28/05/2019 - 20:02

Ấn Độ khủng hoảng nước 

Theo báo cáo mới đây của cơ quan phân tích chính sách NITI Aayog của Chính phủ Ấn Độ, nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất trong lịch sử khi mà khoảng 600 triệu người dân quốc gia Nam Á phải sống với tình trạng thiếu nước trầm trọng.

Người dân Ấn Độ chen lấn lấy nước khi xe bồn chở nước tới. Ảnh: CNN

Một ước tính cho thấy 21 đô thị lớn của Ấn Độ sẽ cạn kiệt nước ngầm vào năm 2020, mà nước này lại phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước ngầm. Kết quả là, khoảng 100 triệu người, kể cả những người sống ở các thành phố  như New Delhi, Bangalore và Hyderabad sẽ sớm không có nước ngầm sử dụng giữa lúc ngày càng nhiều người đổ xô đến đây, khiến nhu cầu về nước tăng lên, buộc các thành phố đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng khai thác nước ngầm. “Ấn Độ là nơi sử dụng nguồn nước ngầm lớn nhất thế giới. Thật tồi tệ, đó là một tình trạng khủng hoảng rất nghiêm trọng” - Joydeep Gupta, chủ bút trang web tin tức chuyên về các vấn đề môi trường Third Pole, cho biết.

Theo ông Gupta, nguyên nhân khiến Ấn Độ “khát nước” chính là tình trạng biến đổi khí hậu làm cho nguồn cung cấp nước trở nên không chắc chắn,  mưa trở nên thất thường hơn và hạn hán ngày càng phổ biến hơn, đe dọa mùa màng của nông dân. Một nguyên nhân khác là do Ấn Độ là một nước nông nghiệp, với 80% lượng nước được sử dụng để tưới cho các loại cây trồng “hút nước” như mía và lúa. Không những vậy, các chính sách như một số bang cung cấp điện miễn phí cho nông dân hoặc hỗ trợ tài chính cho việc khai thác nước ngầm đã dẫn đến việc khai thác nước không kiểm soát và lãng phí tài nguyên.

Tình trạng cạn kiệt nguồn nước, hạn hán và nợ nần đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng tại Ấn Độ. Theo đó, số nông dân tự tử ngày càng nhiều, trở thành một vấn nạn quốc gia. Theo dữ liệu của chính phủ, hơn 200.000 nông dân đã tự sát từ năm 1995. Năm ngoái, thành phố Shimla, thủ phủ bang Himachal Pradesh, gần như cạn kiệt nguồn nước, gây ra cảnh tượng người dân tranh giành nước, biểu tình đòi nước và kêu gọi du khách không đến thăm khu vực này.

Ở  Bangalore và Hyderabad, hai trung tâm công nghệ và công nghệ thông tin hàng đầu Ấn Độ, bọn đầu gấu lợi dụng cảnh thiếu nước đã bán nước cho người dân với giá cắt cổ. Tình hình ở khu vực nông thôn còn tồi tệ hơn. Khi các giếng khoan cạn nước, dân làng không còn bất kỳ nguồn nước nào để dùng buộc phải đi bộ hàng dặm để lấy nước hoặc mua nước với giá trên trời. Nước đang trở thành mặt hàng quý hiếm ở Ấn Độ. Trong khi đó, các con sông cũng trở nên ô nhiễm hơn khi hàng triệu mét khối nước thải được xả vào chúng mỗi ngày. Theo báo cáo của NITI Aayog, trung bình mỗi năm có 200.000 người Ấn Độ chết do thiếu nước hoặc sử dụng nước ô nhiễm.

Giới chuyên gia cho rằng cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, kết cấu hạ tầng phát triển thiếu quy hoạch dẫn đến xao nhãng chính sách bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Sự đầu tư của chính phủ và tư nhân cho nguồn nước cũng hạn chế. Bài toán giải quyết nhu cầu nguồn nước sạch cho quốc gia 1,3 tỉ dân đang trong giai đoạn tăng nhanh và đô thị hóa mạnh mẽ là vô cùng nan giải, đòi hỏi Thủ tướng Narendra Modi phải có quyết sách lớn cho vấn đề hệ trọng này.

TRÍ VĂN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết