01/04/2021 - 11:56

Bài học đắt giá cho hành vi trộm cắp 

Lợi dụng sự sơ hở của nhân viên khách sạn, bị cáo Đinh Thanh Sơn đã lấy chìa khóa ô tô để trộm xe của người từng chung sống như vợ chồng với mình. Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân (TAND) TP Cần Thơ vừa tuyên  phạt 13 năm tù cho Sơn và 9 năm tù cho Phùng Văn Khánh- đồng phạm của Sơn, về tội trộm cắp tài sản. Mức phạt đó là bài học thích đáng cho hành vi trộm cắp, xem thường pháp luật...

Bị cáo Sơn và Khánh nghe Hội đồng xét xử tuyên án.

Bị cáo Sơn và Khánh nghe Hội đồng xét xử tuyên án.

Năm 2013, T.V và Đinh Thanh Sơn chung sống với nhau như vợ chồng. Cuối năm 2017, do phát sinh mâu thuẫn, T.V không còn chung sống với Sơn mà chuyển ra sống tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Ngày 18-2-2019, Nguyễn Minh Tuấn điều khiển ô tô chở T.V, Nguyễn Thanh Hằng, Lâm Hoàng Phúc và Đinh Thành Nam (con của T.V và Sơn) từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ tham quan và thuê phòng nghỉ tại ở khách sạn Phương Nga, đường Nguyễn Trãi, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều. 

Khoảng 8 giờ ngày 19-2-2019, T.V chụp một số ảnh của cháu Nam gửi cho Sơn, trong đó có tấm ảnh cháu Nam đứng phía trước ô tô có biển số 65 nên Sơn biết cháu Nam và T.V đang ở Cần Thơ. Khoảng 14 giờ cùng ngày, Sơn gọi Phùng Văn Khánh đi cùng từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ đón cháu Nam và lấy ô tô về. Khi nhóm người của T.V về đến khách sạn, Tuấn đưa xe vào nơi đỗ xe của khách sạn và gửi chìa khóa cho nhân viên lễ tân rồi lên phòng nghỉ. Sơn và Khánh đi theo vào khách sạn. Đến quầy lễ tân, Khánh yêu cầu nhân viên khách sạn cung cấp số phòng của T.V đang thuê nhưng bị từ chối. Lợi dụng lúc nhân viên lễ tân quay sang tiếp khách khác, Khánh lấy chìa khóa xe đưa cho Sơn. Sau đó, Sơn và Khánh đi đến nơi đỗ xe lấy xe thì quản lý của khách sạn phát hiện và hỏi nhưng Sơn bỏ chạy. Sơn điều khiển xe đi về hướng cầu Cái Khế và bị lực lượng Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe kiểm tra. Sơn không xuất trình được giấy tờ nên bị lập biên bản và tạm giữ ô tô. Tại kết luận kiểm tra của Hội đồng định giá, ô tô Lexus RX350 trị giá 2,8 tỉ đồng.

Vụ việc  đã được TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử năm 2019 và tuyên phạt Sơn 13 năm tù giam, Khánh 9 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản. Sau đó, 2 bị áo kháng cáo kêu oan. Vào ngày 14-5-2020, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa phúc thẩm lưu động tại TP Cần Thơ xét xử vụ án đối với 2 bị cáo Sơn và Khánh. Hội đồng xét xử nhận định, cần điều tra làm rõ xe của ai. Nếu xe là tài sản chung (không phải là tài sản chung vợ chồng) thì cần xác định phần sở hữu của từng người. Việc này cấp sơ thẩm chưa làm rõ, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Cấp sơ thẩm kết luận khách sạn có quyền quản lý ô tô. Tuy nhiên, quản lý khách sạn, lễ tân khai khách sạn không có quy định quản lý xe của khách. Do vậy cần điều tra làm rõ tại thời điểm này, ai là quản lý hợp pháp của xe. Đồng thời, cần làm rõ Khánh lén lút lấy chìa khóa là có nhằm gây thiệt hại tài sản cho khách sạn hay cho người khác hay không? Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra và xét xử lại.

Tại phiên tòa ngày 23-3-2021, Hội đồng xét xử TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Sơn và Khánh. Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử nhận định: Sau khi lấy được ô tô, bị cáo Sơn cố tình lái xe về TP Hồ Chí Minh dù bị ngăn cản chứ không phải đi lòng vòng trong nội thị như bị cáo Sơn đã khai. Các bị cáo sau khi lấy được ô tô không để lại thông tin gì cho bà T.V. Tuy rằng bà T.V và khách sạn Phương Nga không ký kết hợp đồng gửi - giữ ô tô nhưng một khi đã đưa xe vào khách sạn và giao chìa khóa xe cho người quản lý thì người quản lý khách sạn đương nhiên là người quản lý hợp pháp xe này. Vì có trách nhiệm bảo quản xe nên khi xảy ra sự việc, nhân viên khách sạn đã cố đuổi theo ngăn cản. Vì vậy, xác định khách sạn Phương Nga là bị hại trong vụ án này là đúng. Bị cáo Sơn cho rằng bản thân là đồng sở hữu ô tô là không có căn cứ để chấp nhận vì bị cáo chưa bao giờ đứng tên mua và đăng ký chiếc xe nêu trên. Tuy lúc trước bà T.V có khai xe này là tài sản chung của bà và bị cáo Sơn nhưng sau đó bà T.V đã phản cung vì cho rằng lời khai trước để cho Sơn nhẹ tội. Chính bà T.V là người đầu tiên trình báo về việc mất xe. Ngoài ra, bị cáo Sơn đã đưa ra 3 văn bản thỏa thuận và khẳng định có sở hữu xe nhưng các văn bản này không có giá trị pháp lý vì không được công chứng, chứng thực và bà T.V không thừa nhận nên các hợp đồng không có giá trị pháp luật.

Vì vậy, Hội đồng xét xử vẫn tuyên phạt bị cáo Sơn 13 năm tù, bị cáo Khánh 9 năm tù về tội trộm cắp tài sản. 

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ bài viết