26/12/2012 - 15:27

10 căn bệnh có thể đi kèm theo lupus ban đỏ

 

Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn, trong đó, hệ miễn dịch tự tạo ra các kháng thể chống lại các tế bào và mô của cơ thể, gây ra tình trạng viêm nhiễm mãn tính. Biểu hiện của bệnh là da mặt nổi những nốt đỏ và lan rộng (ảnh). Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời, bệnh không chỉ phá hủy các mô và nội tạng mà còn gây hại cho sức khỏe tâm thần. Sau đây là 10 căn bệnh có liên quan đến biến chứng của lupus ban đỏ mà người bệnh cần lưu ý để có biện pháp chữa trị hợp lý:

1. Các vấn đề về thận. Lupus ban đỏ có thể làm tổn thương thận và nếu nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tử vong do suy thận. Theo các chuyên gia, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận do lupus gây ra gồm có ngứa toàn thân, đau ngực, buồn nôn, ói mửa và phù chân.

2. Bệnh tim mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân lupus có nguy cơ phát triển bệnh tim hay các vấn đề tim mạch cao gấp 8-10 lần người bình thường. Lý do là bệnh lupus ban đỏ có thể gây viêm ở tim và các động mạch, với các triệu chứng phổ biến là cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đau thắt ngực, thậm chí là nhồi máu cơ tim và đột quị.

 

3. Yếu xương. Người bệnh lupus dễ bị nứt và gãy xương do xương không được cung cấp máu đầy đủ. Trong trường hợp này, khớp hông và khớp gối thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

4. Bệnh phổi. Bệnh lupus có thể gây viêm niêm mạc màng phổi hoặc tích tụ dịch nhầy, dẫn tới ho hoặc khó thở. Các triệu chứng phổ biến gồm có sốt, đau ngực và ho dữ dội. Nặng hơn, bệnh có thể khiến phổi giảm khả năng bơm ôxy vào máu hoặc làm tổn thương các mạch máu dẫn tới phổi, gây ra tình trạng cao huyết áp.

5. Tổn thương não. Tình trạng viêm nhiễm lan tới não có thể gây ra các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, thay đổi hành vi, ảo giác, đôi khi dẫn tới đột quị hoặc động kinh. Thông thường, bệnh nhân lupus ban đỏ còn gặp các vấn đề về trí nhớ và thậm chí suy giảm khả năng tư duy.

6. Biến chứng thai kỳ. Bệnh lupus có thể gây khó khăn cho việc mang thai do nó làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và khiến thai phụ tăng nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non do chứng cao huyết áp. Do đó, để tránh các biến chứng nguy hiểm này, phụ nữ không nên mang thai cho đến khi bệnh được kiểm soát.

7. Các vấn đề về máu. Không chỉ gây thiếu máu, lupus ban đỏ còn làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc đông máu và gây viêm mạch máu.

8. Khô miệng. Đây là hiện tượng hiếm gặp, nhưng do bệnh lupus có thể tổn thương tuyến nước bọt, nên việc sản xuất nước bọt sẽ giảm, dẫn đến khô và ngứa miệng.

9. Ung thư. Các chuyên gia cho biết bệnh nhân lupus ban đỏ tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư về máu, hạch bạch huyết, phổi và gan.

10. Nhiễm trùng. Lupus ban đỏ gây tổn thương hệ miễn dịch. Một khi hệ miễn dịch suy yếu, người ta dễ mắc phải nhiều loại bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiết niệu, đường hô hấp, viêm nhiễm do nấm, mụn giộp và bệnh giời leo.

QUỐC NGHĨA
(Theo Health Me Up)

Làm sao để chẩn đoán lupus ban đỏ hiệu quả?

Theo các chuyên gia, bệnh lupus ban đỏ rất khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng của nó giống với nhiều bệnh khác. Hiện không có một phương pháp xét nghiệm nào cho kết quả chính xác. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng chúng ta có thể phát hiện sớm căn bệnh và chữa trị kịp thời nếu kết hợp nhiều loại xét nghiệm sau đây:

- Xét nghiệm máu: Biện pháp này giúp phát hiện ra chứng thiếu máu, tình trạng phổ biến ở bệnh nhân lupus ban đỏ. Xét nghiệm máu sẽ xác định số lượng các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết sắc tố. Thông thường, người bệnh có rất ít tế bào bạch cầu và tiểu cầu.

- Xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu: Trong một khoảng thời gian nhất định, tốc độ các tế bào hồng cầu của bệnh nhân lupus ban đỏ lắng xuống đáy ống nghiệm sẽ nhanh hơn so với người bình thường.

- Xét nghiệm thận và gan: Giúp đánh giá chức năng gan và thận, cũng như các cơ quan bị ảnh hưởng bởi bệnh.

- Phân tích nước tiểu: Khi bệnh ảnh hưởng đến thận, phân tích nước tiểu sẽ giúp phát hiện sự gia tăng của các tế bào hồng cầu trong nước tiểu.

- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA): Việc xác định sự hiện diện của các kháng thể do chính hệ miễn dịch tạo ra giúp các bác sĩ có thêm cơ sở để chẩn đoán chính xác căn bệnh.

Chia sẻ bài viết