20/06/2024 - 11:49

7 câu nói tối kỵ trong buổi phỏng vấn xin việc 

Trong một cuộc phỏng vấn xin việc, bạn nói gì và đặt câu hỏi như thế nào tác động trực tiếp tới đánh giá của nhà tuyển dụng về bạn. Có những câu giúp bạn ghi điểm, nhưng cũng có những câu hỏi tạo hiệu ứng ngược, thậm chí gây ra ấn tượng tiêu cực. Do đó, bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng trong quá trình giao tiếp với nhà tuyển dụng.

Dưới đây là một số câu hỏi được cho là "tối kỵ" bạn nên tránh trong buổi phỏng vấn tuyển dụng việc làm ở Cần Thơ, TPHCM...

Lĩnh vực hoạt động của công ty là gì?

Việc hỏi công ty hoạt động, kinh doanh ở lĩnh vực nào không chứng tỏ được sự quan tâm của bạn tới công việc ứng tuyển. Ngược lại, câu hỏi này phản ánh bạn thiếu sự chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, thiếu quan tâm và nghiên cứu về doanh nghiệp.

Chưa kể nó còn cho thấy bạn không có khả năng tự tìm kiếm và phân tích thông tin. Bởi lĩnh vực hoạt động của công ty thường có sẵn trên trang website của doanh nghiệp hoặc trong thông tin mô tả công việc. 

Câu hỏi này được xếp vào nhóm tối kỵ vì chẳng khác nào bạn “tự vạch áo” cho nhà tuyển dụng thấy năng lực hạn chế và sự hời hợt của bản thân với buổi phỏng vấn.

"Em không biết" 

Trong quá trình giao tiếp với nhà tuyển dụng, bạn nên hạn chế nói những câu như: “Em không làm được”, “Em không biết, em không có kinh nghiệm lĩnh vực này”.

Kiểu trả lời này ngay lập tức khiến nhà tuyển dụng “mất cảm xúc” vì họ thường mong chờ một câu trả lời khác từ bạn. Thậm chí với một số nhà tuyển dụng, họ sẽ không đủ kiên nhẫn đặt câu hỏi tiếp theo. Ngay lập tức họ có suy nghĩ tiêu cực về bạn, cho rằng bạn không đủ năng lực, không có khả năng giải quyết vấn đề và thiếu nhiệt huyết, nhiệt tình trong giao tiếp, trao đổi với nhà tuyển dụng.

Vậy nên, ngay cả khi không biết câu trả lời cho một câu hỏi cụ thể, bạn vẫn có cách để ghi điểm. Hãy thể hiện sự sẵn lòng học hỏi và thích ứng với công việc mới bằng cách nói rằng bạn sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề hoặc đang tìm hiểu, sẽ tìm kiếm giải pháp trong thời gian tới...

“Em không thích môi trường công ty cũ”

Nhà tuyển dụng thường rất tò mò về công ty cũ của bạn. Không phải để họ bình phẩm mà để hiểu rõ hơn về bạn nên việc vô tư phê phán môi trường cũ sẽ tạo ấn tượng không tích cực trong mắt nhà tuyển dụng.

Nhà tuyển dụng có thể lo lắng bạn mang theo những thái độ tiêu cực, không hài lòng từ công ty cũ sang công ty mới. Chưa kể, trả lời như vậy cho thấy bạn không có khả năng thích ứng với môi trường mới. Trong khi đó lại là năng lực nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Do đó, bạn nên giữ tinh thần tích cực khi nói về công ty cũ, sếp cũ, đồng nghiệp cũ. Hãy nói về giá trị nhận được, kinh nghiệm có được từ họ và cho thấy bạn sẵn sàng học hỏi và thích ứng ở môi trường mới.

“Em được trả bao nhiêu?”

Câu chuyện về lương luôn là chủ đề nhạy cảm trong buổi phỏng vấn xin việc. Nhà tuyển dụng sẽ thăm dò và muốn bạn đưa ra mức lương cụ thể. Chính vì điều này, bạn cần cẩn trọng vì nó dễ gây phản cảm với nhà tuyển dụng.

Khi hỏi, “Em được trả bao nhiêu?” là bạn tự giới hạn giá trị của mình. Bạn nhường sự chủ động cho nhà tuyển dụng trong quá trình deal lương. Nhà tuyển dụng đánh giá bạn thực dụng, coi trọng vật chất, chưa kể câu nói có phần “sỗ sàng”, thiếu khéo léo.

Thay vào đó, hãy tìm hiểu mức lương thị trường và thăm dò mức lương trước đó công ty đã chi trả cho vị trí bạn ứng tuyển, từ đó có cách đề xuất mức lương hợp lý.

“Công ty cung cấp cho em quyền lợi gì?”

Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng đánh giá bạn là ứng viên tự cao, tự đại dù có thể thực tế bạn chỉ đang hỏi về quyền lợi có thể được nhận. 

Chưa kể, cách đặt câu hỏi như vậy tạo ra ấn tượng rằng bạn đề cao quyền lợi cá nhân hơn giá trị mang lại cho công ty. Trong khi điều nhà tuyển dụng quan tâm và muốn biết là vì sao họ nên thuê bạn và giá trị bạn đóng góp cho doanh nghiệp của họ.

Tốt nhất bạn không nên bắt đầu bằng câu hỏi về lương, thưởng và phúc lợi khi bạn chưa chứng minh được giá trị bản thân.

“Em chưa biết bắt đầu công việc mới như thế nào”

Bạn nghĩ việc cởi mở chia sẻ những chuyện riêng tư sẽ tạo ra sự chân thành và cảm thông với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai lầm. Đặc biệt càng nên không để nhà tuyển dụng biết chuyện bạn chưa sẵn sàng với công việc vì lý do riêng.

Dù có khó khăn, vướng mắc nhưng bước vào phỏng vấn, bạn giữ phong thái lịch sự. Đồng thời cần thể hiện quyết tâm cao và sự sẵn sàng cho công việc mới.

Anh/chị giữ chức vụ gì trong công ty?

Đây là câu hỏi nhạy cảm và tốt nhất bạn không nên đặt ra. Câu hỏi phản ánh bạn chưa tìm hiểu về người phỏng vấn mình. Hơn nữa hỏi về chức vụ dễ khiến nhà tuyển dụng phật lòng. Họ cho rằng, bạn nghi ngờ năng lực của họ, từ đó tạo ra cảm xúc tiêu cực trong suốt buổi phỏng vấn.

Những câu hỏi trên vừa khiến bạn bị mất điểm vừa khiến mối quan hệ với nhà tuyển dụng xấu đi. Để tránh điều này, hãy chuẩn bị thật kỹ trước khi phỏng vấn xin việc và rèn luyện khả năng giao tiếp. Không phải cần đến mức thượng thừa đâu, nhưng bạn cần biết nên nói và không nên nói điều gì, nói như thế nào khi tiếp xúc với nhà tuyển dụng.

Nguyễn Lý

Chia sẻ bài viết