20/01/2008 - 22:18

Bà lão hành khất và những người điên

Hành khách có dịp đi qua bến tàu Đầm Dơi - thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, Cà Mau, thường thấy bà lão ngồi co ro trước mái hiên quán cơm gần cổng bến. Bà đã ngồi ở đó ròng rã trên 10 năm, từ lúc người con duy nhất tỉnh táo bị chết chìm và đứa cháu bé bỏng của bà bị mẹ bỏ rơi được bà ẵm đi xin ăn lúc mới 3 tháng tuổi giờ đã ngấp nghé tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Cuộc sống khắc nghiệt đôi lúc tưởng đâu bà đã nằm rụi bên vệ đường bởi tuổi già, mưa nắng và những lần nhịn đói, nhưng bà vẫn gượng dậy, đi xin từng đồng bạc lẻ, gom góp mua gạo gởi về nuôi đám con cháu không có khả năng tự nuôi sống bản thân mình.

GIA ĐÌNH NGƯỜI ĐIÊN

Bà Bùi Thị Lượm đã rất yếu, có những lúc bà nói ra những câu mà chỉ để... một mình bà hiểu. Mấy anh chạy xe ôm ở bến xe Đầm Dơi nói bà bị “lẫn”, bà dứt khoát không chịu. Bà cười, xuýt xoa nói “ở chung với tụi khùng riết rồi muốn khùng theo”. “Tụi khùng” ở đây là con và cháu ruột của bà. Bà Lượm không nhớ hết tên con mình, bà chỉ nhớ trong số những lần bà rứt ruột sinh ra, đã có 9 lần bà lại thêm đau, nỗi đau tinh thần: tất cả những đứa con không được bình thường, có chung một trạng thái ngơ ngơ hoặc điên loạn.

Bà Bùi Thị Lượm.

Tôi ghé nhà bà, căn nhà tình thương được dựng lên trên rẻo đất trống trong chương trình “Nhà vì người nghèo” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, do sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau góp tặng. Lần đó không gặp bà, tôi cũng không thể hỏi chuyện được với ai bởi chỉ gặp 7 con người điên dại trỗi lên bản “hợp xướng”: “Em ơi, ếu mộng hông khành khì hôi...”; những người khác bè theo: “khì hôi... ôi.. ôi...”. Người ta nói bà đi xin tiền để mua gạo, ít khi về nhà. Lần này, tôi gặp bà ngồi run run húp thau nước súp do chủ quán cơm tại chợ Đầm Dơi bố thí. Bà Nguyễn Hồng Luông, chủ quán cơm cho bà Lượm sống trước hiên nhà gần 10 năm nay, cho biết: “Bà lão xin được tiền không bao giờ bà xài, thà nhịn đói để tiền mua gạo gởi về nuôi con cháu”. Đi xin ai cho thức ăn thì bà ăn, không thì chịu vậy. Mấy lần thấy bà đói lả, chủ quán đem cơm, đem súp cho bà, bà mới sống được. Những lúc bệnh, người ta cho bà một, hai ngàn đồng mua thuốc, bà cũng không mua, “chịu trận” như vậy đó, rồi tự nhiên bà cũng khỏe lại.

Nhà bà nằm ở giữa Xóm Hồ, thuộc ấp Tân Hiệp Lợi A, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi. Căn nhà đã không còn nguyên vẹn, vách lá rách phải che bằng cao su, mái tôn cũng đã trổ lỗ. Trời mưa, nước đổ lênh láng xuống nền nhà vốn ẩm thấp. Cái bàn thờ cũng phải dời phía sau vách nhà, bụi bặm và váng nhện giăng kín. Em Lê Kim Hồng, đứa cháu nhỏ ở nhà nấu cơm nói: nhà rách là do mấy “ông khùng bình địa”. Mắt mũi tèm nhem, bà cụ Lượm vẫn cười: lúc này trời mưa, xin ít, tụi nó đi hàng xóm kiếm ăn hết, nên mới tạm yên. Nhà còn lại “chỉ có” 4 người điên: Khuyến 36 tuổi, nằm cười toe toét trên cái võng mắc vắt vẻo phía cây me sau nhà. Hận, 19 tuổi nằm hát ú ớ. Không, 26 tuổi trợn mắt nhìn và chị Lê Thị Hương, 53 tuổi ngồi rụt rè ở trước cửa nhà nhưng lại trốn biệt khi nghe ai nhắc tới tên mình. Bà Lượm “giới thiệu”: thằng Hùng, thằng Nen đói quá, đi kiếm ăn trên xóm, còn thằng Quang thì đi phát loa không biết tới đâu rồi. Nhà tui còn lại mấy đứa con với 3 đứa cháu khùng, còn bao nhiêu... chết hết rồi!”.

Bà Lượm nói dạo trước hễ đói là đám con cháu vốn điên loạn của bà càng điên loạn hơn. Trong số đó, chỉ còn anh Quang là người “có nết” nhất. Luôn xưng mình là “cán bộ ấp”, Quang thường cầm cái loa giấy đi từ đầu làng đến cuối xóm, khi thì thông báo nhà ông A có tang sự, khi thì hô nhà ông B có hỷ sự. Có đôi lần Quang bị đánh nhừ tử vì tung “tin vịt” có người chết, trong khi người ta còn sống sờ sờ. Những lần đó, Quang lại về nhà đập đồ đạc.

GÁNH NẶNG LÊN ĐÔI VAI GẦY

Ông Lê Công Sự, bà Bùi Thị Lượm có với nhau 10 mặt con, 2 gái 8 trai, nhưng ngoài người con trai út là “khờ khờ”, còn lại đều có “thần kinh không bình thường”. Bốn người con trai đầu tên Lê Quốc Văn, Lê Văn Thông, Lê Văn Đẹp và Lê Vĩnh Ký vì nhiều lý do đã lần lượt chết sớm. Bà Lượm không còn nhớ nguyên do vì sao mà 4 người con đầu của bà đã “đi trước” bỏ bà. Bà chỉ có một câu tự an ủi “ tụi nó chết khỏe thân, chứ sống khùng khịu cũng khổ”. Còn lại 6 người con thì Lê Văn Hùng, Lê Thị Bé, Lê Thị Hương, Lê Văn Nen, Lê Văn Quang cũng cùng một cảnh ngộ như thế. Chỉ có người con cuối của bà tên Lê Văn Út thì “tương đối khá hơn”. Trong số các con bà Lượm không bình thường, có người con gái thứ bảy tên Lê Thị Bé cũng có chồng. Hai người cũng có khoảng thời gian thuận thảo, nồng ấm, cho đến khi bà Bé sinh ra con gái đầu lòng, Lê Thị Khuyến, mặt mũi sáng sủa. Nhưng càng lớn lên, Khuyến lại biểu lộ nhiều nét không bình thường. Lúc này thì vợ chồng bà Bé bắt đầu nảy sinh xung đột, nhiều lúc bà Bé bị những trận đòn mà bà “không biết tại sao”. Không sống được, bà ôm con về với cha mẹ. Thời gian sau, qua mai mối, bà Bé lại gá nghĩa. Người này thân hình lành lặn, đầu óc bình thường nhưng ngặt nỗi bị câm. Sống với người chồng sau, bà Bé có 8 lần sinh con, nhưng bà vốn có bệnh, không có kỹ năng nuôi con như người thường nên 5 lần sinh đầu, bà đều không nuôi sống được con mình. Đến 3 lần sinh sau, nhờ họ hàng trông giúp nên các con bà mới sống được đến lớn. Trong số này, người con út tên Diệp Văn Hận cũng lại giống như đa phần các cậu, dì ruột: lại đầu óc không bình thường. Do không nghề, không đất, hoàn cảnh thiếu thốn, gia đình bà Bé lâm vào cảnh cùng kiệt kinh tế, một lần nữa bà lại hứng phải những trận đòn vô cớ của người chồng sau. Lần này bà cũng lại dẫn hai đứa con điên của mình về nhà cha mẹ ruột, vẫn với cái thau mủ và chiếc áo rách đi xin ăn hằng ngày. Bà Bé nói con gái của bà tên Diệp Thúy Hằng, 21 tuổi, đi làm mướn ở Sài Gòn có nhà nọ đến hỏi cưới, nhưng bà từ chối vì không có nhà để tiếp khách. Bà nói với con “Theo được thì theo cho rồi, nhà nghèo mà bày đặt cưới hỏi”. Nhưng nhà trai là chỗ gia giáo. Vì thế mà cho đến nay, ước mơ lớn nhất đời con gái của Thúy Hằng vẫn chưa thực hiện được.

Bà Lượm với những người con, cháu bị điên.

Người em kế bà Bé là Lê Thị Hương (SN 1954) cũng “có chồng”, nhưng chồng bà đi đâu không biết. Bà Hương có chồng là ai thì chỉ một mình bà biết. Chuyện bà Hương có con càng bị người đời thêu dệt, người ta nói bà bị cưỡng hiếp, có người thì nói bà ưng thuận với một người “không thể kể tên”... nhưng có một nỗi đau có thật là đứa bé sinh ra cũng bị khùng. Thằng bé Lê Văn Không năm nào bây giờ đã 26 tuổi được sinh ra vô thừa nhận trong “đại gia đình người điên” và điên loạn hơn những người trong gia đình, nhưng cũng “là máy ăn công suất lớn”. Lê Văn Không có thể ăn một ngày 10 lon gạo, ăn vượt phần của người khác và khiến cái khạp gạo ít ỏi có được từ đôi tay còm cõi của bà cụ Lượm mau chóng bị vét cạn.

Cách nay 16 năm, người con trai duy nhất còn tỉnh táo trong gia đình anh Lê Văn Út mới 33 tuổi, cùng với đứa con gái lớn 6 tuổi bị chìm xuồng chết. Bà Lượm kể lại: ngay trong ngày đám tang, vợ anh Út đến trước mặt bà từ giã: “Má ơi, tui đi”. Người ta tới dự đám ma khen con dâu bà lễ phép đi thưa về trình. Nhưng không ai ngờ được là lần đó nàng dâu ra đi không trở lại để lại cho bà 2 đứa con nhỏ: bé Lê Kim Vui mới lên ba và bé Lê Kim Hồng mới vừa ba tháng tuổi.

Chôn cất con trai và cháu xong, vợ chồng bà Lượm lại đối diện với hoàn cảnh tối tăm trước mặt. Lúc đó bà đã 73 tuổi, còn ông cũng đã 83. Vợ chồng già không đất, không tài sản để dành, không sức lực, biết làm gì để nuôi hai đứa cháu và những người con điên? Bần cùng, hai vợ chồng cụ già tay bồng, tay bế hai đứa bé đi đầu xóm cuối xóm xin ăn. Xin giáp đầu trên xóm dưới ở cái làng quê nghèo khó, ông bà lại ra chợ xã, chợ huyện để xin. Thời gian trôi qua, hai đứa bé lớn lên dần trong tình thương của mọi người.

Ở tuổi 93, ông Lê Công Sự, sức mòn lực kiệt, không còn đi tiếp được nữa, ông quỵ ngã trên đường xin ăn tại chợ Tắc Vân. Người qua kẻ lại thương tình, người góp ít tiền chở ông về nhà, không lâu sau ông chết. Gánh nặng bây giờ lại dồn lên đôi vai gầy của bà Lượm. Lúc này, bà Lê Thị Bé cũng đã dẫn hai đứa con điên về sống chung với mẹ.

Ngồi trên chiếc đò theo chúng tôi từ nhà ra chợ Đầm Dơi để tiếp tục những ngày khất thực mưu sinh, mà cụ Lượm cứ cúi mặt mân mê quai giỏ xách. Thật lâu bà mới nói: tiền của cậu cho hôm qua, tui mua 10 ký gạo để nhà cho tụi nó ăn, mấy ngày nay đói. Cũng có nghĩa là trong ngày đó bà không còn gì để lót dạ. Lục lại trong ví tiền còn lại ít ỏi để làm lộ phí, tôi chỉ có thể cho bà hai bữa ăn. Thấy bà còn gì đó không nói, tôi lại buột miệng với bà rằng khi về tôi sẽ cố gắng viết, viết cho thật hoàn cảnh của gia đình bà. Và hy vọng chính quyền địa phương ở gần và các nhà hảo tâm cũng sẽ biết... giúp bà vượt qua nghịch cảnh.

BÌNH NGUYÊN - TIẾN TRÌNH

Chia sẻ bài viết