01/02/2015 - 17:23

Âm vang “Huyền sử Rạch Gầm”

Tối 31-1, VTV Cần Thơ đã mở màn chương trình sân khấu cải lương định kỳ “Hòa điệu đất Chín Rồng” bằng vở cải lương “Huyền sử Rạch Gầm” của soạn giả Huỳnh Anh do các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang biểu diễn. Hình tượng vị anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ cùng những người dân sông Tiền một lòng gìn giữ quê hương được khắc họa sinh động, chân thực.

Bối cảnh vở cải lương cách đây 230 năm, khi Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm sang đánh nhà Tây Sơn nhưng rồi chính bọn quân Xiêm lại giày xéo đất nước ta, trong đó có vùng Rạch Gầm – Xoài Mút. Cảnh giết chóc, hãm hiếp diễn ra khắp nơi khiến người dân xứ cù lao Năm Thôn oán thán, căm phẫn. Anh hùng Nguyễn Huệ trong vai một ông lão câu tôm tìm đến xứ Rạch Gầm theo dõi tình hình và thu phục lòng dân. Đại diện cho người dân Năm Thôn là lão võ sư Tám Dư cùng các học trò Út Hải, Hai Sơn, con gái nuôi Bạch Lụa và cô gái tên Hiền – bạn gái Út Hải. Nhờ được người dân tin yêu, đùm bọc và nhất tề theo ngọn cờ Tây Sơn, anh hùng Nguyễn Huệ đã đại thắng gần năm vạn quân Xiêm tại Rạch Gầm – Xoài Mút: “Bần gie đóm đậu sáng ngời/ Rạch Gầm – Xoài Mút muôn đời lưu danh” (ca dao).

 Cảnh Nguyễn Huệ chỉ huy trận Rạch Gầm - Xoài Mút trong vở “Huyền sử Rạch Gầm”.

Thành công vở diễn phải kể đến vai Nguyễn Huệ do nghệ sĩ Đào Vũ Thanh biểu diễn. Anh tâm sự: “Từng đóng vai anh hùng Trương Định trong “Cờ nghĩa giồng Sơn Quy” nhưng khi nhận vai anh hùng Nguyễn Huệ tôi vẫn thấy lo. Diễn làm sao không theo lối mòn và toát lên khí chất của một vị anh hùng dân tộc là bài toán không dễ với tôi”. Tuy nhiên, từ một lão câu tôm hiền lành, chơn chất đến một vị tướng biết dựa vào dân, được lòng dân và hiên ngang trước kẻ thù được Đào Vũ Thanh phác họa khá trọn vẹn.

Soạn giả Huỳnh Anh đã khéo léo đưa những tuyến nhân vật đa chiều và tạo mâu thuẫn kịch để đẩy cao trào của vở diễn. Đó là vai Hai Sơn – một người bị cho là phản bội theo triều Nguyễn Ánh hay cô Hiền – cam tâm làm phu nhân của tướng Xiêm - Chiêu Tăng. Sự thật là họ âm thầm làm nội gián, hỗ trợ tướng quân Nguyễn Huệ. Những phân đoạn Hiền trên chiến thuyền của giặc, chịu cảnh tủi nhục, bị người yêu Út Hải rẻ khinh, bị chính mẹ già chối bỏ vì cho rằng cô “vì tiền lỗi đạo”, nghệ sĩ Huỳnh Mơ đã lột tả rất thành công tâm trạng xót xa, đau đớn, thương mẹ, nhớ người yêu với nỗi oan khiêng khó giãi bày. Vai Hai Sơn - dù không phải vai chính nhưng Võ Thanh Tiền, chàng trai mới vào cải lương chuyên nghiệp chưa lâu cũng tạo được dấu ấn với giọng ca truyền cảm, diễn xuất đạt. Các nghệ sĩ khác như: Kiều Quốc Tâm, Lâm Ngân… cũng thể hiện được khả năng ca diễn bài bản và sự tự tin tung hứng cùng bạn diễn.

Do là kịch bản sân khấu truyền hình nên vở cải lương được tinh gọn tối đa nhưng vẫn đảm bảo chuỗi xuyên suốt của câu chuyện. Sân khấu được bố trí hài hòa, đẹp mắt. Có thể nói, “Huyền sử Rạch Gầm” là món quà ý nghĩa kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (20-1) và là mở màn đẹp của sân khấu “Hòa điệu đất Chín Rồng”.


Theo thông tin từ VTV Cần Thơ, số thứ 2 của “Hòa điệu đất Chín Rồng” sẽ diễn ra tối thứ bảy, ngày 28-2-2015, với vở cải lương “Sáng mãi niềm tin” do Đoàn Văn công Quân khu 9 biểu diễn.


Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết