Phát biểu bên lề kỳ họp thường niên của quốc hội, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (ảnh) cảnh báo Mỹ chớ nuôi ý định thay đổi Bắc Kinh, đồng thời cáo buộc Washington đang đẩy quan hệ hai nước đến nguy cơ Chiến tranh Lạnh mới.

Ảnh: Xinhua
Theo ông Vương Nghị, có một loại “virus chính trị” đang lan rộng ở Mỹ khi nhiều chính trị gia nước này chớp lấy mọi cơ hội “triệt hạ uy tín” của Trung Quốc. Trong đó, có người còn phớt lờ sự thật, đưa ra những tuyên bố vô lý và thuyết âm mưu chống lại Bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung Quốc đặc biệt đề cập “một số thế lực chính trị” ở Mỹ cố tình lợi dụng mâu thuẫn thương mại, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 để bắt quan hệ ngoại giao làm con tin, đẩy Mỹ-Trung đến bờ vực chiến tranh lạnh kiểu mới, gây ảnh hưởng hòa bình thế giới.
Tuy ông này không nói rõ đối tượng là ai, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nhiều quan chức Nhà Trắng gần đây liên tục đấu khẩu với Trung Quốc quanh cáo buộc Bắc Kinh “giấu dịch” và khả năng kiện đòi bồi thường thiệt hại do COVID-19. Hôm 24-5, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien còn ví cách Trung Quốc xử lý khủng hoảng y tế tương tự sự che đậy trong thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Trung Quốc phản đối yêu cầu của Mỹ đối với các hãng hàng không nước này
Ngày 25-5, Trung Quốc ra tuyên bố phản đối mọi biện pháp hạn chế của Mỹ nhằm vào các hãng hàng không nước này.
Đây là phản ứng của Bắc Kinh liên quan tới một báo cáo cho biết Bộ Giao thông Mỹ đã yêu cầu các hãng hàng không Trung Quốc phải nộp lịch trình bay và chi tiết các chuyến bay khác vào ngày 27-5.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định những hạn chế về chuyến bay mà Trung Quốc áp đặt với tất cả các hãng hàng không là như nhau nhằm mục đích giảm nguy cơ dịch COVID-19 lây lan.
Trước đó, ngày 22-5, Mỹ đã ra tuyên bố chỉ trích cơ quan chức năng Trung Quốc gây khó dễ, không cho phép các hãng hàng không Mỹ nối lại dịch vụ bay tới Trung Quốc.
|
Đổi lại, ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc đã hành động có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng toàn cầu kể từ khi virus xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán hồi tháng 12 năm ngoái. Vị quan chức này cảnh báo bất kỳ ai muốn thông qua các vụ kiện “lố bịch” để buộc Trung Quốc bồi thường thiệt hại do COVID-19 hoặc làm suy yếu chủ quyền, uy tín của Bắc Kinh chính là “nằm mơ giữa ban ngày” và hậu quả chỉ bản thân họ bị “ô nhục”. Theo lời ông Vương Nghị, các nhà ngoại giao Trung Quốc có “nguyên tắc và sự can đảm” để bảo vệ danh dự quốc gia. Song, ông phủ nhận nước này áp dụng sách lược ngoại giao “Chiến lang” để chống lại ảnh hưởng phương Tây. Trong quan hệ với Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm rằng nước này không hề có ý định thay đổi hoặc thay thế vai trò của Washington trên toàn cầu. Dựa trên lập luận này, ông Vương Nghị nói đã đến lúc Mỹ nên từ bỏ suy nghĩ muốn thay đổi Trung Quốc hoặc ngăn Bắc Kinh tiến lên con đường hiện đại hóa. Thay vào đó, ông đề nghị hai cường quốc tìm cách chung sống hòa bình bên cạnh khác biệt về mô hình chính trị, văn hóa và xã hội.
Tuyên bố được Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh-Washington ngày càng xấu đi khi cả hai liên tục đụng độ trong nhiều vấn đề, bao gồm thương mại, nhân quyền, yêu sách của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp, tình hình Đài Loan và gần đây là cách xử lý đại dịch COVID-19 cùng thông tin Hong Kong chuẩn bị ban hành dự luật an ninh quốc gia mới. Bất chấp khẳng định của đại lục về việc dự luật này không giảm mức độ độc lập, tự chủ của Hong Kong, gần 200 chính trị gia từ Anh, châu Âu, Úc, Bắc Mỹ và châu Á trong tuyên bố chung đã đồng loạt lên án quyết định của Bắc Kinh.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đề xuất của Trung Quốc là một “thảm họa” và buộc Washington xem xét lại quy chế thương mại đặc biệt với Hong Kong. Trong động thái gia tăng áp lực, Cố vấn an ninh quốc gia O’Brien cho biết Chính phủ Mỹ có thể áp đặt trừng phạt nếu Trung Quốc thực thi dự luật an ninh mới gây tranh cãi. Diễn biến này có thể khiến Hong Kong mất đi vị thế trung tâm tài chính lớn toàn cầu. Đáp lại, ông Vương Nghị khẳng định Hong Kong là vấn đề nội bộ và các nước cần duy trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Ngoài Hong Kong, Mỹ gần đây còn gây áp lực lên Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan khi Ngoại trưởng Pompeo trong động thái chưa có tiền lệ đã gởi lời chúc mừng tới lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khi bà nhậm chức nhiệm kỳ hai. Trước đó, ông Pompeo từng nhiều lần vận động cho sự hiện diện của Đài Loan tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hôm 20-5, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã phê duyệt bán 18 ngư lôi tiên tiến cho hòn đảo này nhằm củng cố năng lực trước sự gia tăng của hải quân Trung Quốc. Trước những hành động phản ánh mối quan hệ nâng cấp giữa Washington và Đài Bắc, Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo Mỹ chớ nên thách thức “giới hạn đỏ” của Bắc Kinh; đồng thời tái khẳng định sự thống nhất giữa hai bên eo biển là xu hướng tất yếu, không ai và không lực lượng nào có thể ngăn chặn.
MAI QUYÊN (Theo Guardian, Reuters)