Trong gần 2 năm qua, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, ở tất cả các điểm nóng, bất kể ngày hay đêm, BS Trần Văn Tuấn, nguyên Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ đều có mặt trên các trận tuyến. Suốt 41 năm công tác, BS Tuấn luôn là người truyền cảm hứng cho những y bác sĩ trẻ, vun đắp cho họ niềm tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Không ngại gian khó
Bác sĩ Trần Văn Tuấn trong trang phục bảo hộ tại Bến xe Miền Tây trong chuyến đón công dân Cần Thơ. Ảnh: CTV
Nhớ chuyến đi đón công dân Cần Thơ từ TP Hồ Chí Minh về quê tối ngày 22-8-2021, BS Trần Văn Tuấn rời nhà, vào cơ quan ngủ, để 3 giờ cùng đoàn lên đường vào tâm dịch. Suốt ngày hôm đó, BS Tuấn cùng đoàn tất bật sắp xếp làm thủ tục, lấy mẫu xét nghiệm... cho hơn 300 người dân. Trời nắng nóng, kín mít trong đồ bảo hộ, nhịn ăn, nhịn uống làm nhiệm vụ nhiều tiếng đồng hồ. Mệt. Bởi BS Tuấn là thành viên lớn tuổi nhất trong đoàn và chỉ còn không đến 10 ngày nữa sẽ nghỉ hưu theo chế độ. BS Tuấn nói: “Vào tâm dịch, mình là trưởng khoa, có kinh nghiệm nên dẫn đoàn đi để vừa nhắc nhở, động viên, hỗ trợ cho anh em”. Đoàn đi khi trời chưa sáng, về đến TP Cần Thơ, sắp xếp công dân vào khu cách ly thì cũng đã khuya.
Đây không phải là lần đầu BS Trần Văn Tuấn có mặt ở điểm nóng. Gần 2 năm nay, anh có mặt tất cả điểm nóng của dịch bệnh COVID-19 như: chợ Tân An, chợ Trường Xuân, sân bay, khu cách ly, phường Hưng Phú, An Thới... Xông pha nơi tuyến đầu, bất kể ngày hay đêm, BS Tuấn vừa làm, vừa điều động, nhắc nhở anh em đảm bảo an toàn. Không chỉ vậy, BS Tuấn còn tiếp xúc hàng trăm F0, F1, F2 để khai thác lịch sử tiếp xúc, tìm nguồn lây, đưa đi điều trị, cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm. Có những đêm trắng ở Sân bay Quốc tế Cần Thơ chờ công dân về nước để làm công tác kiểm dịch y tế, lấy mẫu xét nghiệm. Mì ly, cà phê là những thức ăn thường trực của BS Tuấn và đồng đội.
Với BS Tuấn, đã làm công tác chống dịch là xác định không có ngày nghỉ, có điện thoại là lên đường. Có những thời điểm trực đường dây nóng phòng, chống dịch COVID-19, điện thoại reo cả ngày lẫn đêm, khiến người lính già cùng gia đình ăn không ngon, ngủ không yên. Điện thoại luôn kè bên người để còn tư vấn cho người dân mọi miền đất nước gọi đến.
Khi được hỏi, tuổi cao, ở nhà còn vợ, con, BS có sợ nhiễm COVID-19 và lây cho người thân, BS Tuấn trả lời: “Chủng Delta dễ lây, tỷ lệ tử vong cao nhưng chống dịch mà cán bộ chống dịch sợ thì ai sẽ làm. Cán bộ làm công tác chống dịch phải vững vàng, trang bị kiến thức, thực hành bảo vệ bản thân, đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho người khác bảo vệ bản thân, gia đình”.
Kiên trì với nghề
BS Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ, cho biết: “Cuộc chiến với COVID-19 đang ở giai đoạn cam go. Vì thế, trung tâm tiếp tục hợp đồng với BS Tuấn để anh tiếp tục hỗ trợ anh em chống dịch”. Trong đời làm bác sĩ dự phòng, anh cần mẫn đến nhà từng hộ dân, kiểm tra từng lu nước, bình hoa xem có lăng quăng; xung quanh nhà xem cống nước, vật phế thải... Đến nhà ai anh cũng vui vẻ, tận tình nên dân không ai phiền hà. Bước chân anh in dấu tất cả các xã, phường, thị trấn của TP Cần Thơ. Anh vừa làm vừa góp ý anh em tuyến xã trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đã từng đi qua nhiều trận chiến chống dịch (dịch tả, sốt xuất huyết, SARS, cúm gia cầm...) nhưng không có khó khăn nào làm BS Tuấn chùn chân. “Giờ đỡ khổ hơn trước, giao thông đi lại dễ dàng, chế độ của lực lượng dự phòng tuy không bằng hệ điều trị nhưng đỡ hơn trước. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, người dân, chính quyền, ban, ngành... ngày càng thấy tầm quan trọng của hệ dự phòng. Chính vì thế, anh em càng cố gắng làm thật tốt công việc của mình. Có một hệ dự phòng tốt thì sức khỏe người dân mới ngày càng tốt hơn” - BS Tuấn bộc bạch.
Bước chân vào nghề năm 1980 và cũng là nối gót truyền thống gia đình (cha BS Tuấn cũng là bác sĩ dự phòng). Thời điểm đó, địa bàn tỉnh Hậu Giang (cũ) trải rộng, nên mỗi lần đi công tác là đi cả 10 ngày. Theo BS Tuấn, thời điểm đó đi công tác phải ra bến xe, bến tàu xếp hàng dài chờ mua vé. Mỗi cán bộ chịu trách nhiệm 1 huyện, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với địa phương, với người dân. Có lúc nơi làm việc ở nhờ UBND, có lúc “ở đậu” nhà dân, dân cho gì ăn nấy. Ngày ngày, những BS dự phòng vác dụng cụ đi bộ đến từng nhà dân, vận động tiêm ngừa, phòng bệnh... Có nhà nằm sâu trong ruộng, tới nơi nói mãi mà dân không chịu tiêm phòng, đành đi về và hôm sau quay lại thuyết phục cho bằng được.
Việc cực nhọc, lương thấp, nhưng nhiều năm gắn bó với cộng đồng, tình cảm của người dân dành cho những BS làm công tác dự phòng là động lực để BS Tuấn gắn bó với nghề và miệt mài học thêm để phục vụ tốt hơn cho công việc. Khi trở thành bác sĩ, BS Trần Văn Tuấn vẫn chọn dự phòng, bởi anh quan niệm “phòng bệnh hơn trị bệnh”. Bác sĩ dự phòng hướng dẫn tốt sẽ cứu nhiều người không mắc bệnh.
Sự nhiệt tình, yêu nghề của BS Tuấn đã truyền lửa cho thế hệ trẻ đang làm công tác dự phòng ở CDC Cần Thơ nói riêng và tuyến dưới nói chung. Trên cương vị trưởng khoa, BS Tuấn luôn cố gắng tạo sự đoàn kết, tạo môi trường làm việc ấm áp như một gia đình. Chính trong môi trường ấy, nhiều người trở thành những chiến sĩ chủ lực trong cuộc chiến chống COVID-19 của thành phố. Anh Nguyễn Trung Hiếu, công tác cùng Khoa với BS Trần Văn Tuấn, nói: “BS Tuấn vừa là sếp, vừa là người anh, người cha, người chú của chúng tôi. Những ngày cuối làm việc với cương vị trưởng khoa, ông luôn hăng say, tràn đầy nhiệt huyết với công tác chống dịch. Ông luôn có mặt, đứng mũi chịu sào, vừa làm vừa hướng dẫn tận tình cho anh em”.
H.HOA