10/07/2020 - 09:09

Bài học từ bếp quê và bánh quê 

Bếp quê là mô hình trải nghiệm thú vị đang được triển khai tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều), nhằm thực hiện Chương trình hoạt động trải nghiệm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đằng sau bếp quê đỏ lửa và những chiếc bánh quê thơm lừng là những bài học kỹ năng sống ý nghĩa dành cho các em học sinh.

Cô và trò cùng “thu hoạch” bánh.

Mới đây, cô và trò lớp 4A3, Trường Tiểu học Võ Trường Toản, có buổi đổ bánh khọt ở bếp quê. Mỗi người một việc khiến bếp quê rất rôm rả và nhộn nhịp. Cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Hương và một số bạn pha bột làm bánh; nhóm học sinh nam thì cặm cụi xay bột với những vòng quay tròn đều, thuần thục; nhóm còn lại thì lặt rau, chia đều nước mắm… Bếp quê ngày một hấp dẫn khi những mẻ bánh đầu tiên ra lò do chính tay các em học sinh đổ, dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Các em rạng ngời niềm vui vì thành quả của mình. Em Ðoàn Ngọc Minh, lớp 4A3, chia sẻ: “Những lúc đầu em còn bỡ ngỡ khi làm bánh. Nhưng giờ quen rồi, em làm được nhiều loại bánh, thấy rất vui”. Cậu học sinh Nguyễn Quân Bảo thì vẫn miệt mài xay bột, nói: “Hồi trước em không biết là để có bột làm bánh phải xay bằng cối đá này đâu. Bây giờ em xay rất là mau, cũng có mỏi tay nhưng rất thú vị khi những dòng bột trắng tinh chảy ra”.

Cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, cho biết: Bếp quê được thực hiện từ năm học 2018-2019 và được thầy cô, phụ huynh, các em học sinh rất ủng hộ. Các em hào hứng trải nghiệm, cùng chung tay để làm ra những chiếc bánh ngon. Bếp quê dành cho học sinh khối lớp 3, lớp 4 và lớp 5. Mỗi tháng mỗi lớp trải nghiệm làm bánh ít nhất một buổi; mỗi tuần có từ 3-5 lớp trải nghiệm. Giáo viên chủ nhiệm và học sinh của lớp sẽ tự bàn bạc và chọn loại bánh để trải nghiệm: bánh xèo, bánh khọt, chè, gỏi cuốn, đổ rau câu…

Cô Nguyễn Thị Loan, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm: Qua hoạt động trải nghiệm ở bếp quê, các em được học thêm nhiều kỹ năng, hiểu hơn về giá trị văn hóa của bánh dân gian Nam Bộ, biết yêu quý lao động, kỹ năng làm việc tập thể, năng động trong giao tiếp… Quả vậy, bếp quê của Trường Tiểu học Võ Trường Toản từng nhiều lần tham gia Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ và tạo được tiếng vang. Du khách thích thú khi nhìn thấy các em nhỏ mang tạp dề, găng tay chỉnh tề, làm bánh điệu nghệ. Ðiều đặc biệt là bếp quê đã khơi gợi cho các em niềm ham thích lao động, trân quý hơn những chiếc bánh hay bữa cơm từ tay bà, tay mẹ làm ra. Em Trần Ngọc Khánh Ngân, học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản, hào hứng: “Em học làm bánh ở bếp quê, về khoe lại với ba mẹ thì ai cũng vui và khen em giỏi. Em cũng đã rủ mẹ cùng làm bánh với em tại nhà 2 lần rồi, đều rất thành công”.

Học đi đôi với hành, những bài học trải nghiệm ngoài bục giảng này cũng có ý nghĩa quan trọng khi rèn cho các em nhiều kỹ năng mềm. Dù những giờ học như thế, Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm sẽ vất vả hơn đôi chút, nhưng các thầy cô vẫn vui vẻ và sẵn sàng mang đến cho các em những bài học ý nghĩa đằng sau bếp quê và bánh quê.

Bài, ảnh: Duy Khôi

Chia sẻ bài viết