03/03/2010 - 09:54

5 giải pháp điều hành giá để bình ổn thị trường

Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 2-3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiến cho biết: mặc dù tháng 3 không là tháng Tết nhưng sẽ còn chịu nhiều tác động của yếu tố bất lợi. Việc tăng giá xăng ngày 21-2 sẽ tác động vào CPI khoảng 0,01%, tăng giá điện từ 1-3 sẽ tác động vào CPI 0,16%, ngoài ra tác động của giá sữa, giá thức ăn chăn nuôi... Tính chung, các mặt hàng ảnh hưởng tăng CPI khoảng 0,4%. Đó là chưa tính tới giá một số loại hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu vẫn có xu hướng tăng nhẹ, giá hàng hóa, dịch vụ Tết hiện nay vẫn ở mức cao trong kỳ tính chỉ số giá; tác động điều chỉnh tỷ giá USD/VND đối với hàng nhập khẩu...

Vì thế, về chính sách thị trường trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng phải tập trung hoàn thiện thể chế cạnh tranh; quan trọng là phải kiểm tra, kiểm soát được giá cả, nhất là các mặt hàng trong diện quản lý giá trên thị trường.

Riêng đối với chính sách giá, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra 5 giải pháp quan trọng, trong đó tập trung vào việc thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước, tránh hiện tượng neo giá để giá cả của những hàng hóa ở mức cao bất hợp lý, bất chấp sự giảm giá trên thị trường thế giới hoặc “đông giá” tại thị trường trong nước quá thấp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát hàng hóa, dịch vụ độc quyền; khuyến khích cạnh tranh về giá. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế, đấu tranh chống mọi hiện tượng đầu cơ nâng giá bất hợp lý...

UYÊN HƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết