26/03/2020 - 07:10

Cuộc chiến chống COVID-19

Bài học từ “dịch cúm Tây Ban Nha” 

Cách nay hơn một thế kỷ, “dịch cúm Tây Ban Nha” đã khiến nửa tỉ người nhiễm bệnh, lấy đi sinh mạng của từ 50-100 triệu người, tức khoảng 5% dân số thế giới lúc bấy giờ, khiến nó được xem là đại dịch lớn nhất trong lịch sử loài người.

Công tác cứu chữa bệnh nhân đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 tại Mỹ. Ảnh: Getty Images

Trong suốt thế kỷ qua, “dịch cúm Tây Ban Nha” trở thành đề tài nghiên cứu của giới chuyên gia. Các nhà sử học và khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết liên quan đến nguồn gốc, sự lây lan và hậu quả mà nó mang lại, từ đó giúp con người có thể hiểu rõ hơn những gì thực sự đã xảy ra và giúp giảm thiểu các ca nhiễm và tử vong do SARS-CoV-2.

Trong thời gian diễn ra Thế chiến thứ nhất, các nước tham gia luôn muốn giành thắng lợi trước kẻ thù. Do đó, các báo cáo về tình hình dịch cúm đã bị giấu nhẹm ở Đức, Áo, Pháp, Anh và Mỹ. Ngược lại, Tây Ban Nha lúc đó công khai tình hình dịch bệnh nên nhiều người cho rằng đại dịch đã bắt nguồn từ Tây Ban Nha. Song, trên thực tế, dịch cúm này được cho là khởi phát từ những trại huấn luyện quân sự tù túng, chen chúc ở mặt trận phía Tây châu Âu. Tình trạng doanh trại quân đội đông đúc, dinh dưỡng và vệ sinh kém, đặc biệt là ở các chiến hào dọc biên giới Pháp, đã tạo ra điều kiện lý tưởng cho việc ủ và lây lan bệnh trên toàn cầu. Khi những người lính trở về nhà sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc vào tháng 11-1918, họ đã mang theo virus cúm, dẫn tới thiệt hại về người còn lớn hơn so với những tổn thất mà chiến tranh mang lại. Theo đó, khoảng 50-100 triệu người được cho là đã tử vong vì đại dịch.

Đại dịch cúm năm 1918 lây lan một cách nhanh chóng, lấy đi sinh mạng của 25 triệu người chỉ trong vòng 6 tháng, làm dấy lên lo ngại loài người sẽ bị hủy diệt cũng như tạo ra giả định rằng chủng virus cúm đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy rằng bản thân virus cúm dù gây chết người nhiều hơn các chủng virus khác nhưng về cơ bản nó không khác biệt là mấy so với những loại gây ra các loại dịch bệnh khác. Trong các nghiên cứu về COVID-19, nhiều người chết thường bị viêm phổi, khiến cho hệ miễn dịch của họ trở nên yếu ớt khi phải đối mặt với virus. Đây là điểm tương đồng với “dịch cúm Tây Ban Nha”, dù tỷ lệ tử vong do SARS-CoV-2 thấp hơn rất nhiều lần so với dịch cúm năm 1918 vốn lên tới khoảng 20%. Tuy nhiên, điều đáng nói là những người bị nhiễm bệnh và tử vong do “dịch cúm Tây Ban Nha” chủ yếu là người trẻ tuổi khỏe mạnh, chứ không phải là trẻ em và nhất là người cao tuổi vốn được cho dễ bị tổn thương trước dịch bệnh. Song, khác với “dịch cúm Tây Ban Nha”,  người cao tuổi và người có bệnh sẵn trong người được coi là nhóm nhiều rủi ro nhất với COVID-19. Dù tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhưng tỷ lệ này ở những người trên 80 tuổi lại rất cao.

Khi “dịch cúm Tây Ban Nha” bùng phát, việc đi lại bằng đường hàng không lúc đó mới chỉ trong giai đoạn sơ khai nhưng hầu như mọi nơi trên Trái đất đều hứng chịu tác động kinh hoàng của nó. Bởi thời điểm đó, việc di chuyển trên thế giới rất chậm, chủ yếu bằng tàu hỏa hay tàu chạy bằng hơi nước. Tuy vậy, một số nơi đã an toàn trước đại dịch, nhờ áp dụng các kỹ thuật căn bản mà vẫn được tin dùng cho đến tận ngày nay. Chẳng hạn như tại tiểu bang Alaska (Mỹ), một cộng đồng cư dân trên Vịnh Bristol đã không bị “dịch cúm Tây Ban Nha” tác động, bởi họ đã cho đóng cửa trường học, cấm tụ tập nơi đông người và cho cách ly ngôi làng với tuyến đường chính tại khu vực.

Và khi “dịch cúm Tây Ban Nha” lan rộng, nhận thấy việc chữa trị cho từng trường hợp nhiễm bệnh sẽ không thể đối phó với đại dịch trong môi trường đô thị, chính phủ các nước khi đó đã huy động các nguồn lực như thể họ đang trong thời chiến, cho cách ly những người có triệu chứng bị bệnh, tách các ca bị bệnh nhẹ khỏi các ca bị nặng hơn và hạn chế việc đi lại của người dân, nhờ đó bệnh dịch dần dần được khống chế.

Ngày nay, nhiều nơi nhiễm SARS-CoV-2 trên thế giới đang áp dụng những “tuyệt chiêu” nói trên nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Đây được xem là một trong những kinh nghiệm được đúc kết từ đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918.

TRÍ VĂN (Theo Marketwatch, BBC)

Chia sẻ bài viết