27/11/2023 - 06:28

“Tôi về nhà bên cha và má, thấy lòng bình yên...” 

Ca sĩ Đen Vâu có mấy câu hát rất hay như vầy: “Hạnh phúc đi về nhà. Cô đơn đi về nhà. Thành công đi về nhà. Thất bại đi về nhà...”. Còn với tác giả Nguyễn Văn Hòa, anh nhìn thấy bình yên từ phía quê nhà.

Sách “Bình yên từ phía quê nhà”.

“Bình yên từ phía quê nhà” là tập tản văn của tác giả Nguyễn Văn Hòa, do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Đọc sách, chúng tôi liên tưởng đến bài hát “Đi về nhà” đầy thú vị của Đen Vâu. Chỉ có điều, nếu như chàng rapper kể chuyện về nhà bằng những câu hát đầy sôi động thì Nguyễn Văn Hòa lại kể bằng giọng văn đằm sâu.

Nguyễn Văn Hòa là giáo viên dạy Văn ở tỉnh Phú Yên, được biết đến là nhà phê bình văn học tận tâm. Nhiều ấn phẩm phê bình văn học đã ra mắt của anh tạo được sức hút. Trong quyển sách này, không phải những lý luận văn học nền tảng, anh mải mê viết những lời văn mộc mạc cho mình, cho quê hương mình và cho cha mẹ, cho các bạn văn...

Những tản văn trong tập sách nhỏ không dài, nhưng người đọc có lẽ phải dùng hồi ức qua dặm dài năm tháng mà tưởng tượng, cảm nghiệm. Nguyễn Văn Hòa viết về ngôi nhà gỗ và những ban mai bình yên, về mái tranh xưa và khoảng trời thơ ấu, về hồi ức bên hiên nhà... Những ký ức đã thành nỗi nhớ của anh cứ man mác trong lòng người đọc. Thương sao những trang văn viết về mùa bông vạn thọ ngày Tết, loài hoa mà tác giả gọi đó là “hoa của đoàn viên”, rồi còn có hương vị nồi cháo nhái, nổ cốm, bánh in...

Không nhiều những câu văn bóng bẩy, cũng không lắm những thủ pháp văn chương, Nguyễn Văn Hòa viết “Bình yên từ phía quê nhà” bằng lòng chân chất, bằng lời thủ thỉ. Đọc xong, có người thốt lên: “Thấy thương quá trời!”. Anh tâm sự: “Với tôi, ngôi nhà chính là nơi gắn kết tất cả những yêu thương. Dù trong cuộc sống áo cơm đầy những buồn vui được mất nhưng lúc trở về, bước qua bậc cửa thân quen, lại thấy lòng mình bình yên đến lạ” (“Ngôi nhà gỗ và những ban mai bình yên”). Trải qua những thăng trầm, ở tuổi ngoài 40, anh chiêm nghiệm: “Dẫu sau này có đi đâu về đâu, tha hương lập nghiệp tận phương trời nào vẫn không quên được những chắt chiu, vun vén của cha và má, không quên mái nhà thơ ấu và mảnh đất chôn nhau cắt rốn thuở nào!” (“Mái tranh xưa và khoảng trời thơ ấu”).

Người viết biết tác giả Nguyễn Văn Hòa qua những lần anh vào Cần Thơ giao lưu văn chương và qua các tác phẩm phê bình văn học của anh. Lần nọ người viết có dịp ra TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, hay tin, anh đã bắt xe từ nhà ra để gặp mặt, dù khoảng cách phải đến 50-60km. Tính anh hiền lành và mến khách, anh xởi lởi kể về quê hương của anh, về ngôi nhà gỗ với những món đồ cổ xưa mà anh sưu tầm được. Kể ra đây để thấy rằng, sự chân tình của anh cũng như những câu văn anh viết vậy, dễ tạo sự đồng cảm với người đọc.   

Gấp sách lại, những câu văn của Nguyễn Văn Hòa cứ như réo gọi người đọc “Về nhà hong nắng vàng ươm sân vườn”: “Tôi về nhà bên cha và má, thấy lòng bình yên như mặt nước giếng khơi mát rượi, thấp thoáng mùa xuân trong nắng Chạp ươm vàng!”.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết