08/10/2022 - 12:53

Bailan - trào lưu tiêu cực mới trong giới trẻ Trung Quốc 

Sau "tang ping" - phong trào “nằm yên, mặc kệ đời” đã trở nên phổ biến tại Trung Quốc hồi năm ngoái, nhiều thanh niên nước này hiện đang theo đuổi trào lưu “bailan”, ám chỉ một thái độ sống còn tiêu cực hơn khi “từ bỏ, buông xuôi” tất cả.

Nhiều người trẻ Trung Quốc đang có tâm lý buông xuôi tất cả.

Nhiều người trẻ Trung Quốc đang có tâm lý buông xuôi tất cả.

Được biết, “bailan” là một thuật ngữ có nghĩa đen là "cứ để cho mục rữa”. Theo đó, thay vì dốc sức để giải quyết khó khăn, nhiều người lại quyết định từ bỏ hoặc buông xuôi việc phấn đấu để đạt được bất kỳ thành tích nào khác trong xã hội. Xu hướng sẵn sàng chấp nhận hậu quả tiêu cực mà không hề cố gắng ngày càng tăng trong giới trẻ Trung Quốc. Trên trang Xiaohongshu - nền tảng tương tự trang Instagram - tại Trung Quốc, lệnh tìm kiếm cụm từ “bailan” đã trả lại khoảng 2,3 triệu kết quả. Còn trên Bilibili - một trang chia sẻ video tương tự như YouTube, các video có tiêu đề "bailan" là một trong những video phổ biến nhất.

Giáo sư Yu Hai tại Đại học Phúc Đán lý giải rằng sau khi đã chấp nhận tâm lý "nằm yên", giới trẻ Trung Quốc gần đây đưa thái độ sống này lên một tầm cao mới khi để mặc cho mọi thứ “mục rữa”. "Trong khi “tang ping” là một biểu hiện trung lập, một lựa chọn vô hại khi chỉ phấn đấu đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống, thì “bailan” là biểu hiện cho sự từ bỏ hoàn toàn và sẵn sàng chấp nhận một kết cục thậm chí còn tồi tệ hơn. Nó cho thấy một thái độ sống tiêu cực, đáng bị khiển trách về mặt đạo đức” - ông Yu nhận xét.

Theo vị giáo sư, trào lưu bailan là một “cơ chế đối phó” để những người trẻ tự bảo vệ bản thân trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và áp lực xã hội ngày càng tăng. Không ai thích bị người khác mô tả là “mục rữa”, nhưng khi một người đặt mình vào vị trí thấp và tự gọi mình như thế, họ dường như thoát khỏi những lời chỉ trích. Thực ra, nguồn gốc của trào lưu bailan đến từ bóng rổ - một trong những môn thể thao phổ biến nhất Trung Quốc. Nó được dùng để mô tả tình huống mà các cầu thủ hoặc đội bóng không nỗ lực thi đấu nếu thấy đang ở thế yếu hơn hoặc cố tình để thua nhanh hơn nếu không thấy có khả năng chiến thắng đối thủ.

“Tôi đang “mục rữa”. Hãy để tôi yên ”- Yan Jie, một nam thanh niên 28 tuổi đang ở nhà thuê chung với đồng nghiệp ở ngoại ô Thượng Hải, đã viết như thế trên tờ ghi chú dán ở cửa phòng ngủ của mình. Yan thừa nhận anh đang chế giễu bản thân khi sử dụng cụm từ bailan chỉ vì cảm thấy lười biếng. “Khi được giao nhiệm vụ trong công việc, tôi cố gắng né tránh. Nếu bị buộc phải làm, tôi sẽ làm nhưng không làm hết sức. Khi bố mẹ hỏi khi nào sẽ kết hôn, tôi nói với họ hãy để tự nhiên” - Yan kể. Trong trường hợp của mình, Yan cho biết các yếu tố góp phần khiến anh đi theo trào lưu bailan là vì không đủ khả năng trả tiền mua nhà và kỳ vọng về việc lập gia đình cao. Nên thay vì phấn đấu để đạt được mục tiêu, Yan quyết định buông bỏ tất cả. 

Theo các chuyên gia, tuy bailan không quá phổ biến trong giới trẻ, nhưng nó đủ để phản ánh cảm giác bi quan và vỡ mộng thực sự của một thế hệ. Trào lưu đáng chú ý này còn có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế vốn đã chững lại của Trung Quốc. Được biết, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc vào tháng 7-2022 là 19,9%. Điều này kết hợp với việc giá mua nhà ở cao đã khiến cho ý tưởng bắt đầu một cuộc sống nghề nghiệp năng động là việc dường như không thể đạt được. Đối với nhóm dân số trong độ tuổi giữa 20 và 30, trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lớn tuổi đồng thời nuôi con nhỏ hiện là một gánh nặng to lớn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

NGUYỆT CÁT (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết