04/04/2021 - 08:27

5 căn bệnh “sát thủ thầm lặng” 

Chẩn đoán sớm là yếu tố quan trọng để tăng cơ hội chữa khỏi các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường và tim mạch. Tuy nhiên, một số căn bệnh lại không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu và cuộc sống bận rộn cũng khiến nhiều người không để mắt đến sức khỏe bản thân cho đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn. Dưới đây là 5 căn bệnh được coi là “sát thủ thầm lặng” và cách để tầm soát chúng sớm.  

Kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều kiện quan trọng giúp phát hiện và chữa trị sớm, giảm nguy cơ tử vong vì các bệnh lý thầm lặng.

Tăng huyết áp

Vì khoảng 50% số người bị huyết áp cao không gặp phải bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào, nên họ cũng không chú ý đến sức khỏe bản thân cho đến khi tim, động mạch và các nội tạng khác bị tổn thương. Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng huyết áp cao kéo dài có thể dẫn đến suy tim, đau tim, đột quỵ, suy thận hoặc tổn thương mắt. Do đó, mọi người cần kiểm tra huyết áp ít nhất 1 lần/năm, kể cả những ai không có các yếu tố nguy cơ bị tăng huyết áp như thói quen ăn mặn, thừa cân, lười vận động, bệnh sử gia đình… 

Ðược biết, huyết áp hơi cao - gọi là tiền tăng huyết áp - là khi huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 120-139mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89mmHg. Còn cao huyết áp được xác định khi số đo huyết áp từ mức 140/90 mmHg trở lên.  

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Ðây là bệnh khiến hàm lượng nội tiết tố nam (androgen) trong cơ thể của người phụ nữ cao hơn bình thường. Tình trạng mất cân bằng hoóc-môn này cản trở quá trình rụng trứng và khiến họ khó đậu thai, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim. Theo ước tính, khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh con bị PCOS, nhưng gần một nửa trong số đó lại không được chẩn đoán.

Một số dấu hiệu của PCOS bao gồm kinh nguyệt không đều, trễ kinh, nổi mụn dù đã qua tuổi dậy thì, lông mặt hoặc lông cơ thể rậm, tóc thưa, dễ rụng.

Ung thư phổi

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, đây là nguyên nhân tử vong vì ung thư hàng đầu ở cả hai giới, chiếm gần 25% số trường hợp tử vong. Ðáng ngại là ung thư phổi không biểu hiện triệu chứng trong giai đoạn đầu, mà các dấu hiệu thường xuất hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, tức tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Trong giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị ho khan dai dẳng từ 2-3 tuần, đau ngực, khó thở, ho ra máu, luôn thấy mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng. Nghiên cứu cho thấy chụp cắt lớp vi tính (CT) phổi có thể giúp phát hiện sớm căn bệnh và giảm khoảng 20% nguy cơ tử vong.

Tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp là một nhóm bệnh mắt có thể làm tổn thương dây thần kinh thị giác và dẫn đến mất thị lực, được xem là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa cho người trên 60 tuổi. Do các triệu chứng bệnh không rõ ràng cho đến khi mắt tổn thương khá nặng, nên tăng nhãn áp còn được gọi là “kẻ đánh cắp thị giác thầm lặng”. Vì thế, mọi người cần đi khám mắt tổng quát hằng năm để bác sĩ nhãn khoa kịp thời phát hiện bệnh trước khi mất thị lực hoàn toàn.

Chlamydia

Căn bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) này do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây ra và có thể dễ dàng chữa khỏi bằng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, bệnh dễ lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, gồm cả vô sinh. Chlamydia thường không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào trong giai đoạn đầu, nếu có thì cũng ảnh hưởng nhẹ nên người mắc khó nhận ra. Các triệu chứng phổ biến của Chlamydia bao gồm tiểu buốt, tiết dịch nhiều ở cơ quan sinh dục, đau khi giao hợp ở phụ nữ, chảy máu giữa kỳ kinh và sau khi quan hệ tình dục...

AN NHIÊN (Theo TheHealthSite) 

Chia sẻ bài viết