02/07/2008 - 08:43

Đô-la hóa các giao dịch trên thị trường nội địa

Ai phải chịu thiệt thòi ?

Khách hàng giao dịch tại quầy đổi ngoại tệ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (Vietcombank Cần Thơ). Ảnh: X.Q

Với đại đa số các nền kinh tế trên thế giới, mọi giao dịch trên thị trường nội địa đều được thanh toán bằng đồng bản tệ, còn nếu có liên quan đến yếu tố nước ngoài thì mới thanh toán bằng đồng USD, đồng EUR hoặc một số ngoại tệ khác. Thế nhưng, từ lâu nay, ở nước ta đang xảy ra ngày càng phổ biến tình trạng đô- la hóa trong giao dịch. Tại sao lại có tình trạng này và ai là người phải chịu thiệt?

LẤY USD LÀM... CHUẨN!

Theo các chuyên gia kinh tế, đô- la hóa là tình trạng mà tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm trên 30% trong tổng khối tiền tệ mở rộng bao gồm: tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ngoại tệ. Và, đồng đô - la được sử dụng rộng rãi trong nền kinh tế, mặc dù không được quốc gia đó chính thức thừa nhận. Ở nước ta, Chính phủ đã cấm sử dụng đồng đô-la Mỹ (USD) đối với hầu hết giao dịch trong nước và mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có công văn yêu cầu không cho phép giao dịch, trao đổi USD tại các cơ sở tư nhân.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều các sản phẩm bán ra tại các siêu thị, đại lý cửa hàng đều niêm yết giá bằng USD. Từ lâu, nhiều người tiêu dùng trong nước không còn xa lạ với việc mua hàng theo giá USD. Từ một chiếc USB trị giá khoảng 150.000 đồng đến một chiếc ô tô trị giá hàng trăm triệu đồng đều có thể được tính bằng USD. Điều này đã được người tiêu dùng chấp nhận trong suốt một thời gian dài khi USD giữ tỷ giá ổn định một cách tương đối so với tiền đồng ở mức 15.500-16.000 đồng/USD. Và đặc biệt, khi giá USD trên thị trường tự do cứ tăng vù vù, thì tình trạng đô - la hóa trong các giao dịch càng trở nên phổ biến.

Gần đây, một lĩnh vực có tốc độ đô- la hóa các giao dịch tương đối mạnh là bán hàng qua mạng, kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu, nhất là đồ điện tử. Việc niêm yết giá bằng cả đồng Việt Nam (VND) lẫn USD đều dễ dàng nhận thấy ở hầu như 100% các trang web bán đồ điện tử như: máy vi tính, các thiết bị gia dụng nhập ngoại v.v... Mặc dù hai loại giá được đặt song song nhưng việc thanh toán thực tế thì luôn được thực hiện bằng USD. Nếu khách hàng thanh toán bằng VND thì giá của hàng hóa sẽ được tính dựa trên tỷ giá hối đoái giữa VND và USD trong thời điểm thực hiện giao dịch. Những hàng hóa này thường là những hàng hóa mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ hoặc nhập khẩu từng linh kiện, nên giá của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào USD. Do vậy, để tránh rủi ro tỷ giá cho mình, các DN buộc phải niêm yết giá bằng USD. Ngoài ra, việc niêm yết giá bằng USD, theo một số chủ DN, còn là để tăng tính “hiện đại”, “thương mại điện tử” (?!).

Còn theo chủ nhiều cửa hàng, đại lý bán máy tính, sở dĩ hàng hóa được niêm yết bằng USD vì đây là hàng nhập khẩu. Các giao dịch mua bán với nhà xuất khẩu được tính theo giá USD trên thị trường tự do. Vì vậy, khi bán lại hàng hóa trên thị trường trong nước, hàng hóa đó vẫn phải được tính giá theo USD thị trường tự do.

NGUYÊN NHÂN?

Nếu lấy tỷ giá do NHNN ấn định, ta thấy trên thực tế lãi suất tiền gửi VND cao hơn USD (lãi suất đạt ngưỡng 18%/năm). Với mức chênh lệch lãi suất đáng kể đó thì gửi tiết kiệm bằng VND sẽ cho người gửi mức lãi tiết kiệm cao hơn bất chấp sự chênh lệch tỷ giá. Biết vậy nhưng vì sao rất nhiều người vẫn có thói quen tích trữ USD hơn là VND và các DN vẫn cứ “thích” áp giá bằng USD?

Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đô - la hóa nhiều loại giao dịch trong nền kinh tế. Song, nguyên nhân cơ bản nhất là sự mất lòng tin vào đồng nội tệ của người dân do “dư âm” của hiện tượng lạm phát phi mã trong những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước; những cuộc khủng hoảng tiền tệ sau năm 1985 và những năm 1997-1998. Đặc biệt, khi giá cả nhiều loại hàng hóa đang tăng đến mức “chóng mặt” như hiện nay, khiến lạm phát tăng càng tạo cho nhiều người cảm thấy quá rủi ro khi giữ một khối lượng lớn đồng nội tệ. Hơn thế nữa, sau một thời gian ổn định, chỉ số giá đang ngày càng gia tăng khiến nhiều người ngần ngại trong việc chuyển từ ngoại tệ sang VND. Người ta thích dùng USD không chỉ vì tính ổn định mà còn vì sự gọn nhẹ và tiện dụng của nó.

Nhưng nguyên nhân sâu xa của tình trạng đô - la hóa trong giao dịch hiện nay là chênh lệch tỷ giá ấn định của NHNN với tỷ giá thị trường tự do khá lớn. Trong khi tỷ giá công bố của NHNN chỉ dao động ở mức 16.000 VND/USD thì trên thị trường tự do, giá USD lên đến mức 18.000 VND/USD. Chính sự chênh lệch này đã xuất hiện nạn đầu cơ USD, làm cho thị trường tiền tệ và tỷ giá hối đoái càng thêm phức tạp.

Để “ghìm cương” thị trường tiền tệ, NHNN đã ra quy định cấm giao dịch bằng USD ở các đại lý. Thế nhưng, giao dịch USD ngầm vẫn không hề giảm. Giới kinh doanh ô tô cho rằng, hiện nay, tỷ giá USD giữa ngân hàng và trên thị trường tự do chênh nhau khoảng 2.000 VND/USD. Do vậy, nếu bán theo tỷ giá do các ngân hàng đưa ra, cửa hàng sẽ lỗ. Còn nếu niêm yết giá bán bằng VND thì sẽ rất khó cho DN vì giá USD hiện nay tăng giảm khó lường.

DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG ĐỀU THIỆT!

Theo thống kê, ở Việt Nam, tỷ lệ đô- la hóa luôn ở mức trên 20%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước trong khu vực ASEAN như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia... chỉ khoảng 7-10%. Mục tiêu của NHNN Việt Nam tới năm 2010 sẽ giảm tỷ lệ này xuống còn 15%. Song theo đánh giá của ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng- NHNN Việt Nam, thì tình trạng đô-la hóa phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ lạm phát- lạm phát cao sẽ đẩy tốc độ đô-la hóa tăng nhanh. Do đó, trong bối cảnh lạm phát đang đứng ở mức cao, giá USD trên thị trường tự do cũng đang tăng mạnh, người tiêu dùng chắc chắn sẽ bị thiệt.

Hiện tại, rất nhiều loại hàng hóa đang được tính bằng mệnh giá USD. Chẳng hạn, 1 thanh ram máy tính có giá 20 USD, nếu so với thời điểm cách đây 2 tháng thì giá tính ra VND chỉ vào khoảng 320.000 đồng. Nay, khi giá USD trên thị trường tự do tăng lên 18.000 đồng/ USD, thì dù mệnh giá thanh ram cũng chỉ 20 USD, nhưng người mua phải bỏ thêm 40.000 đồng nữa, nghĩa là giá thanh ram lên đến 360.000 đồng. Nhiều mặt hàng nhập khẩu như: linh kiện máy tính, điện thoại di động, hàng điện tử, hàng tiêu dùng nhập khẩu... đã hoặc đang bán với giá tăng 5-15% do phải tính bằng USD vì DN phải bù vào khoản phát sinh do phải mua USD với giá cao trên thị trường tự do.

Tình hình biến động tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do thời gian qua đã gây thắc mắc cho du khách khi mua tour du lịch nước ngoài và thanh toán bằng đồng USD. Bên cạnh một số tour du lịch nước ngoài áp dụng thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam theo đúng tỷ giá niêm yết của ngân hàng tại thời điểm thanh toán thì vẫn còn không ít các công ty du lịch quy định thu tiền tour theo tỷ giá của thị trường tự do, khiến cho nhiều khách hàng phải nói lời từ chối.

Trong lúc đồng USD trên thị trường thế giới đang suy yếu và ngay cả giới đầu cơ cũng không mặn mà gì với đồng tiền này thì tại Việt Nam, nhiều DN đang méo mặt vì phải lùng sục USD với giá cao để phục vụ nhu cầu thanh toán. Một số ngân hàng đã dùng các biện pháp nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu USD của DN và thường các nghiệp vụ này sẽ đẩy giá USD cao hơn tỷ giá công bố khoảng trên 1.000 đồng/ USD. Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, hiện chưa có ngân hàng nào chính thức chào bán USD với giá trên 18.000 đồng vì như vậy là vi phạm. Tuy nhiên, cũng khó có thể mua hay bán USD với giá do ngân hàng niêm yết vì giá này không hấp dẫn. Vì vậy, đã xảy ra nghịch lý: khi chúng ta quản lý USD bằng công cụ hành chính càng chặt chẽ thì giá USD ở thị trường tự do càng cao, nhiều người tiêu dùng càng thiệt thòi vì rất khó mua USD do nhiều ngân hàng từ chối bán USD cho khách hàng cá nhân...

Để tránh tình trạng đô- la hóa trong giao dịch và nền kinh tế, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, cho biết thời gian tới NHNN sẽ thực hiện một số giải pháp quan trọng nhằm nâng vị thế của VND và từng bước khắc phục tình trạng đô-la hóa nền kinh tế. Các giải pháp bao gồm: xóa bỏ hạn mức tuyệt đối trên một số khoản chuyển tiền vãng lai của cá nhân ra nước ngoài; xóa bỏ hạn mức tuyệt đối đối với việc thoái hối của người không cư trú; xóa bỏ giấy phép chuyển ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài của tổ chức tín dụng; cho phép sử dụng VND trong quan hệ thanh toán xuất nhập khẩu; giảm dần hạn chế mang VND ra, vào lãnh thổ. NHNN cũng sẽ nghiên cứu khả năng từng bước xóa giấy phép hoạt động kiều hối và giấy phép lập bàn thu đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chuyển sang kinh doanh có điều kiện; từng bước xóa bỏ chế độ thanh toán trực tiếp bằng ngoại tệ tại Việt Nam...

ĐỨC HẠNH

Chia sẻ bài viết