TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Cuộc chiến giữa các lực lượng trung thành với hai vị tướng Abdel Fattah al-Burhan, tư lệnh quân đội và Mohamed Hamdan Dagalo, người đứng đầu nhóm bán vũ trang RSF, đang đẩy Sudan đến bờ vực sụp đổ và nguy cơ trở thành “thùng thuốc súng” lan ra khu vực.
Ông Burhan (trái) và ông Dagalo. Ảnh: AFP
Từ bạn thành thù
Từng một thời sát cánh bên nhau, giờ đây hai người đàn ông này lại đối đầu trong một cuộc chiến có thể kéo Sudan đến bờ vực nội chiến. Trong khi Tướng Burhan được coi là người giữ vai trò nguyên thủ quốc gia, còn Tướng Dagalo (được biết đến là Hemedti) là cấp phó.
RSF được cựu lãnh đạo độc tài Omar al-Bashir lập ra để dập tắt cuộc nổi dậy ở vùng Darfur bắt đầu từ hơn 20 năm trước, bởi chính quyền trung ương Sudan gạt người dân địa phương ra bên lề chính trị và kinh tế. RSF còn được biết đến với cái tên Janjaweed, vốn gắn liền với những hành động tàn bạo. Năm 2013, ông Bashir đã biến Janjaweed thành một lực lượng bán quân sự và phong quân hàm cho các thủ lĩnh lực lượng này trước khi họ được triển khai để dẹp tan một cuộc nổi dậy ở Nam Darfur. Năm 2019, Tướng Burhan hợp tác với ông Dagalo để lật đổ chính quyền Bashir và sau đó tiếp tục thực hiện một cuộc đảo chính quân sự năm 2021, đưa ông Burhan lên nắm quyền. Tuy nhiên, cuộc chính biến này lại phải đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình, sự cô lập mới và những khó khăn về kinh tế ngày càng sâu sắc.
Trong khi đó, do sở hữu khối tài sản khổng lồ nhờ xuất khẩu vàng từ các mỏ khai thác bất hợp pháp và chỉ huy hàng chục ngàn chiến binh thiện chiến, Tướng Dagalo từ lâu đã tỏ ra khó chịu khi là cấp phó của ông Burhan. Thế nên, cuộc xung đột từ ngày 15-4 diễn ra trong bối cảnh hai vị tướng này đang cố gắng đàm phán để thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Theo kế hoạch được quốc tế hậu thuẫn, cả quân đội Sudan và RSF đều được yêu cầu từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, 2 vấn đề gây tranh cãi, gồm thời điểm hợp nhất RSF vào các lực lượng vũ trang chính quy và mốc thời gian quân đội chính thức được đặt dưới sự giám sát của chính phủ dân sự, đã khiến việc ký kết thỏa thuận bị trì hoãn.
Hãng tin Reuters cho hay Tướng Burhan hôm 17-4 đã coi RSF là một nhóm phiến quân và ra lệnh giải tán lực lượng này. Trong khi đó, Tướng Dagalo gọi ông Burhan là "một phần tử Hồi giáo cực đoan đang ném bom dân thường từ trên không". Dù quân đội Sudan có nguồn lực vượt trội, bao gồm cả sức mạnh không quân, nhưng RSF đã mở rộng thành lực lượng khoảng 100.000 người triển khai khắp thủ đô Khartoum và các thành phố lân cận. Ðiều này khiến không phe nào có lợi thế giành chiến thắng nhanh chóng, dẫn đến nguy cơ xung đột kéo dài tại một đất nước vốn đang có tình hình kinh tế và nhân đạo
bấp bênh.
Các "hàng xóm" đứng ngồi không yên
Cuộc xung đột tại Sudan đang làm "náo động" các nước láng giềng và khiến Mỹ cũng như nhiều nước khác lo lắng về nguồn nước chung của sông Nile, số phận các đường ống dẫn dầu cho đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới đang hình thành. Giới phân tích cho rằng xung đột leo thang ở Sudan có khả năng lan ra khỏi khu vực và phần còn lại của thế giới. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 24-4 cảnh báo một "cuộc xung đột thảm khốc" có thể thiêu rụi khu vực có nguy cơ nổ ra nếu không sớm tìm ra giải pháp.
Bản đồ Sudan và các nước láng giềng.
Sudan là quốc gia lớn thứ ba của châu Phi và nằm trên dòng sông Nile. Tuy nhiên, quốc gia này không hề dễ dàng trong việc chia sẻ dòng sông với các đối thủ "nặng ký" trong khu vực, gồm Ai Cập và Ethiopia. Trong khi Ai Cập dựa vào sông Nile để nuôi hơn 100 triệu người dân nước này thì Ethiopia đang xây dựng một con đập khổng lồ ở thượng nguồn khiến cả Cairo và Khartoum "đứng ngồi không yên". Ai Cập có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Sudan, vốn được coi là đồng minh đối đầu với Ethiopia. Mặc dù Cairo đã liên hệ với cả 2 bên ở Sudan để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn nhưng rõ ràng quốc gia này sẽ không "ngồi yên" nếu quân đội Sudan đối mặt với thất bại.
Ngoài 2 nước trên, Sudan giáp với 5 quốc gia khác, gồm Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea và Nam Sudan. Gần như 5 nước này đều bị sa lầy trong các cuộc xung đột nội bộ, với các nhóm nổi dậy khác nhau hoạt động dọc theo biên giới. "Những gì đang diễn ra ở Sudan sẽ không chỉ có tác động trong Sudan. Chad và Nam Sudan có nguy cơ bị ảnh hưởng kéo theo ngay lập tức. Cuộc giao tranh càng kéo dài thì chúng ta càng có nhiều khả năng chứng kiến sự can thiệp lớn từ bên ngoài" - chuyên gia Alan Boswell thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế lo ngại.
Alex De Waal, chuyên gia về Sudan tại Ðại học Tufts, cho rằng cuộc xung đột hiện tại ở Sudan chỉ là "vòng đầu tiên của cuộc nội chiến". "Trừ khi nó nhanh chóng kết thúc nếu không cuộc xung đột sẽ trở thành một trò chơi đa cấp trong bối cảnh một số cường quốc khu vực và quốc tế vì theo đuổi lợi ích mà có thể sử dụng tiền, cung cấp vũ khí và có thể là quân đội hoặc lực lượng ủy nhiệm của chính họ" - ông Waal lo lắng. Theo ông Waal, chính số lượng lớn các bên có thể trở thành trung gian hòa giải, gồm Mỹ, LHQ, Liên minh châu Âu, Ai Cập, các quốc gia vùng Vịnh, Liên minh châu Phi và IGAD - tổ chức liên chính phủ về phát triển gồm 8 quốc gia Ðông Phi, có thể khiến bất kỳ nỗ lực hòa bình nào trở nên phức tạp hơn bản thân cuộc chiến, bởi "những bên hòa giải bên ngoài có thể biến cuộc giao tranh thành một vụ tắc đường mà không có cảnh sát".
Xung đột tại Sudan nổ ra trong bối cảnh các quốc gia vùng Vịnh Arab trong những năm gần đây đều hướng đến vùng Sừng châu Phi giữa lúc họ nỗ lực mở rộng sức ảnh hưởng trên toàn khu vực. Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một cường quốc quân sự đang lên đã mở rộng sự hiện diện của mình trên khắp Trung Ðông và Ðông Phi, có mối quan hệ chặt chẽ với RSF. Lực lượng bán quân sự này từng gửi hàng ngàn tay súng để hỗ trợ UAE và Saudi Arabia trong cuộc chiến chống lại lực lượng Houthi ở Yemen. Trong khi đó, Nga từ lâu đã ấp ủ kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân có khả năng chứa tới 300 binh sĩ và 4 tàu ở cảng Sudan trên tuyến đường thương mại quan trọng ở Biển Ðỏ để vận chuyển năng lượng đến châu Âu.
Nhìn từ vị trí địa chiến lược, Sudan đã chứng tỏ là một đối tác hấp dẫn đối với Mỹ và là một mô hình tiềm năng cho quá trình chuyển đổi chính trị ở châu Phi. Là một quốc gia có 46 triệu dân và nằm trên Biển Đỏ, Sudan đóng vai trò là huyết mạch cho hơn 700 tỉ USD thương mại toàn cầu xuyên đại dương. Vì thế, Mỹ đã đưa Sudan khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố sau khi chính phủ ở Khartoum đồng ý hàn gắn quan hệ với Israel
năm 2020.
Vòng xoáy nghèo khổ của Sudan
Sau khi Nam Sudan trở thành quốc gia độc lập vào năm 2011, Sudan đã mất đi 75% trữ lượng dầu mỏ và biến nước này từ quốc gia xuất khẩu thành nước nhập khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, dầu mỏ vẫn chiếm đến 95% tài khoản vãng lai của đất nước và là nguồn thu chính của chính phủ.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới (đứng thứ 170 trên 189 nước theo xếp hạng chỉ số phát triển con người của LHQ), Sudan chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài. Nhưng cuộc đảo chính năm 2021 đã khiến hàng tỉ USD cho vay và viện trợ của phương Tây bị đóng băng. Cùng với cuộc xung đột Nga - Ukraine, lạm phát có lúc lên đến 400% và nợ công chiếm 150% GDP, nền kinh tế Sudan đã rơi tự do.
Trước khi chiến sự nổ ra, gần 16 triệu người (bao gồm hơn 8,5 triệu trẻ em), tương đương 1/3 dân số của đất nước, cần viện trợ nhân đạo, trong đó có khoảng 11,7 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Theo ước tính của LHQ, có 7 triệu trẻ em Sudan không thể đến trường và 2,7 trẻ em bị suy dinh dưỡng. Và cuộc chiến đang đẩy quốc gia này đến bờ vực khủng hoảng nhân đạo tồi tệ hơn.
|