13/06/2021 - 09:28

“Vun xới” cánh đồng văn học, nghệ thuật cho thiếu nhi 

Thực trạng thiếu tác phẩm văn học, nghệ thuật cho thiếu nhi từ nhiều năm qua đã được đề cập nhiều, có thể ví von như mảnh đất màu mỡ qua thời gian không khai thác đã khô cằn. Giải thưởng thiếu nhi “Dế Mèn” đã tìm được những cây bút để vun xới cánh đồng ấy.

Xèo Chu, họa sĩ sinh năm 2007, đoạt giải “Khát vọng Dế Mèn”. Ảnh: kyluc.vn

Xèo Chu, họa sĩ sinh năm 2007, đoạt giải “Khát vọng Dế Mèn”. Ảnh: kyluc.vn

“Dế Mèn” là giải thưởng nghệ thuật thường niên do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) sáng lập, tổ chức lần đầu vào năm 2020. Qua 2 mùa giải, “Dế Mèn” đã khơi dậy động lực sáng tác văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi.

Mùa giải năm nay diễn ra trong bối cảnh cả nước phòng, chống dịch COVID-19. Lễ trao giải vào ngày 1-6 vừa qua được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Nhưng không vì vậy mà giải thưởng “Dế Mèn” giảm sức hút. Năm nay, giải thưởng nhận được 120 tác phẩm dự thi, tăng gần 20 tác phẩm so với mùa giải đầu tiên, đa dạng các thể loại: văn học, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh... Giải thưởng cao nhất - “Hiệp sĩ Dế Mèn” năm 2021 đã không tìm ra được chủ nhân, sau khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được trao giải vào năm 2020. 5 giải “Khát vọng Dế Mèn” thuộc về: tiểu thuyết “Đi trốn” của tác giả Bình Ca; phim hoạt hình “Khúc gỗ mục” của đạo diễn, NSND Nguyễn Thị Phương Hoa và ê-kíp (Công ty cổ phần Hãng phim hoạt hình Việt Nam); chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống của họa sĩ nhí Xèo Chu; truyện tranh “Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!” của tác giả Mèo Mốc (tên thật là Đặng Quang Dũng); bộ truyện “Khác biệt mới tuyệt làm sao” của Nguyễn Hoàng Vũ và nhóm họa sĩ.

Các tác phẩm đoạt giải “Khát vọng Dế Mèn” đều mang đến cho độc giả nhí những góc nhìn, trải nghiệm ấn tượng qua sáng tác văn học, nghệ thuật. Tác giả Bình Ca sau thành công với tác phẩm “Quân khu Nam Đồng” tiếp tục chọn chủ đề thiếu nhi thời chiến để thể hiện trong tiểu thuyết “Đi trốn” (NXB Hội Nhà văn). Tác phẩm có bối cảnh khoảng năm 1965-1966, kể về cuộc phiêu lưu giữa núi rừng mênh mông, hiểm trở của nhóm 5 bạn nhỏ là con em cán bộ đi sơ tán. Mỗi người một tính cách, rất hồn nhiên, hay vụng về nhưng lại dũng cảm, hiên ngang... làm nên những trang văn rất thú vị.

Để lại ấn tượng không kém là phim hoạt hình “Khúc gỗ mục”. NSND Nguyễn Thị Phương Hoa là đạo diễn, họa sĩ của phim, cho biết: Kịch bản “Khúc gỗ mục” là ý tưởng của đại tá về hưu Phan Đức Tuấn, cũng là biên kịch cho phim. Hào hứng với ý tưởng này, NSND Phương Hoa đã cùng ê-kíp chắp cánh nên những thước phim hay, hấp dẫn. Chuyện phim kể về khúc gỗ từng là bộ phận quan trọng nhất ở mũi một con thuyền lớn, nay thì mục ruỗng. Khúc gỗ mục nằm trên bờ biển vắng, nghĩ ngợi về quá khứ hào hùng và hiện tại vô vụng. Rồi ngày kia, chú chim sà xuống trú mưa và đậu lại nơi khúc gỗ. Khúc gỗ lại vui tươi vì thấy mình vẫn còn có ích...

Lĩnh vực mỹ thuật dù tác phẩm dự thi không nhiều nhưng lại tìm ra được tác phẩm xứng đáng trao giải. Đó là nhóm tác phẩm của họa sĩ nhí Xèo Chu - sinh năm 2007. Xèo Chu biết vẽ từ năm 4 tuổi và đã có hàng trăm bức tranh giá trị, trong đó tác phẩm vẽ về Vịnh Hạ Long từng được bán tại Mỹ lên đến 150.000 USD.

Qua 2 mùa giải, giải thưởng thiếu nhi “Dế Mèn” đã khích lệ rất nhiều cho các văn nghệ sĩ. Tác giả trẻ Nguyễn Chí Ngoan, một giáo viên ở Kiên Giang từng đoạt giải “Khát vọng Dế Mèn” mùa giải đầu tiên, chia sẻ: “Trong dòng chảy của văn chương hiện nay, văn học thiếu nhi vẫn phát huy được vai trò của mình, vẫn có rất nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, vì thiếu nhi. Ðó là một thị trường văn học khá sôi động”. Bàn về chuyện sáng tác văn học, nghệ thuật cho thiếu nhi hiện nay qua lăng kính giải thưởng “Dế Mèn”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giám khảo giải thưởng, cho rằng : “Chúng ta phải rời bỏ một mục đích ám ảnh chúng ta là dạy cho đứa trẻ một bài học đạo đức khi viết cho trẻ em. Khi chúng ta đem tới một thiên nhiên đẹp đẽ, một gia đình ấm áp, một câu chuyện nhân văn đầy tính tưởng tượng thì chúng ta đã tạo bài học đạo đức bên trong đó cho những đứa trẻ”.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết