18/03/2019 - 20:56

“Womenomics” của Thủ tướng Nhật còn nhiều trở ngại 

Đã 6 năm kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố chính sách kinh tế trọng phụ nữ “Womenomics” nhằm thúc giục phái yếu đảm trách những vị trí lãnh đạo, nhưng kỳ thực các chị em ở xứ sở hoa anh đào vẫn rất khó tỏa sáng.

Nội các Nhật Bản hồi tháng 10-2018. Ảnh: AFP

Nội các Nhật Bản hồi tháng 10-2018. Ảnh: AFP

Chính sách trên đã mang lại hiệu quả bước đầu khi làm tăng tỷ lệ lao động nữ giới.  Đặc biệt, chính sách này cho phép lao động nữ tốt nghiệp đại học vẫn tiếp tục làm việc trong thời gian chăm sóc con cái. Năm 2017, lần đầu tiên tỷ lệ bà mẹ có trình độ đại học vẫn làm việc dài hạn tăng lên gần 50%, từ mức 30% hồi những năm 2000.

Tuy nhiên, đa số phụ nữ Nhật Bản vẫn tiếp tục đối mặt với những rào cản liên quan nhận thức của xã hội và gánh nặng không cân xứng trong việc duy trì/chăm sóc gia đình. Theo báo cáo hồi đầu tháng này của Tổ chức Lao động Quốc tế, tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản nắm giữ các vị trí lãnh đạo và quản lý dừng lại ở mức 12% hồi năm ngoái, trong khi con số này của phụ nữ trên toàn cầu là 27,1%. Trong báo cáo thường niên Chỉ số khoảng cách giới thế giới năm 2018, Nhật Bản xếp thứ 110 trên tổng số 149 quốc gia, tăng 4 bậc so với 12 tháng trước đó, chủ yếu nhờ khoảng cách lương bổng rút ngắn hơn và tăng cường tuyển dụng các “bóng hồng”. Trong 6 năm qua, số lượng phụ nữ đi làm tăng gần 3 triệu người và ngày càng nhiều chị em ngồi vào các vị trí quản lý. Nhưng những con số này vẫn còn thấp nếu so với các nước khác.

Nhật Bản chịu thứ hạng thấp kém như thế chủ yếu là do rất ít phụ nữ nước này tham gia vào chính trị. Số liệu của Liên minh Nghị viện Thế giới cho thấy Nhật Bản “đội sổ” trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), xét về tỷ lệ nữ chính khách. Cụ thể, phụ nữ Nhật chỉ chiếm 10,2% trong Hạ viện 463 ghế. Những định kiến về việc phụ nữ ngồi ghế lãnh đạo ở lĩnh vực chính trị lẫn tư nhân hiện vẫn còn tồn tại không chỉ ở nam giới Nhật Bản mà cả phụ nữ. Theo một cuộc khảo sát công bố cuối năm ngoái, chỉ 28% phụ nữ Nhật thừa nhận cảm thấy thoải mái khi có một người cùng giới làm giám đốc điều hành của một tập đoàn, so với 70% của phụ nữ Mỹ- tỷ lệ cao nhất trong Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).

Trước đây, Chính phủ Nhật muốn tăng tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí quản lý trong chính phủ và lĩnh vực tư nhân lên khoảng 30% đến năm 2020. Mục tiêu này sau đó được điều chỉnh thấp xuống. Ví dụ, hồi năm 2015 mục tiêu đặt ra cho năm 2020 về tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý trong lĩnh vực tư nhân đã giảm còn khoảng 10% và dự báo là vẫn không thể đạt được. Tỷ lệ này hồi năm ngoái chỉ là 6,3%.

Đối với Nhật Bản, khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào thương mại và chính trị không phải chỉ là vấn đề bình đẳng giới, mà đó là nỗi lo kinh tế nghiêm trọng đối với nước này. Phụ nữ Nhật thường có trình độ học vấn cao, nhưng “bắt” họ gắn bó với công sở là một thách thức, đặc biệt sau khi sinh con. Nhiều người đã bỏ việc và điều này gây tổn thất lớn cho nền kinh tế quốc gia Đông Bắc Á. Khác với phần lớn các nước phát triển khác, Nhật lại đang đối mặt với tình trạng sụt giảm dân số nghiêm trọng do ngày càng ít phụ nữ sinh con, bên cạnh đó còn là vấn đề già hóa dân số. Động viên nhiều phụ nữ đi làm đồng thời muốn họ có gia đình đông con đang đặt ra thách thức kép cho giới lãnh đạo Nhật Bản.

Ưu tiên phát triển năng lực vũ trụ và an ninh mạng

Thủ tướng Shinzo Abe vừa chỉ thị cho Lực lượng phòng vệ nước này phải nhanh chóng chuẩn bị năng lực quốc phòng nhằm bảo đảm ưu thế của Nhật trong các lĩnh vực mới như vũ trụ và không gian mạng. Đây là những ưu tiên đã được đề ra trong Đại cương kế hoạch phòng vệ được thông qua cuối năm ngoái.

Đề cập kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, trong đó có nội dung liên quan đến vai trò của Lực lượng phòng vệ, Thủ tướng Abe cam kết sẽ nỗ lực tạo môi trường để lực lượng này có thể tự hào và cống hiến hết mình.

 

THANH BÌNH (Theo Japan Times)

Chia sẻ bài viết