26/12/2013 - 14:15

“Xóm lò heo”
VÀ GIẤC MƠ MÁI ẤM GIA ĐÌNH

 

"Xóm lò heo" xúc động với giấc mơ về mái ấm gia đình của những đứa trẻ bụi đời. Truyện toát lên cái nhìn nhân văn của nhà văn Nguyễn Công Trí trước những mảnh đời bất hạnh…
Sách do NXB Trẻ phát hành tháng 9 năm 2013.

Truyện dài "Xóm lò heo" dành cho tuổi mới lớn, nhưng nội dung không hướng đến thế giới trong trẻo, màu hồng của lứa tuổi này, mà khai thác cuộc sống khắc nghiệt của những đứa trẻ mồ côi, sống lang thang đầu đường xó chợ.

Cường "Lì" bị cha mẹ bỏ rơi ngoài nghĩa địa lúc mới lọt lòng, cậu được một ông lão ăn xin cưu mang. Rồi ông lão mất, Cường hụt hẫng, trơ trọi sống lang bạt, không nhà, cầm đầu nhóm trẻ bụi đời sống bằng nghề "chạy mối" thịt heo ăn cắp ở lò mổ. Ở xóm lò heo còn có Tài "Hoàng Đạo" mồ côi mẹ, sống với bà ngoại già yếu, nổi tiếng với "ngón nghề" móc túi. Một ngày kia, "chén cơm" của nhóm Cường "Lì" bị đe dọa bởi băng nhảy tàu của Tài "Hoàng Đạo". Một trận đánh nhau tóe lửa của hai nhóm trẻ bụi đời xảy ra…

"Xóm lò heo" là một bức tranh về thế giới khắc nghiệt của những đứa trẻ bụi đời, mồ côi cha mẹ. Nơi ở của bọn trẻ là mái hiên ở một chiếc cabin điện cũ kỹ, xó nhà ở rạp hát hay hành lang của trường học… Để có miếng ăn, chúng làm đủ mọi việc từ xin ăn đến móc túi và chạy mánh, nhảy tàu… Đằng sau những gương mặt lầm lì, ít nói, thích gây sự và hơn thua nhau bằng nắm đấm của những đứa trẻ như Cường "Lì, Tài "Hoàng Đạo", Hai Ổi, Tỉa "Lé"… là những tâm hồn dễ tổn thương, sống có tình có nghĩa, biết xót xa trước hoàn cảnh khó khăn của người khác. Khi biết hai mẹ con của cô bé Sương Ròm túng bấn vì bị mất việc, Cường "Lì" đã hết lòng giúp đỡ mẹ con Sương Ròm và bênh vực cô bé trước sự hà hiếp của người khác. Hay Tài "Hoàng Đạo" đã giúp một cô y tá nghèo giành lại chiếc túi xách bị cướp…

Thực ra những đứa trẻ ấy luôn ý thức được việc mình làm là sai trái và không ít lần suy nghĩ đến chuyện "làm lại cuộc đời". Xúc động hơn hết là giấc mơ về một cuộc sống lương thiện, dưới mái nhà ấm áp, được yêu thương, chăm sóc: "Đôi khi người ta bàn tán tòa án xử tử bọn giết người cướp của, trong thâm tâm của thằng Cường "Lì" cũng đồng tình với bản án đấy. Nghĩ thế nhưng rồi nó lại chua xót cho thân phận mình, một đứa trẻ chưa hề biết thế nào là mái ấm gia đình, từ nhỏ đã phải lê la đầu đường xó chợ kiếm sống…".

Với "Xóm lò heo", nhà văn Nguyễn Trí Công thấu hiểu và cảm thông cuộc sống, suy nghĩ của những đứa trẻ bị số phận đưa đẩy phải lăn lóc giữa chợ đời. Cái kết có hậu của truyện mở ra niềm tin yêu, hy vọng về số phận của những đứa trẻ lầm đường lạc lối biết làm lại cuộc đời…

THẢO YÊN

 

Chia sẻ bài viết