16/04/2023 - 09:20

“Thung lũng Ðồng Vang” đẹp hồn hậu, chân phương 

CÁT ĐẰNG

Truyện dài “Thung lũng Ðồng Vang” của nhà văn Trung Sỹ đoạt Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Tác phẩm là câu chuyện về một vùng đất đẹp đẽ, trong lành với hạnh phúc bình dị của những đứa trẻ hồn hậu, chân phương.

Thung lũng Ðồng Vang cùng những địa danh, nhân vật trong truyện do tác giả nghĩ ra, lấy cảm hứng từ chính những câu chuyện mà các em học trò kể cho ông nghe trong những lần đi công tác vùng cao. Thế nhưng, tác phẩm lại có sức hút kỳ lạ, khiến người đọc vừa thong thả đọc vừa hình dung ra những cảnh sắc, con người, hoạt động được miêu tả trong sách.

Ở thung lũng Ðồng Vang có người Tày và người Kinh cùng chung sống với những giá trị văn hóa độc đáo. Những phong tục, tập quán nơi đây được phác họa qua cuộc sống hằng ngày, qua những dịp hội hè, đám cưới hay phiên chợ vùng cao… Vùng đất yên bình này có ngôi trường cạnh bên dòng sông, ruộng bậc thang, núi đồi, thôn bản và thời tiết thay đổi theo từng mùa. Theo chân các nhân vật trong truyện, độc giả khám phá nhiều hoạt động thú vị như: tham quan Ðộng Pung trong giờ địa lý ngoại khóa, tìm hiểu về xóm rèn gõ búa ra mưa, thu hoạch đậu tương hay đi bắt cá, đi săn, chơi những trò chơi dân dã vô cùng vui và hấp dẫn… Thế giới tuổi thơ trong trẻo hồn nhiên được viết với ngôn ngữ đặc tả, chi tiết cùng với tranh minh họa đặc sắc của họa sĩ Hồ Quốc Cường đã tạo nên sức hút riêng cho tác phẩm.

Ðặc biệt, nơi đó, có những học trò: Thụy, Thảo, Dực, Linh, Trương, Loan… mỗi em một tính cách, một hoàn cảnh nhưng rất hồn nhiên, tốt bụng, pha một chút lém lỉnh. Chúng có thể cãi nhau trong lớp hay lúc tranh luận một vấn đề, nhưng khi có chuyện xảy ra thì rất đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng để vừa giúp nhau, vừa đối phó với kẻ xấu. Nhiều “phi vụ” lớn nhỏ, hài hước của những cô cậu học trò khiến người đọc thích thú như: vạch trần trò lừa đảo của cô đồng Dụ, canh đuổi bọn rốc (một loài dơi ăn quả) phá vườn nhãn lồng, phục kích nhóm chuyên xiệc điện trộm cá... Nơi đây còn có những thầy cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết như thầy Thức, cô Vi từ Hà Nội tình nguyện lên vùng cao dạy học. Những học trò tuổi mới lớn và thầy cô giáo trẻ đã khiến cho lớp học ở ngôi trường phố núi đầy tiếng cười và sự thú vị. Bên cạnh đó, những bậc phụ huynh, như ông Kiền - ông nội của hai anh em Thụy và Thảo, với những câu chuyện thời chiến tranh, kỷ niệm nơi chiến trường và những kinh nghiệm quý báu đã khai mở cho lớp trẻ những kiến thức hay, bổ ích.

Lồng trong khung cảnh yên bình, thơ mộng ấy, vẫn có những câu chuyện của nhịp sống hiện đại khi có những đứa trẻ muốn trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội bằng cách thực hiện những clip triệu view hay những vấn đề thời sự nhiều người quan tâm… Có thể nói, “Thung lũng Ðồng Vang” vừa là một thế giới riêng đẹp hồn hậu, chân phương từ cảnh vật đến con người, vừa không tách biệt với xã hội. Tác phẩm cô đọng lại những gì tinh túy, đẹp đẽ để kết nối trẻ em và cả người lớn vào một “thung lũng văn chương”, tiếp thu cái hay, cái đẹp, nuôi dưỡng tâm hồn với cái đẹp trong văn học và cả trong cuộc sống đời thường.

Chia sẻ bài viết