22/05/2019 - 11:02

Ai sẽ là Chủ tịch EC? 

Ngày mai 23-5, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) sẽ bắt đầu để chọn ra 751 đại biểu. Ðáng chú ý là ghế Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) sẽ được bầu lại và các ứng viên vừa có cuộc tranh luận  trực tiếp trên truyền hình.

Các ứng viên tranh ghế Chủ tịch EC trong buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Ảnh: BBC

6 ứng viên tham gia cuộc tranh luận gồm Chủ tịch đảng Nhân dân châu Âu (EPP) Manfred Weber, Phó chủ tịch EC Frans Timmermans, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager, Chủ tịch khối đảng Xanh tại châu Âu Ska Keller, ứng viên liên minh cánh tả Nico Cue và Chủ tịch liên minh các đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu Jan Zahradil.

Weber là người có tầm ảnh hưởng lớn lại Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc tranh luận, ông hứa sẽ chỉ định một ủy viên giám sát mối quan hệ với châu Phi nhằm giúp kiểm soát tình trạng di cư sang châu Âu. Theo ông, các thỏa thuận thương mại trong tương lai với các quốc gia khác sẽ bao gồm các điều khoản mà theo đó sẽ cấm lao động trẻ em.  Ông Weber được sự ủng hộ nhiệt thành của chính khách đồng hương là Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã từ chối lời mời giữ vị trí lãnh đạo EU.

Trong khi đó, ứng viên người Hà Lan Timmermans là người đã giúp EU thông qua dự luật cấm dùng ống hút nhựa và đàm phán thỏa thuận giúp giảm dòng người di cư giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ. Còn bà Vestager hiện đang đảm trách các cuộc điều tra đối với các “ông lớn” công nghệ Google hay Apple của Mỹ vốn bị tố phá vỡ các quy tắc cạnh tranh của EU. Trong cuộc tranh luận, chính khách người Đan Mạch thừa nhận EC đã không được lòng cử tri.

BBC cho biết, đây là lần thứ hai nhân vật người Đức Keller ra tranh chiếc ghế Chủ tịch EC. Dù là thành viên đảng Xanh nhưng bà luôn chú trọng đến quyền của người di cư. Bà yêu cầu các thỏa thuận được đưa ra trong tương lai phải bao gồm các biện pháp nhằm bảo vệ nhân quyền tốt hơn.

Cựu thủ lĩnh nghiệp đoàn Bỉ gốc Tây Ban Nha Cue trong cuộc tranh luận cảnh báo: “Sự thống nhất EU đang đứng trước nguy cơ bởi các chính sách thắt lưng buộc bụng dẫn đến bạo lực đang được áp dụng ở Nam Âu”. Trong khi đó, Zahradil chủ trương giới hạn quyền lực của các thể chế EU cũng như củng cố vai trò của từng quốc gia thành viên. Ông trích dẫn kết quả các cuộc thăm dò ý kiến từ quê nhà Cộng hòa Czech cho thấy 90% công dân nước này muốn ở lại EU nhưng lại có tới 70% không muốn sử dụng đồng tiền duy nhất của EU là euro. “Có một ví dụ rõ ràng rằng mọi người thích EU nhưng không thích mọi thứ đến từ EU” - Zahradil cho biết trong cuộc tranh luận.

Như vậy, trong số 6 ứng viên nói trên, ai sẽ giành được chiếc ghế Chủ tịch EC hiện vẫn là một câu hỏi, bởi còn nhiều ứng viên tiềm năng khác nhưng chưa muốn tham gia tranh cử, như Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, cựu Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt...

Sau khi bầu xong 751 nghị sĩ, ngày 28-5,  lãnh đạo các quốc gia thành viên EU sẽ nhóm họp để “mặc cả” cho các chức vụ lãnh đạo Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, EC, Ngân hàng Trung ương châu Âu... Bất kỳ thỏa thuận nào đều phải cân bằng lợi ích giữa các quốc gia, thành viên chủ chốt, các nước lớn và nhỏ, các khu vực châu Âu và các nhóm đảng phái.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Chủ tịch EC