24/03/2013 - 08:55

“Vòm sắt” có thực sự như ca tụng của nhiều người?

Trong chuyến công du Israel vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thị sát nơi đặt hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm sắt". Nó được xem là kết quả của sự hỗ trợ của Mỹ đối với Israel sau nhiều năm diễn ra căng thẳng xung quanh vấn đề về khu định cư Do Thái, đồng thời cũng được xem là "trợ thủ đắc lực" trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vũ khí cho rằng sự thật về hệ thống này không giống như sự ca tụng của nhiều người.

 Obama (trái) thăm “Vòm sắt” của Israel. Ảnh: Avi Ohayon, GPO

Các quan chức Israel ban đầu khẳng định rằng hiệu suất tiêu diệt mục tiêu của "Vòm sắt" lên tới 90%. Ông Michael Oren, Đại sứ Israel tại Mỹ, đã hết lời ca ngợi hệ thống này trong khi Quốc hội Mỹ cho đây là một hệ thống "rất hiệu quả" và cam kết sẽ chi thêm 680 triệu USD cho việc phát triển hệ thống này đến năm 2015. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các chuyên gia vũ khí hàng đầu của Mỹ và Israel, hiệu suất tiêu diệt mục tiêu của "Vòm sắt" đạt không quá 40%. Họ cho rằng nhiều tên lửa do "Vòm sắt" bắn ra thường bị chệch hướng, đôi khi còn rơi xuống những khu vực đông dân cư, gây thiệt hại không nhỏ về người và của. "Đây là một hệ thống thông minh nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn về hệ thống này" – ông Richard M. Lloyd, một chuyên gia vũ khí, nói.

"Vòm sắt" được xem là hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất và gọn nhất của Israel. Tuy "Vòm sắt" được trang bị các tên lửa đánh chặn kích thước nhỏ với đầu dò cảm biến quang điện tử, nhưng chỉ bắn được các tên lửa tầm ngắn trong khi đó hệ thống Patriot và hệ thống Arrow được trang bị các tên lửa đánh chặn với kích thước lớn hơn nhiều lại có thể đối phó với các tên lửa tầm xa. Tất cả hệ thống này đều được trang bị các đầu đạn dễ nổ để phá vỡ âm mưu của đối phương. Tuy nhiên, chúng đang phải đối mặt với các nghi ngờ về hiệu suất và giá trị quân sự.

Những người chỉ trích cho rằng các vụ nổ trên bầu trời từng được ca ngợi như là bằng chứng thành công của "Vòm sắt" trong cuộc đụng độ giữa Israel và Gaza trước đây đơn thuần chỉ là do đầu đạn của các tên lửa đánh chặn phát nổ. Trước lời chỉ trích này, một quan chức cấp cao của Israel đã kiên quyết phản đối, ông cho rằng "Vòm sắt" đã thật sự "rất xuất sắc". Gần đây, khi mà những nghi ngờ về hiệu suất của "Vòm sắt" lan rộng khắp Israel, Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã đưa ra những luận điểm cho rằng đó là những nghi ngờ "vô căn cứ" được đưa ra dựa trên các đoạn video "nghiệp dư" đăng tải trên Youtube, đồng thời hứa sẽ đưa ra những bằng chứng xác thực nhằm xóa bỏ những nghi ngờ không đáng có này.

Theo tờ New York Times, Mỹ đã đóng góp gần 275 triệu USD nhằm phát triển hệ thống "Vòm sắt" cách đây 2 năm. Giữa lúc các mối lo ngại gia tăng trên khắp Iran, công chúng Israel đã có dịp chứng kiến sự thành công của "Vòm sắt" trong việc chống trả các đòn tấn công từ Dải Gaza. Trong cuộc xung đột kéo dài 8 ngày hồi tháng 11 năm rồi, các tay súng Gaza đã bắn khoảng 1.500 tên lửa về phía Israel. Các quan chức Israel khi ấy cho rằng "Vòm sắt" chỉ bỏ lỡ 58 tên lửa tấn công của đối phương và phá hủy thành công 421 tên lửa, chiếm tỷ lệ thành công là 87,89%. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận ngừng bắn Gaza được ký kết, chuyên gia vũ khí Richard M. Lloyd đã tiến hành rà soát hàng trăm video trực tuyến về hoạt động của "Vòm sắt". Kết quả là, ông ước tính được rằng hiệu suất tiêu diệt mục tiêu của "Vòm sắt" chỉ đạt từ 30-40%. Không những vậy, nhiều chuyên gia vũ khí khác cũng đã đưa ra kết quả tương tự khi tiến hành phân tích hiệu suất của "Vòm sắt".

TRÍ VĂN (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết