24/11/2014 - 20:57

“Ươm mầm” doanh nghiệp công nghệ

Các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp (ƯTDN) hay vườn ươm doanh nghiệp (DN) xuất hiện ngày càng nhiều tại các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Phát triển các kết quả nghiên cứu khoa học, ý tưởng khoa học-công nghệ (KHCN) thành sản phẩm được thương mại hóa, hỗ trợ thành lập các DN có khả năng hoạt động độc lập trên thương trường là mục tiêu hướng đến của các trung tâm ƯTDN này. Mới đây, Trung tâm ƯTDN Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) tổ chức hội thảo "Đi tìm thành công cho sản phẩm ươm tạo KHCN" nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động ươm tạo DN công nghệ, tăng cường mối liên kết phát triển sản phẩm KHCN giữa các viện, trường, các địa phương, DN ở ĐBSCL.

* Thương mại hóa ý tưởng, đề tài KHCN

Tháng 10-2014, Trung tâm ƯTDN Công nghệ trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ được thành lập nhằm cung cấp dịch vụ và cơ sở vật chất cần thiết để hỗ trợ cho việc khởi nghiệp của DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ từ giai đoạn hình thành ý tưởng tới phát triển sản phẩm, thành lập DN và hoạt động độc lập trên thương trường. Tiến sĩ Lê Nguyễn Đoan Khôi, Giám đốc Trung tâm ƯTDN Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: "Trung tâm tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu ươm tạo như nông nghiệp và thủy sản, chế biến và bảo quản nông sản thực phẩm, công nghệ sinh học, sản phẩm xử lý và bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh. Hoạt động ươm tạo nhằm thương mại hóa sản phẩm thông qua các hoạt động nối kết thị trường và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Đối tượng nhắm đến là những DN quyết tâm đổi mới, sáng tạo sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh hay những sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu, doanh nhân quyết tâm khởi nghiệp từ đổi mới sáng tạo".

Trước Trung tâm ƯTDN công nghệ Trường Đại học Cần Thơ, tại TP Hồ Chí Minh đã có Trung tâm ƯTDN Công nghệ Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Trung tâm ƯTDN Nông nghiệp công nghệ cao thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Hay TP Cần Thơ cũng đang xây dựng Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (KVIP) từ nguồn ODA tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc cho Việt Nam. Theo Tiến sĩ Lê Hải An, Giám đốc Trung tâm ƯTDN Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, nhìn chung, các Trung tâm ƯTDN đều có mục tiêu và chiến lược hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tế của DN và nhu cầu thị trường Việt Nam. Các Trung tâm ươm tạo bước đầu thu hút sự quan tâm của giới sinh viên và giảng viên, tận dụng các nguồn lực để nuôi dưỡng DN khởi nghiệp phù hợp với xu thế phát triển kinh tế của đất nước và trong quá trình hội nhập.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ trao chìa khóa vào Trung tâm ƯTDN Công nghệ cho 3 DN lĩnh vực chế biến thực phẩm tại ĐBSCL.

Trung tâm Ươm tạo DN Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ ra đời với chức năng chính là tuyển chọn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có kết quả nghiên cứu khoa học-công nghệ, ý tưởng khoa học công nghệ phát triển thành DN công nghệ. Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, các sản phẩm KHCN nghiên cứu có khả năng thương mại hóa cao của Đại học Cần Thơ thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm, chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, thiết bị trường học, văn phòng... Vì thế Trung tâm ƯTDN Công nghệ của Trường tham gia vào mạng lưới vườn ươm quốc gia với mong muốn làm thế nào để chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu mang tính khả thi ra bên ngoài, thương mại hóa các đề tài nghiên cứu khoa học trên cơ sở hợp tác với các DN, các địa phương.

* Cần có chính sách đặc thù

Theo kinh nghiệm từ một số trung tâm ƯTDN, quá trình ƯTDN thường gặp không ít khó khăn khi khung pháp lý đối với các trung tâm ƯTDN nhìn chung vẫn còn sơ khai, phạm vi điều chỉnh hẹp và chậm được ban hành. Các cơ chế khuyến khích cụ thể cho việc thành lập, vận hành trung tâm ƯTDN chưa nhiều. Nguồn vốn đầu tư cải tiến, phát triển sản phẩm của DN còn hạn chế. Ngoài ra, tỷ lệ DN được ươm tạo thành công không phải lúc nào cũng đạt như kỳ vọng. Tiến sĩ Lê Hải An, Giám đốc Trung tâm ƯTDN Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Trong quá trình hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận 24 DN đăng ký vào ươm tạo. Qua thời gian sàng lọc, đến nay còn 12 DN tiếp tục tham gia ươm tạo. Tuy nhiên, số DN có khả năng tốt nghiệp ra ngoài hoạt động độc lập có thể sẽ còn thấp hơn. Vì thế, việc xác định đúng và rõ đối tượng tham gia ươm tạo và huy động được các nguồn lực đầu tư thích đáng sẽ quyết định thành công bước đầu cho các hoạt động ƯTDN".

Song song với sự ra đời của Trung tâm ƯTDN Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ, TP Cần Thơ cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng và các cơ chế chính sách cho KVIP. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: "Khác với Trung tâm ƯTDN Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ, KVIP chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chế biến gạo, thủy sản và cơ khí chế tạo. Đối tượng hướng đến của KVIP là các DN Cần Thơ, ĐBSCL và DN nước ngoài, đặc biệt là DN đến từ Hàn Quốc. Hiện TP Cần Thơ đang xin các cơ chế chính sách hỗ trợ từ Trung ương cho các hoạt động của Vườm ươm và DN được tham gia ươm tạo tại đây. Vì thế, chúng tôi rất mong học hỏi kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ đóng góp ý kiến từ các mô hình ƯTDN khác trong việc xây dựng hệ thống cơ chế chính sách đặc thù cho KVIP". Theo ông Nguyễn Minh Toại, để các trung tâm ƯTDN nói chung và KVIP nói riêng đi vào vận hành hiệu quả, đòi hỏi có sự liên kết chặt chẽ giữa các viện, trường, các chuyên gia đầu ngành, trên các lĩnh vực tập trung ươm tạo. Có như thế DN mới có thể tiếp cận được những dịch vụ hiện đại, giúp hiện thực hóa, thương mại hóa các ý tưởng, đề tài nghiên cứu khoa học thành sản phẩm có khả năng chinh phục thị trường trong và ngoài nước.

Các chuyên gia cho rằng, để thương mại hóa sản phẩm KHCN, cần xây dựng mô hình đồng hành để tăng tính tương tác, trao đổi thông tin giữa DN và viện, trường. Thay vì làm ra sản phẩm rồi mới tìm đến DN để chuyển giao công nghệ, các viện, trường nên kết hợp giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong DN. Cụ thể DN bỏ vốn, viện, trường cử chuyên gia hoặc chia sẻ chi phí để cùng nghiên cứu và chia sẻ quyền sở hữu đối với giải pháp, sản phẩm công nghệ. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN, hiện nay có nhiều sản phẩm KHCN có tính ứng dụng cao được nghiên cứu nhưng không được giới thiệu đúng cách, đúng kênh nên đành phải "bỏ ngăn kéo". Vì thế, các viện, trường, Trung tâm ƯTDN cần chú trọng đến hoạt động marketing cho sản phẩm nghiên cứu. Trong khuôn khổ hợp tác với trung tâm ƯTDN Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ, BSA sẽ tập trung hỗ trợ Trung tâm tổ chức triển lãm sản phẩm nghiên cứu để giới thiệu đến DN và giới truyền thông. Đồng thời, tăng cường thông tin 2 chiều giữa DN và các nhà khoa học để cập nhật các xu hướng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh cũng như giới thiệu năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học đến DN có nhu cầu nghiên cứu cải tiến chất lượng sản phẩm hoặc sáng tạo ra sản phẩm mới phù hợp nhu cầu thị trường.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết