01/05/2008 - 09:13

Bài học về kênh phân phối

C ơn “sốt” lúa gạo ở ĐBSCL bắt đầu từ ngày 24-4 và nhanh chóng lan ra nhiều địa phương khác trong nước. Đến ngày 29-4, sau những nỗ lực can thiệp của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam... giá gạo bắt đầu bình ổn trở lại. Sau cơn sốt giá gạo đột biến này, nhiều người tự hỏi: ĐBSCL và cả nước không thiếu lúa - gạo, tại sao giá gạo lại tăng chóng mặt? Nếu nhìn lại kênh phân phối cho thị trường nội địa hơn 83 triệu dân, chủ yếu do các vựa gạo, dân “đầu nậu” thao túng, thì không có gì khó hiểu.

Có một thực tế lâu nay ít ai để ý là dân ở vựa lúa ĐBSCL mua gạo ngoài chợ với giá luôn cao hơn giá gạo xuất khẩu (!?) Tại sao? Đơn giản là vì thị trường này do tư nhân chiếm lĩnh và chi phối giá. Cơn “sốt” giá mới đây là hệ lụy “đỉnh điểm” của việc các doanh nghiệp nhà nước chuyên lo xuất khẩu, còn tư nhân mặc sức tung hoành thị trường nội địa? Kênh phân phối nhiều “tầng” đã đẩy giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu. Lúa hàng hóa của nông dân hiện nay từ đồng ruộng đến khi xuất khẩu phải qua các khâu sau đây: thương lái nhỏ - > chủ vựa lúa -> nhà máy xay xát nguyên liệu-> nhà máy lau bóng -> doanh nghiệp xuất khẩu. Khoảng cách “5 trung gian này” đẩy giá lúa, gạo ngày càng tăng, trong khi giá mua tại ruộng của nông dân không cao. Giá gạo bình ổn khi các doanh nghiệp nhà nước tung nguồn hàng dồi dào ra bán với giá 12.000-13.000 đồng/kg.

ĐBSCL vừa thu hoạch xong hơn 1,5 triệu ha lúa, sản lượng đạt khoảng 9,3 triệu tấn (tương đương 4,6 triệu tấn gạo). Nông dân ĐBSCL đang bắt đầu gieo sạ lúa hè thu chính vụ với diện tích ước khoảng 1,6 triệu ha. Cuối tháng 6 đến tháng 8-2008, ĐBSCL sẽ thu hoạch thêm gần 9 triệu tấn lúa hè thu hàng hóa (khoảng 4,5 triệu tấn gạo)... Như vậy, chuyện thiếu gạo hàng hóa ở “vựa lúa” miền Tây chỉ là chuyện ảo. “Cơn sốt giá lúa gạo mới đây chỉ là phần “ảo” từ kênh phân phối quá lệ thuộc vào tư nhân” - ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, nhận định.

Cách đây vài tháng, khi các doanh nghiệp kinh doanh lương thực nhà nước gặp tình trạng “hầu bao cạn kiệt” do ngân hàng “chậm” giải ngân thì nhiều “đại gia” chứng khoán đang “bí lối” đã nhận ra thị trường béo bở lúa gạo. Nhiều đơn vị trước nay không kinh doanh lương thực cũng nhảy vào thu gom gạo. Các “đại gia” dạng này mở rộng việc thuê các kho chứa ở ĐBSCL để tích trữ gạo. Một số thị trường gạo bán lẻ cục bộ như Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long... gần như lệ thuộc vào 3-5 đầu mối cung cấp. Khi các đầu mối này câu tay “ghìm hàng” ắt tạo nên sốt giá. Sở dĩ họ có thể thao túng thị trường gạo nội địa vì các doanh nghiệp kinh doanh lương thực nhà nước “bận lo” xuất khẩu!

Theo một cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp ở một địa phương vùng ĐBSCL, địa phương này có 2 phân xưởng lúa gạo trực thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, nhưng 2 phân xưởng này lập ra để “vui”, chủ yếu thu mua nguyên liệu. Còn chuyện điều phối, cung cấp nguồn gạo hàng hóa thị trường nội địa lệ thuộc vào tư nhân. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, họ không thể “đấu lại” tư thương ở thị trường nội địa. Nguyên nhân chính là họ phải chịu 5% thuế VAT khi thu mua lúa - gạo nguyên liệu, còn tư thương thì không! Chuyện một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu làm gạo bịch bán ở thị trường nội địa, theo nhận định của nhiều người, chỉ cung ứng chủ yếu cho đối tượng trung lưu với số lượng rất hạn chế và qua đó “đánh bóng thương hiệu”. Đây là một trong những “lỗ hổng” chính dẫn đến cơn sốt giá gạo gần đây. Nếu không “bịt kín lỗ hổng” này, nguy cơ tái diễn cơn “sốt” giá gạo vẫn luôn túc trực khi thị trường gạo trên thế giới đang biến động.

Trong bối cảnh lạm phát, giá lương thực và nhiều loại hàng hóa thiết yếu khác vẫn tăng hoặc đứng ở mức cao, nhiều người đặt câu hỏi: Vai trò phân phối, điều tiết của hệ thống lương thực trực thuộc Nhà nước đang ở đâu và có trách nhiệm gì với cộng đồng - nhất là với người nghèo?

VĨNH TƯỜNG

Chia sẻ bài viết