14/09/2024 - 10:04

2024 có thể là năm chết chóc nhất với nhân viên cứu trợ  

Ðó là dự báo vừa được các chuyên gia đưa ra, trong bối cảnh sự coi thường đối với luật pháp quốc tế ngày càng tăng đã tạo thêm nguy hiểm cho những người làm việc ở các điểm nóng xung đột.

Một chiếc xe của lực lượng cứu trợ bị không kích ở Gaza. Ảnh: Shutterstock

Gần như tuần nào trong năm nay, Tổng Thư ký Liên đoàn Chữ thập Ðỏ và Trăng Lưỡi liềm Ðỏ Quốc tế (IFRC) Jagan Chapagain cũng phải ký 1 lá thư chia buồn gửi đến gia đình của những nhân viên thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ cho mạng lưới nhân đạo lớn nhất thế giới này. Trong số 28 nhân viên và tình nguyện viên được ông Chapagain tưởng niệm từ đầu năm 2024, có 1 tình nguyện viên ở Sudan bị bắn khi đang thu thập dữ liệu, 1 nhân viên y tế bị bắn khi đang sơ tán người dân bị thương ở Bờ Tây và 1 tài xế xe cứu thương ở Ethiopia trúng đạn khi đang đến bệnh viện.

Lâu nay, các nhân viên cứu trợ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm, nước và vật tư y tế trong các cuộc khủng hoảng. Nhưng tính đến cuối tháng 8-2024, đã có 187 nhân viên thiệt mạng trên khắp thế giới. Con số này có thể tăng cao trong những tháng cuối năm, khi các chuyên gia dự đoán sẽ có thêm nhiều nhân viên cứu trợ thiệt mạng trong các cuộc xung đột, thiên tai và dịch bệnh phức tạp, đồng nghĩa 2024 sẽ trở thành năm chết chóc nhất đối với nhân viên cứu trợ. Còn hiện tại, năm 2023 đang nắm giữ danh hiệu này, với 280 nhân viên cứu trợ thiệt mạng ở 33 quốc gia - tăng 137% so với năm 2022. Trong đó, cuộc xung đột giữa Israel - Hamas tại Gaza, cũng như tình hình bất ổn giữa Sudan và Nam Sudan, chiếm phần lớn số ca tử vong.

Theo giới quan sát, sở dĩ nhân viên cứu trợ bị thiệt mạng ngày càng nhiều xuất phát từ thực tế khách quan và nhiệm vụ đặc biệt của lực lượng này. Họ không được trang bị vũ khí tự vệ, không được bảo vệ đúng nghĩa, phương tiện đi lại thô sơ, trong khi công tác cứu trợ đòi hỏi phải nhanh, kịp thời và cần di chuyển trong môi trường nguy hiểm. Từ đó, họ dễ trở thành mục tiêu tấn công ngoài mong muốn của các bên liên quan. 

Các nhân viên cứu trợ địa phương là đối tượng có khả năng thiệt mạng cao nhất, do họ thường không được đảm bảo an ninh, đào tạo và bảo vệ như các nhân viên quốc tế. 

Theo Tomas Muzik, giám đốc chương trình thực địa tại Tổ chức An toàn phi chính phủ Quốc tế, lý do số người chết cao hơn trong số nhân viên địa phương là vì nhiều cơ quan cứu trợ sử dụng nhân viên quốc gia sở tại. Ðơn cử, 98% nhân viên của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế hiện là người địa phương và 16 triệu tình nguyện viên của Hội Chữ thập Ðỏ và Trăng lưỡi liềm Ðỏ đến từ các cộng đồng mà họ phục vụ.

Ngoài ra, ông Jeff Wright - Giám đốc ứng phó nhân đạo tại Tổ chức nhân đạo World Vision - còn lưu ý về việc có thể có sự chênh lệch trong việc tiếp cận hoạt động huấn luyện an toàn và thông tin giữa hai nhóm nhân viên cứu trợ địa phương và nước ngoài. Chẳng hạn, nhân viên quốc tế thường được sơ tán khi tình hình trở nên “quá nóng”, trong khi nhân viên địa phương không có lựa chọn đó. Bà Christina Wille, Giám đốc của tổ chức phi chính phủ Insecurity Insight, cho hay nhiều nhóm cứu trợ địa phương thiếu nguồn lực như các đối tác quốc tế. Tuy nhiên, họ có thể được các tổ chức quốc tế thuê để làm việc tại những khu vực khó tiếp cận.

Mặt khác, tuy nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế được coi là tội ác chiến tranh, nhưng lại rất khó bị truy tố ở cấp quốc gia. Theo Law Action Worldwide - tổ chức cung cấp hỗ trợ pháp lý miễn phí cho những nhân viên cứu trợ bị tấn công, phản ứng toàn cầu chủ yếu tập trung vào các nghị quyết, lên án và bày tỏ sự phẫn nộ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, mà hầu như không có hình thức chịu trách nhiệm cụ thể.

NGUYỆT CÁT (Theo Guardian)

 

Chia sẻ bài viết