11/04/2020 - 18:16

Ba mũi giáp công để vực dậy nền kinh tế 

Thủ tướng Chính phủ vừa chủ trì hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành cả nước để bàn 4 vấn đề lớn ứng phó đại dịch COVID-19. Đó là: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Những giải pháp thực hiện các vấn đề lớn đã được cụ thể hóa bằng các Nghị định, Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và các Bộ, ngành. Có những gói hỗ trợ được triển khai nhanh và có hiệu lực ngay. Sự chung sức, đồng lòng từ Trung ương đến các địa phương và cả xã hội cùng chia sẻ với hy vọng vượt qua sớm đại dịch, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại.

Thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ và các giải pháp cấp bách tháo gỡ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ngành ngân hàng đã vào cuộc mạnh mẽ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị 01 thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng và các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cam kết gói hỗ trợ tiền tệ hàng trăm ngàn tỉ đồng. Theo NHNN, các NHTM đã giảm 2% lãi suất cho vay đối với các khoản nợ hiện hữu và các khoản vay mới. Từ khi thực hiện Chỉ thị 01 đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên món nợ và miễn giảm lãi suất cho vay mới trên 300.000 tỉ đồng. Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 18.000 tỉ đồng; miễn giảm và điều chỉnh lãi suất 126.500 tỉ đồng, còn lại là cho vay mới. Người đứng đầu NHNN cũng cam kết, hệ thống ngân hàng đảm bảo đủ vốn cung ứng cho nền kinh tế. Dưới tác động của dịch bệnh hiện nay, toàn hệ thống có khoảng 2 triệu tỉ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng. NHNN sẽ chỉ đạo các NHTM tiếp tục xem xét để giảm khó khăn cho khách hàng.

Cùng với chính sách tiền tệ thì chính sách tài khóa cũng được triển khai song hành. Thông qua Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu lực từ ngày 8-4-2020, với khoảng 180.000 tỉ đồng. Có khoảng 93% doanh nghiệp đang hoạt động được hưởng lợi từ chính sách này. Song song đó, gói an sinh xã hội cho người yếu thế, người lao động bị mất việc làm… do tác động của dịch COVID-19 cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết, gói hỗ trợ khoảng 62.000 tỉ đồng. Các ngành viễn thông, điện cũng giảm tiền sử dụng dịch vụ cho khách hàng, lần lượt khoảng 15.000 tỉ đồng và 12.000 tỉ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, vốn đầu tư công gần 700.000 tỉ đồng cần phải giải ngân hết trong năm nay. Bởi đây là trụ cột hiệu quả nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Có thể thấy rằng, 3 chính sách tài khóa, tiền tệ và đầu tư công thời điểm này chính là 3 mũi giáp công để góp phần ngăn chặn đà suy giảm kinh tế và “cứu” doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách này cần triển khai song hành và cần phải có các kịch bản ứng phó trong từng thời điểm nhất định để phát huy đồng bộ, đạt hiệu quả trong thực thi.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết