19/06/2013 - 22:27

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở ĐBSCL

Bài học từ công cuộc khẩn hoang vùng tứ giác Long Xuyên

* Hà Triều

BÀI CUỐI: NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP BÁCH

Không thể phủ nhận hơn 20 năm qua, những thành tựu to lớn từ việc khai thác vùng tứ giác Long Xuyên (TGLX) đã đóng góp lớn vào sự phát triển chung của ĐBSCL. Vì vậy, làm thế nào để tiếp tục tận dụng những ưu đãi của vùng, dự báo được những diễn biến bất lợi và biến những bất lợi trở thành lợi thế để phát triển? Vấn đề này đòi hỏi phải có giải pháp giải quyết nhiều vấn đề tiếp tục đặt ra cho vùng TGLX trong thời gian tới, như: biến đổi khí hậu, nâng cao trình độ nguồn lực cho nông dân để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn của vùng.

Phát triển vùng TGLX cần tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Đê bao chống lũ kết hợp với giao thông nông thôn ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: T. LONG

*Phát triển trong mối tương quan tổng thể vùng

Vùng TGLX nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau). Mục tiêu của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL được xác định là: Xây dựng vùng trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng ĐBSCL giàu mạnh… Vì vậy, mục tiêu phát triển vùng TGLX trong thời kỳ tới cũng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Ngoài ra, việc phát triển này cũng được cụ thể hóa trong các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 của các địa phương trong vùng. Như vậy, những định hướng phát triển vùng TGLX không tách rời các định hướng phát triển cơ bản vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Đó là: Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng, phát triển hiệu quả, toàn diện các khu vực ven biển, đồng bằng và phát triển mạnh kinh tế biển, liên kết và hợp tác với các vùng, các nước trong khu vực và quốc tế, tạo chuyển biến căn bản trong thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội gắn với hiệu quả cao và bền vững. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu nông nghiệp và lao động của vùng thời gian qua còn chuyển biến chậm. Chất lượng, hiệu quả, giá trị và tính cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chưa cao và còn nhiều bất cập. Vì vậy, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, sinh thái hiện đại làm nền tảng để phát triển kinh tế toàn diện vùng nông thôn, bao gồm phát triển công nghiệp, dịch vụ phục vụ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, lưu thông có quan hệ chặt chẽ với các đô thị lớn trong và ngoài vùng về giá cả thị trường, nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến và cung cấp dịch vụ cho cộng đồng xã hội. Thời gian tới, vùng TGLX tiếp tục là trung tâm sản xuất về lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, có đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Gắn phát triển kinh tế với xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, giãn chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực. Phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đảm bảo phát triển bền vững.

*Chủ động giải pháp trước biến đổi khí hậu

Ông Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh An Giang, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: TGLX là vùng chịu nhiều ảnh hưởng của lũ, tác động của lũ lớn sẽ nặng nề và toàn diện hơn; đặc biệt, nguồn nước đổ về hạ lưu có khả năng ít hơn hiện tại; khả năng thoát lũ sẽ trở nên khó khăn hơn... Nước biển dâng sẽ tạo ra nhiều tác động xấu đến vùng TGLX như: tăng khả năng mặn xâm nhập sâu vào đất liền, tăng ngập triều cản trở việc thoát lũ và làm tăng thời gian ngập lũ… Các công trình kiểm soát lũ, thoát lũ ở vùng TGLX trong thời gian qua đã có hiệu quả thiết thực và phát huy tốt. Tuy nhiên, với các trận lũ lớn của năm 2000, 2011 đã cho thấy việc kiểm soát lũ trên quy mô toàn vùng; trong đó có việc chia sẻ nguồn nước lũ cho các tiểu vùng để tránh gây ngập lụt cho các tiểu vùng khác còn bất cập. Những năm gần đây, xu  hướng làm lúa 3 vụ/năm trong vùng TGLX gia tăng mạnh, nhiều địa phương xây dựng các công trình đê bao khép kín (hoặc kết hợp với xả lũ). Khi có những trận lũ lớn, việc vận hành 2 đập Trà Sư và Tha La để bảo vệ an toàn lúa vụ 3 ở vùng TGLX có nguy cơ tăng ngập úng và kéo dài thời gian ngập úng ở các vùng khác. Vì vậy, cần có những nghiên cứu, đánh giá toàn diện hơn về các công trình kiểm soát lũ, các công trình thủy lợi đảm bảo có đủ nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô và các công trình ngăn cản quá trình xâm nhập nước biển và mặn sâu vào đất liền và ngăn chặn tình trạng suy thoái đất. Để thực hiện điều đó, cần nghiên cứu diễn biến của lũ lụt và khả năng thoát lũ trong thời gian qua, dự báo ảnh hưởng của nước biển dâng đến các công trình thủy lợi nói trên và đến diễn biến của lũ lụt.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, giải quyết bài toán thủy lợi và kiểm soát lũ của vùng TGLX nói riêng cũng như ĐBSCL nói chung phải đứng trên quan điểm tổng thể và toàn diện; vừa đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp, vừa đảm bảo phát triển giao thông, phục vụ dân sinh và bảo vệ môi trường. Việc kiểm soát nguồn nước có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và sự phát triển của ngành này là tiền đề phát triển của ngành khác. Những mâu thuẫn đang phát sinh giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường đang ngày càng lớn và gay gắt. Điều này đặt ra những yêu cầu mới cho việc phát triển thủy lợi ở trình độ cao và hiện đại. Do vậy, mục tiêu khái quát là: ngăn mặn và kiểm soát mặn, giữ nước ngọt và kiểm soát nước ngọt; bảo vệ và sử dụng hợp lý dòng chảy kiệt; trong đó phải đảm bảo mục tiêu lâu dài là: An toàn nguồn nước ngọt.

*Những vấn đề tiếp tục đặt ra

Ngoài những tác động xấu của biến đổi khí hậu, nhiều vấn đề khác đã và đang đặt ra cho sự phát triển bền vững vùng TGLX. Đó là: tình trạng sạt lở bờ sông, nguồn nhân lực, tình trạng ô nhiễm môi trường…

Theo ông Nguyễn Văn Khiết, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kiên Giang, sạt lở ven biển, dọc theo các bờ sông ở ĐBSCL nói chung và vùng TGLX nói riêng đã và đang có nguy cơ gia tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, An Giang có 52 điểm sạt lở, trong đó có nhiều điểm thuộc vùng TGLX; nhất là sạt lở liên tiếp xảy ra ở TP Long Xuyên, huyện Châu Phú. Do vậy, cần có nghiên cứu toàn diện vấn đề sạt lở của tỉnh An Giang và đặc biệt là bảo vệ TP Long Xuyên với các phương án chỉnh trị dòng sông, các công trình phòng chống sạt lở mang tính bền vững, lâu dài với sự đầu tư kinh phí từ trung ương. Ở Kiên Giang, tình trạng sạt lở bờ sông đã và đang xảy ra trên nhiều tuyến kinh, như: Kinh Cái Sắn, kinh Rạch Giá – Hà Tiên, khu vực đầu voi phường Vĩnh Hanh, TP Rạch Giá. Vấn đề này thời gian tới cũng cần có những nghiên cứu dự báo và các giải pháp khắc phục hữu hiệu nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Trong vùng TGLX, cùng với quá trình đô thị hóa, hình thành các cụm, tuyến dân cư vượt lũ mới, các khu công nghiệp, kinh tế cửa khẩu với đặc thù tập trung các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thủy sản, các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (đá, cát, xi măng…). Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gia tăng diện tích nuôi cá, nuôi tôm; gia tăng sản xuất 3 vụ lúa/năm gắn với việc xây dựng hệ thống đê bao chống lũ cũng như việc xử lý rác thải, nước thải chưa có hiệu quả cao. Những điều này khiến tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường  trong vùng TGLX gia tăng là điều tất yếu. Do vậy, cần nghiên cứu tăng cường hệ thống quan trắc môi trường, cảnh báo ô nhiễm nguồn nước và xử lý rác. Đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch xây dựng khu xử lý rác vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến năm 2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1378 ngày 11-10-2010… Trong quá trình thực hiện các khu công nghiệp, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư… cần quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải góp phần bảo vệ môi trường.

Nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, trí thức hóa và chuyên nghiệp hóa nông dân vùng TGLX và cả ĐBSCL luôn là vấn đề cấp bách. Vì vậy, cần nhanh chóng mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực cho vùng để đáp ứng những yêu cầu phát triển. Nhất là đào tạo đội ngũ nông dân có khả năng ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phải quan tâm nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập và dạy nghề cho lao động nông thôn. Cần quan tâm đến việc trí thức hóa nông dân vì nông dân trực tiếp thực hiện các chủ trương, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực phải gắn bó chặt chẽ với việc nâng cao trình độ dân trí của nhân dân, nhất là người dân vùng nông thôn với việc tăng cường đầu tư cho giáo dục theo hướng xã hội hóa.

***

Những thành tựu về khai thác, phát triển vùng TGLX hơn 20 năm qua là kết quả của quá trình phấn đấu của các Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong vùng. Những thành tựu này đã và đang tạo tiền đề cho vùng vươn lên, hòa cùng với các vùng khác để chuyển sang thời kỳ mới – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Song, cũng phải nhìn nhận những hạn chế, tồn tại và thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của vùng TGLX vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Điều này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng TGLX tiếp tục tận dụng thời cơ, vượt thách thức để đưa vùng lên tầng phát triển mới.

 

Chia sẻ bài viết