03/07/2010 - 20:58

Anh Tám "si đa"

Truyện ngắn BẰNG GIANG

-Tối nay, chú qua nhà tui chơi, tui có việc gấp nhờ chú giúp cho. Ráng giúp tui lần cuối nầy thôi.

Long chợt giật mình trước lời khẩn khoản của người hàng xóm. Ai đời hàng xóm hàng chục năm trời mà có dịp qua chơi nhà anh Tám đâu. Mà thú thiệt Long cũng “ngán” cái chuyện qua nhà người bị mắc bệnh “si đa” lắm. Thấy nó rờn rợn làm sao. Nhưng đôi mắt như cầu cứu, như trách hờn kia làm anh thay đổi ý định. Mặc. Cứ qua bển coi ổng muốn nhờ cậy chuyện gì đây ? Được thì giúp, không thì thôi vậy. Anh tự nhủ.

Căn nhà lá thấp lè tè cuối xóm. Căn nhà nghèo nhất hẻm nầy và quanh năm không mấy người tới. Trước sân là chiếc võng dù cũ mèm sắp rách bắc qua nhánh cây trứng cá và cây khế đung đưa...

Thấy Long bước đến sân nhà, anh Tám ngồi bật dậy ngượng ngùng xin lỗi:

- Tui tưởng chú sợ nên hổng dám tới đây. Thôi, ngồi ngoài nầy cho mát. À bữa nay tui với chú làm lai rai vài xị coi như tui tạ ơn chú. Chớ mai mốt....biết có còn......Thôi vậy nghe, tui vô lấy mấy con khô trộn xoài với chai rượu Phú Lễ.

-Thôi anh Tám ơi! Tui kẹt lắm, nhậu nhẹt nỗi gì. Có chuyện gì anh nói đại cho tui nghe coi. Màu mè làm chi. Chỗ hàng xóm mà.

- Chú đừng phụ lòng tui. Tui năn nỉ chú đó. Tui chờ ngày nầy lâu lắm rồi.

Đôi mắt anh Tám bỗng chùng xuống đầy vẻ uất ức như pha lẫn nỗi buồn sâu kín đang kéo về đây giày vò trái tim anh. Đôi tay khô đét xam xám giơ xương đang nổi rõ mồn một những cọng gân xanh đang co thắt bừng bực như chực chờ cơ hội nhảy tung ra ngoài. Đôi mắt đờ đẫn như mất cảm giác thâm quầng lộ hẳn ra phía ngoài thỉnh thoảng mới chớp mắt đôi lần. Anh ho sù sụ liên tục, tay cứ đè chặt cái ngực lép xẹp chỉ còn da bọc xương. Có lẽ cơ thể anh không còn sự chủ động về các giác quan nữa. Long bỗng thấy thương và cảm thông hơn bao giờ hết.

-Thôi được, mà uống ít thôi. Long nói nhỏ.

Mặt trăng lên cao vời vợi buông những tia sáng xuyên qua những nhành cây tạo những khoảng sáng lốm đốm trên khuôn mặt hai người. Tiếng con tắc kè kêu vang lành lạnh giữa hẻm khuya. Những ly rượu đế được rót ra vào cái ly nhỏ. Long thực sự bị câu chuyện cuốn hút một cách kỳ lạ...

*

* *

Ngày đó, anh Tám xung phong đi bộ đội. Cái xóm nghèo làng đáy Tiệm Tôm – Ba Tri – Bến Tre ai cũng nói anh hơi tưng tửng. Có người đưa con em trốn nghĩa vụ quân sự vậy mà cái thằng Tám mồ côi lại làm chuyện “kinh thiên động địa” là tình nguyện nhập ngũ. Cái ngày tập trung thanh niên lên đường, anh Tám không hề có một người thân đến tiễn đưa. Thật ra, Tám cũng có một người yêu học cùng lớp nhưng cô ấy không có mặt vì giận dỗi tánh nết gàn bướng của anh.

Năm năm trời chiến đấu trên đất bạn, anh chưa một lần nhận thư bởi có ai gởi đâu mà nhận. Mỗi lần anh quân bưu đến phát thư, Tám lại lẳng lặng ra ngồi bên bờ suối để tự vấn lại cuộc đời đơn độc của mình. Có lần nổi điên anh lấy súng bắn lên trời hết cả băng đạn làm đơn vị chạy nhốn nháo tưởng bọn Pôn Pốt truy kích. Sau lần đó Tám bị kỷ luật. Cũng may, thủ trưởng đơn vị thông hiểu hoàn cảnh. Trong chiến dịch mùa khô 1984 anh Tám lập công xuất sắc, được thăng quân hàm trước niên hạn, Tuy vậy, anh cũng đã phải trả giá với các vết thương ở hai chân.

Ra quân với thương tật, anh Tám về quê với sự cô đơn trống vắng không định hướng. Gia đình không còn ai, người yêu cũ đã lấy chồng.

- Rồi sao nữa ? Long thúc giục sau khi nốc thêm một ly rượu, mặt anh đỏ phừng phừng.

- Từ từ để tui kể, chú hối quá tui nhớ hổng hết - Anh Tám từ tốn nói. Anh lại ho một tràng dài trông thật khổ sở. Nước mắt, nước mũi chảy tèm lèm - Bỗng nhiên cô gái ấy trở về với cái bầu to tướng.

- Cô gái nào? Anh nói tắt tắt như vậy ai mà biết. Long hỏi dồn dập.

- Thì cái cô bồ cũ của tui chứ ai. Cổ bị thằng chồng Đài Loan nó lừa, “ện” cho cái bầu rồi nó trốn biệt. Làng xóm cười chê nên cổ hổng dám nhìn ai, còn tui thì...

- Thì sao? Bộ anh tính làm chuyện anh hùng cứu mỹ nhân hả?

- Mỹ nhân, mỹ nữ gì. Người ta khổ thì mình giúp. Vả lại sắp tới kỳ sinh nở rồi, bỏ cổ thì ai lo? Anh trả lời với cái giọng thật buồn.

Sau đó anh rước cô ấy về và lo toan chu đáo như bao người chồng bình thường khác. Cả xóm Tiệm Tôm nầy ai gặp anh cũng cười chế nhạo. Mặc. Miễn là giúp được người khác trong lúc khó khăn. Lính mà! Anh Tám tự nhủ với lòng. Đứa bé ra đời ít hôm thì mất. Nhà chỉ còn lại hai người. Hạnh phúc tuy muộn màng nhưng cả hai rất vui và chờ đợi đứa con của họ sẽ chào đời.

Mấy tháng sau, sau khi ra ruộng trở về anh không thấy vợ đâu. Trên bàn chỉ để lại một lá thư vĩnh biệt.

“ ...Anh thương. Cám ơn anh đã cưu mang cuộc đời em trong cơn khốn khó. Em thật hạnh phúc khi được ở bên anh, được anh chăm sóc. Nhưng anh ơi, em muôn ngàn lần xin lỗi anh vì em đã mang đến sự bất hạnh cho em và cả cho anh. Em không đủ can đảm nhìn anh chết dần trong sự trong sáng, sự khoan dung độ lượng. Em phát hiện mình bị nhiễm HIV... Đó là hậu quả từ người chồng khốn nạn trước đây. Đau đớn làm sao vô tình em lại mang căn bệnh ấy đến cho anh. Xin anh hiểu và tha thứ cho em. Em đi đây. Anh ơi tha lỗi cho em. Em sẽ chờ anh bên kia thế giới. Em.”

Long lặng người nhìn lên ánh trăng bàng bạc càng về đêm càng tỏa sáng.

- Rồi anh có đi tìm cổ không ? Long cất tiếng phá tan bầu im lặng đến lạnh lùng.

- Có chớ sao không ? Mới đầu tui giận lắm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại cổ cũng là nạn nhân thôi. Con người ta ai cũng có số mạng cả, buồn làm chi, mà buồn cũng không giải quyết được gì. Tới nay không có tin tức gì ráo. Mà tui cứ linh tính cổ còn sống hoài. Tui chờ cả mười năm nay, sức tàn lực kiệt rồi mà ....

Cô đơn trong nỗi chán chường, anh Tám trả căn nhà tình nghĩa lại cho nhà nước rồi bỏ xứ qua đây lập nghiệp. Ra đi cũng phải thôi, sự chờ đợi nào rồi cũng đến ngày kết thúc. Hàng xóm nghe chuyện anh bị nhiễm HIV xa lánh. Đến trẻ con trước đây vốn xem anh như một người hùng của xóm biển thấy anh từ xa đã ù ù bỏ chạy.. Từ đó mỗi ngày người dân xứ biển nầy không còn thấy người thương binh bước thấp bước cao nằm dài trên bãi biển khi chiều xuống dõi mắt về phía trời xa, miệng lầm bầm khấn cầu một điều gì thiêng liêng lắm, để chờ đợi một cái gì xa xôi hoang tưởng.

Cũng may, đồng đội cũ ở thành phố nầy biết chuyện nên tìm đến xúm xít động viên anh. Họ còn tạo việc làm cho anh bằng một chân bảo vệ cơ quan. Anh còn tình nguyện tham gia đội dân phòng khu phố và nhiều lần bắt gọn nhiều tên trộm cướp hung hăng. Sức khỏe anh yếu dần le lói như ngọn đèn trước gió. Lương và phụ cấp thương binh cũng tạm đủ sống để chống chọi với căn bệnh thế kỷ. Anh không còn sức lực để ăn ưống bình thường, cũng không có thú vui nào để tiêu tiền. Đều đặn mỗi tuần anh lại đến các cơ quan báo chí để nhắn tìm vợ với niềm tin le lói của một con người sắp ra đi vĩnh viễn.

Bạn bè tuy thương nhưng rất hiếm hoi đến thăm. Ai cũng bận nhiều công việc. Anh luôn tự trấn an như vậy khi nghĩ về đồng đội. Chỉ buồn là hầu như người dân cái hẻm nhỏ nầy vẫn dè chừng khi bất chợt gặp anh, có người vội vàng kéo những cánh cửa sắt to đùng khi thấy bóng anh thấp thoáng từ xa. Buồn. Nhưng anh không trách họ, dù họ xử sự phũ phàng và cay độc với anh.

- Tui nói chuyện nầy với chú. Chú cố gắng giúp tui nghe. Tui dành dụm mấy năm nay được mấy chỉ vàng. Tui giao lại cho chú để chú giúp đỡ bà con nghèo trong hẻm mình, nhất là mấy đứa nhỏ mồ côi như tui hồi nhỏ. À quên nữa, thỉnh thoảng chú nhớ lại mấy ông nhà báo nhắn tin tìm vợ tui. Nếu cổ còn sống, cổ tới đây đốt cho tui mấy cây nhang là tui mãn nguyện dưới suối vàng.

Nói xong anh lại ho. Mắt anh nhắm nghiền. Miệng lầu bầu điều gì mà chỉ có lẽ anh mới biết. Ly rượu rơi khỏi tay lúc nào không rõ.

* * *

Đám ma anh Tám thật đơn sơ. Khách đến đưa tiễn chỉ toàn là đồng đội. Anh Tám ơi, anh cứ yên lòng ra đi, tôi sẽ nói với mọi người về cái tâm của một người lính trước lúc đi xa, một người chỉ biết sống và chết vì người khác, một người cô đơn, rất cô đơn dưới lòng đất lạnh nhưng tâm hồn và nghị lực sẽ sống mãi với thời gian. Long lẩm bẩm nguyện cầu trước di ảnh của anh Tám.

Trong khoảng không của đêm mờ mịt, hình như bóng dáng người vợ năm xưa đang phảng phất tìm về bên anh Tám, như tạ lỗi với người quá cố, để nối lại mối tình nghiệt ngã.

Chia sẻ bài viết