MAI QUYÊN (Theo AP, AFP)
Bất chấp mâu thuẫn chưa giải quyết giữa hai đồng minh thân cận, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định Nhật Bản và Hàn Quốc chính là “trụ cột” và “nền tảng” trong chiến lược của Washington ở châu Á.
Phó Tổng thống Mỹ Harris và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.
Ngày 29-9, Phó Tổng thống Harris có mặt tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc trong khuôn khổ chuyến công du 4 ngày tới châu Á. Như lịch trình đã công bố, bà đến thăm khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách Hàn Quốc với CHDCND Triều Tiên và có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk-yeol. Hai bên đã thảo luận về liên minh an ninh, quan hệ đối tác kinh tế và công nghệ, mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, hòa bình trên eo biển Ðài Loan bên cạnh một loạt vấn đề khác của khu vực và toàn cầu.
Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ đã đến Nhật Bản tham dự quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo và có cuộc gặp với nhà lãnh đạo hiện nay Fumio Kishida. Tại sự kiện này, Thủ tướng Kishida nói với bà Harris rằng nhiệm vụ của ông là phát triển hơn nữa quan hệ song phương để hiện thức hóa khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở như chủ trương của ông Abe. Ðáp lời, bà Harris khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là nền tảng cho những gì mà Washington tin rằng không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Tăng cường liên minh an ninh
Chuyến thăm của bà Harris diễn ra trong bối cảnh Nhật - Hàn đang nỗ lực cải thiện quan hệ vốn hết sức căng thẳng dưới thời cố Thủ tướng Abe và cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Nói trong điều kiện giấu tên, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết Phó Tổng thống Harris trong cuộc gặp với lãnh đạo 2 nước đồng minh đã kêu gọi các quan chức duy trì liên lạc và thúc đẩy đàm phán; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương và 3 bên với sự tham gia của Mỹ.
Theo Kristi Govella, Phó Giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall, giữa Mỹ và 2 đồng minh Ðông Bắc Á có chung các mối quan tâm cốt lõi nhưng sự sẵn sàng cùng năng lực hành động không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau. Tình huống Nhật - Hàn tiếp tục bất hòa và không hợp tác sẽ buộc Washington nỗ lực nhiều hơn để đạt được các mục tiêu ở khu vực, đặc biệt giữa lúc căng thẳng leo thang với Trung Quốc quanh vấn đề Ðài Loan dấy lên lo ngại bùng phát xung đột. Trong một cảnh báo, Giáo sư Fang-Yu Chen tại Ðại học Tô Châu (Trung Quốc) cho rằng rạn nứt giữa 2 đồng minh có thể làm suy yếu bất kỳ phản ứng nào của Mỹ trước một cuộc tấn công. Bên cạnh đó, các đòn trả đũa kinh tế tiếp diễn giữa Tokyo - Seoul còn làm suy yếu kỳ vọng của chính quyền Tổng thống Biden về việc mở rộng sản xuất chip ở các nước đồng minh, củng cố chuỗi cung ứng và chống lại những khoản đầu tư công nghệ từ Trung Quốc.
Trong dấu hiệu tích cực, giảng viên về Nghiên cứu Ðông Á Daniel Sneider tại Ðại học Stanford (Mỹ), cho rằng Nhật - Hàn đang xích lại gần nhau hơn khi môi trường an ninh khu vực tiếp tục bất ổn, đặc biệt là mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Kể từ đầu năm đến nay, Bình Nhưỡng đã phóng số lượng tên lửa cao kỷ lục, bao gồm vụ phóng một tên lửa đạn đạo trước khi Phó Tổng thống Harris bắt đầu chuyến công du châu Á và 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào thời điểm bà đang ở Nhật Bản. Tokyo và Seoul đều lên tiếng chỉ trích động thái “khiêu khích” trên, trong khi thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định diễn biến này không ngăn bà Harris tới thăm DMZ nhằm thể hiện “cam kết vững chắc” của Mỹ đối với an ninh khu vực. Theo Giáo sư Ðại học Ewha (Hàn Quốc) Leif-Eric Easley, mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Triều Tiên làm dấy lên lo ngại ở Seoul về độ tin cậy đối với Washington. Và sự xuất hiện của bà Harris cùng đợt triển khai tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tham gia tập trận chung với Hàn Quốc gần đây đã phần nào cho thấy ý chí chính trị của Washington và sự vững chắc của liên minh Mỹ - Hàn.
Trong diễn biến liên quan, Seoul sẽ tổ chức hoạt động tập trận chống tàu ngầm 3 bên đầu tiên kể từ năm 2017 với Nhật Bản và Mỹ sau các dấu hiệu về khả năng Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Ðánh giá sự kiện này, chuyên gia Sneider cho rằng Nhật - Hàn sẽ cần phải thỏa hiệp để phát huy hết tiềm năng quan hệ hợp tác song phương và liên minh của họ với Mỹ.