn biến tại Mexico và Mỹ đã đặt cộng đồng quốc tế trước một tình trạng y tế khẩn cấp có quy mô toàn cầu. Hôm nay WHO đã nâng mức cánh báo đại dịch lên mức độ 4/5: có bằng chứng về khả năng lây truyền từ người sang người. Trong điều kiện giao lưu rộng rãi giữa các nước, các khu vực nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và lây lan là rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người đã khẩn trương triển khai và phân công cụ thể các Tiểu ban như sau:

Tiểu ban giám sát: Tiếp tục phối hợp với WHO, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của Hoa Kỳ (USCDC) theo dõi diễn biến tình hình dịch cúm heo A(H1N1), cúm gia cầm trên thế giới và trong nước; để đưa ra thông báo, hướng dẫn kịp thời, chính xác, không chủ quan, không gây hoang mang trong cộng đồng. Đồng thời lên kế hoạch cụ thể về công tác kiểm dịch, chuẩn bị các phòng cách ly tại cửa khẩu; cách ly ngay các trường hợp mắc; các trường hợp đến từ các vùng có dịch có liên quan dịch tễ phải được theo dõi theo địa chỉ của hành khách khai báo; áp dụng các biện pháp phòng hộ cần thiết cho các hành khách nhập cảnh từ các nước có dịch. Cung cấp thông tin cho người nhập cảnh, xuất cảnh về cúm heo A(H1N1).

Bộ trưởng yêu cầu các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan và tập huấn cho các cán bộ y tế về các biện pháp giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch. Bộ trưởng yêu cầu, trong ngày 28-4-2009, các đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác sẵn sàng phòng chống dịch cúm A tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam. Cũng như xây dựng kế hoạch giám sát, xử lý ổ dịch phòng chống dịch cúm heo A(H1N1), nhu cầu kinh phí; phối hợp với các chuyên gia trong nước, WHO, USCDC xây dựng quy trình giám sát và xử lý ổ dịch cúm heo A(H1N1); tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát và xử lý ổ dịch cúm heo A(H1N1).

Bộ Y tế cũng đã triển khai bàn giao 34 hệ thống xét nghiệm PCR cho các địa phương để nâng cao năng lực các phòng xét nghiệm, cung cấp trên 1.000 máy thở cho các bệnh viện. Sẵn sàng về hóa chất, thuốc kháng vi-rút, cung cấp kịp thời cho các địa phương sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của dịch.

* Chiều 28-4-2009, bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ đã ký thông báo khẩn, gởi các Trung tâm Y tế dự phòng, Phòng Y tế, các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của thành phố và các quận, huyện. Nội dung nêu rõ: yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải thực hiện nghiêm ngặt công tác ứng cứu dịch bệnh: họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm tại cơ sở, sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư và xe cấp cứu để xử lý kịp thời, điều trị cách ly ca bệnh có triệu chứng của cúm heo A (H1N1) hoặc cúm gà (H5N1) nếu có. Đồng thời, các cơ sở y tế phải cử cán bộ trực 24/24, nhằm phục vụ tốt nhu cầu điều trị các bệnh thường gặp tại địa phương, như sốt xuất huyết, tiêu chảy hoặc tình hình tai nạn giao thông dễ xảy ra do nhu cầu đi lại của người dân gia tăng trong những ngày lễ. Riêng hệ thống y tế dự phòng phải kết hợp chặt chẽ với các cơ sở thú y để giám sát dịch tễ và thực hiện nghiêm chế độ báo dịch theo hệ thống dọc. Đáp ứng mục tiêu an toàn thực phẩm cho người dân và không gây hoang mang dư luận.

NHẬT MINH (TTXVN) – M.NGUYỆT

Chia sẻ bài viết