11/08/2020 - 10:54

“Tấm ván phóng dao” - Lênh đênh những kiếp người 

“Tấm ván phóng dao”, tiểu thuyết của nhà văn - diễn viên Mạc Can, vừa được NXB Trẻ tái bản. Tác phẩm viết về những phận người chìm nổi trong một gánh xiếc rong những năm 1950 ở Nam Bộ, đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn năm 2002-2004, Giải thưởng văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh năm 2003-2004, giải thưởng Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam năm 2005.

Truyện kể về một gia đình Nam Bộ sống bằng nghề xiếc rong trên một chiếc ghe đi khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Màn biểu diễn hấp dẫn và được chờ đón nhất của gánh xiếc là phóng dao do con trai lớn của ông chủ gánh xiếc thực hiện. Con trai thứ (ở Nam Bộ được gọi thứ Ba) đứng sau giữ tấm ván, còn cô con gái út đứng làm bia cho anh trai phóng dao. Sau nhiều năm, gánh xiếc thu hút thêm nhiều nghệ sĩ về hợp tác, trở thành một đoàn xiếc lớn có tiếng. Ba anh em biểu diễn phóng dao đã là những thanh niên biết yêu, biết rung động với những tình cảm đầu đời. Tuy nhiên, một biến cố ập đến khiến gánh xiếc tan rã, những phận người đênh đênh lại tiếp tục sống mong manh giữa dòng đời…

Câu chuyện được tái hiện qua giọng kể và hồi ức của anh Ba - còn được gọi là “người cõi trên”. Trong anh luôn hằn sâu nỗi khổ, không phải vì nghèo đói mà vì trái tim luôn thổn thức trước những nỗi đau của cuộc đời. Bởi đằng sau sự trầm trồ và những tràng pháo tay của khán giả là những nỗi niềm day dứt, là sự đánh đổi cả tính mạng để mưu sinh của những người làm xiếc. Với giọng kể trầm buồn, đầy cảm xúc, cùng những lắng đọng suy tư, nhân vật đưa người đọc trở về một giai đoạn lịch sử, phiêu bạt khắp nơi cùng những con người sống nghề “Sơn Ðông mãi võ” một thời.

Ðiều khiến người đọc rưng rưng là những giấc mơ vô cùng bình dị của anh Ba: được sống cuộc đời như những đứa trẻ khác, được đi học và có bạn bè. Ðồng thời, xót xa trước những câu hỏi, những tâm sự của nhân vật. Suốt cuộc đời thơ bé đến lúc trưởng thành, anh Ba gắn liền với tấm ván. Nó là bạn, là chiếc giường ngủ, nó còn là món nợ đời, là nỗi ám ảnh triền miên trong anh. Anh sợ nhất là khi hàng đêm phải đứng sau nó vịn cho anh trai phóng những lưỡi dao sáng loáng về phía đứa em gái tội nghiệp. Thương em gái, nhiều lần anh muốn khuyên cha bỏ nghề nhưng không được khi “Chỗ của em tôi quan trọng cho sự sống còn của nhiều cái bao tử, hoàn toàn vì mục đích kiếm tiền, không có gì thay đổi cho được”. Nhân vật nhận ra rằng “Sự vô tâm bàng quan ẩn náu trong từng con người như một con vi trùng, hay con rắn nằm êm dưới lớp lá mục” và đôi khi sự vô tâm ấy có thể thỏa hiệp với cái xấu, cái ác để dẫn con người yếu thế đến bi kịch. Và đúng vậy, bi kịch tang thương cuối cùng cũng xảy ra như dự cảm của anh Ba.

Gấp lại cuốn sách, những phận người nhỏ bé của một gánh xiếc rong khiến người đọc khó có thể quên, nhưng trên hết tình anh em và những nỗ lực sống tốt chính là sợi dây bền chặt giúp họ neo lại và trụ được giữa dòng đời. Bên cạnh nội dung, tác phẩm còn là một bức tranh sống động về bối cảnh và những nét sinh hoạt, đời sống văn hóa của người Nam Bộ một thời đã qua.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết