05/08/2019 - 17:59

Ấn Độ và Pakistan lại căng thẳng vì Kashmir 

Khu vực tranh chấp Kashmir tiếp tục rơi vào hỗn loạn trong bối cảnh Ấn Độ vừa tiến hành áp đặt các lệnh hạn chế ở thủ phủ Srinagar cùng một số khu vực lân cận do lo ngại đụng độ quân sự.

Lệnh hạn chế có hiệu lực từ rạng sáng ngày 5-8, theo đó mọi hoạt động của người dân nơi công cộng đều bị giới hạn, tất cả cơ sở giáo dục sẽ đóng cửa, các bệnh viện tiếp tục đặt trong tình trạng báo động, thậm chí có một huyện bị phong tỏa hoàn toàn. Thời gian này, Ấn Độ có thể ban hành lệnh cấm triệt để đối với hoạt động hội họp hoặc diễu hành. Các mạng điện thoại di động tư nhân, dịch vụ Internet và đường dây điện thoại đều bị cắt. Chỉ có một mạng điện thoại di động thuộc sở hữu của chính phủ được duy trì hoạt động.

Lực lượng Ấn Độ tại các chốt kiểm soát ở Srinagar. Ảnh: AP

Một số nhà lãnh đạo ở khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý còn xác nhận họ bị quản thúc tại gia và nhiều người trong số này lo ngại nguy cơ bị bắt giữ trước những đồn đoán về việc đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi có thể đang theo đuổi kế hoạch bãi bỏ tình trạng pháp lý đặc biệt của Kashmir. Quả thật, sáng 5-6, Chính phủ Ấn Độ đã nhanh chóng thực thi một sắc lệnh của tổng thống về hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với khu vực Kashmir do nước này kiểm soát.  Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah tuyên bố Chính phủ liên bang sẽ bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp về việc trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir và Jammu, đồng thời khẳng định “toàn bộ Hiến pháp (Ấn Độ) sẽ được áp dụng” đối với hai khu vực trên. Trước đó, Tổng thống Ấn Độ đã ký sắc lệnh bãi bỏ điều khoản trên. Sắc lệnh này nêu rõ biện pháp này có hiệu lực “ngay lập tức”.

Kashmir bị đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ khi Ấn Độ cách đây gần 10 ngày cho điều ít nhất 10.000 binh sĩ đến các đô thị giáp biên giới Pakistan. Tuy nhiên, AFP dựa trên nguồn tin mật tiết lộ lực lượng được triển khai có thể hơn 70.000 quân. Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người Hồi giáo sinh sống và được giao cho Ấn Độ cùng Pakistan quản lý từ năm 1947, nhưng cả hai đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai nước tại ranh giới phân chia Kashmir. Hồi tháng 2-2019, quan hệ Ấn Độ-Pakistan trở nên xấu đi sau vụ tấn công khủng bố nhắm vào một đoàn xe quân sự thuộc vùng lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khiến 40 dân quân thiệt mạng. New Delhi đã cáo buộc Pakistan hỗ trợ nhóm phiến quân gây ra vụ việc trên bất chấp Islamabad phủ nhận mọi sự liên quan. Căng thẳng dẫn đến các vụ đọ súng qua lại trên biên giới và lên đến đỉnh điểm với trận không chiến chớp nhoáng giữa tiêm kích hai nước.

Tuần rồi, tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp sau thông báo của người đứng đầu lực lượng quân đội Ấn Độ tại Kashmir, Trung tướng Kanwal Jeet Singh Dhillon, về việc phát hiện những bằng chứng cho thấy phiến quân bị tố do Pakistan hỗ trợ đang chuẩn bị tấn công khu vực này. Hôm 4-8, Ấn Độ cho biết đã phá âm mưu xâm nhập qua Ranh giới kiểm soát (LOC) phân định khu vực Kashmir giữa nước này và Pakistan. Theo thông báo, quân đội đã tiêu diệt 5 - 7 đối tượng xâm nhập tại khu vực cách Srinagar khoảng 130 km về phía Tây Bắc. Pakistan sau đó bác bỏ thông tin trên, đồng thời cáo buộc quân đội Ấn Độ ngày 3-8 sử dụng bom chùm ở LOC nhằm vào thường dân, khiến 2 người thiệt mạng và 11 người bị thương nặng. Bất chấp chính quyền New Delhi kịch liệt phủ nhận, Thủ tướng Pakistan Imran Khan trên mạng xã hội Twitter chỉ trích những hành động “gây hấn mới” của Ấn Độ có thể “thổi bùng khủng hoảng khu vực”. Tuy nhiên, Thủ tướng Khan cũng cho biết đây là thời điểm thích hợp để Tổng thống Mỹ Donald Trump sắm vai trò trung gian hòa giải xung đột giữa Islamabad và New Delhi trong vấn đề Kashmir.

Hiện Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Nhà Trắng vẫn chưa lên tiếng trước đề nghị của lãnh đạo Pakistan. Tuy nhiên, Ấn Độ hồi tháng 7 từng bác tuyên bố của Tổng thống Trump, rằng chính quyền Thủ tướng Modi đã đề nghị ông làm trung gian hòa giải tranh chấp với Pakistan. Đồng thời, New Delhi tái khẳng định lập trường nhất quán trong giải quyết mọi vấn đề tồn đọng với Islamabad thông qua thảo luận song phương và bất cứ sự can dự nào với Pakistan đều dựa trên cơ sở chấm dứt hoạt động khủng bố xuyên biên giới.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, CNN)

Chia sẻ bài viết