28/09/2013 - 08:35

“Siết chặt” công tác tiêm chủng

Trước những sự cố trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) trong thời gian qua và việc chuẩn bị tiêm trở lại vắc-xin Quinvaxem vào tháng 10 tới, ngày 27-9-2013, Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị. Ở điểm cầu TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hùng Dũng cùng đại diện Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và 9 quận, huyện, các bệnh viện đa khoa, bệnh viện tư nhân… đã tham dự.

* Thanh tra, kiểm tra toàn diện công tác TCMR

Khám và tư vấn tiêm chủng trước khi tiêm cho trẻ tại trạm y tế phường An Cư. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua công tác tiêm chủng của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhờ tiêm chủng, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, giảm tỷ lệ mắc các bệnh được tiêm chủng hàng trăm lần. Việt Nam cũng sản xuất được 11 loại vắc-xin. Trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm phòng miễn phí. Bên cạnh những thành tựu đó, thời gian qua đã xảy ra một vài tai biến nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân. Theo Bộ trưởng, có 3 yếu tố đảm bảo an toàn tiêm chủng (ATTC) là: vắc xin; cán bộ tiêm chủng và quá trình tiêm chủng; cơ địa của trẻ em. Về vắc-xin, một số loại do Việt Nam sản xuất trong nước, một số do tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Vắc-xin sử dụng kiểm nghiệm đều an toàn, tỷ lệ tai biến trong mức cho phép. Tuy nhiên, dù vắc-xin do các nước phát triển sản xuất và sử dụng vẫn có tỷ lệ tai biến nhất định. Tai biến còn do cán bộ không thực hiện nghiêm qui trình tiêm chủng. Trong ba yếu tố, yếu tố cơ địa của trẻ em là khó nhất. Trẻ em còn nhỏ, rất dễ xảy ra sốc phản vệ do vắc-xin hoặc do cơ địa trẻ. Có những em quá mẫn cảm, tiêm không phải vắc-xin, mà chỉ tiêm thuốc thông thường cũng có sự cố, tai biến này ngoài tầm kiểm soát của y học. Ngoài ra, trung bình 1 ngày cả nước có 30 trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ sơ sinh tử vong không rõ nguyên nhân, đến nay y học không tìm được nguyên nhân. Vì thế, không loại trừ tử vong ở trẻ sau khi tiêm chủng ngẫu nhiên lại trùng khớp với tử vong này. Sau sự cố tiêm chủng, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch tăng cường ATTC, thanh tra, kiểm tra toàn diện công tác TCMR ở 63 tỉnh, thành phố… Sắp tới, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định riêng về tiêm chủng, tăng cường tính pháp lý cho chương trình TCMR.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra ở các tỉnh, thành, chỉ riêng tuyến trung ương đã có 33 đoàn kiểm tra đến kiểm tra tại 54 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra đi kiểm tra các điểm TCMR. Tổng số 6.655 điểm tiêm chủng đã được thanh tra, kiểm tra, chiếm 40% các điểm tiêm chủng trong cả nước. Trong đó, các điểm tiêm chủng đủ điều kiện theo quy định đạt cao nhất là khu vực miền Bắc 89%, thấp nhất là khu vực miền Trung và Tây Nguyên chỉ có 53%. Ở Ninh Bình, Sở Y tế tỉnh đã kiên quyết tạm ngừng hoạt động 4 điểm tiêm chủng chưa đủ điều kiện để khắc phục. Qua kiểm tra, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu lên những tồn tại trong TCMR như bố trí điểm tiêm chủng chưa hợp lý, có những cán bộ đã tập huấn trên 3 năm nhưng chưa được tập huấn lại, một số tỉnh tổ chức tiêm tập trung vào ngày 25 hàng tháng, do đó số lượng trẻ tiêm quá đông, cán bộ y tế không khám sàng lọc kỹ cho trẻ và tư vấn cho bà mẹ… Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Sắp tới, Bộ và các tỉnh, thành tiếp tục thanh tra, kiểm tra các điểm TCMR, đảm bảo 100% điểm tiêm chủng đều được kiểm tra. Đối với các điểm tiêm chủng chưa đủ điều kiện thì UBND tỉnh hỗ trợ nguồn lực, còn Sở Y tế có trách nhiệm đôn đốc các cơ sở này khắc phục hạn chế. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành tổng kiểm tra, rà soát công tác TCMR, không để sự cố TCMR xảy ra. Sau đợt thanh tra, kiểm tra, tiến hành xếp loại. Nơi nào đạt, có khen thưởng; nơi nào không đạt, nêu đích danh, thậm chí kỷ luật các cá nhân buông lỏng công tác quản lý.

* "Siết" qui trình tiêm chủng

Bộ Y tế cũng tăng cường kiểm định chất lượng của vắc-xin. Theo Bộ Y tế, hiện nay ngành y tế đã tiếp nhận 1,5 triệu liều vắc-xin Quinvaxem đã được kiểm định, riêng 1,5 triệu liều mới nhận ngày 18-9-2013 đang tiến hành kiểm định. Vắc-xin Quinvaxem đang được bảo quản tại các tuyến sẽ tiến hành kiểm định trước khi sử dụng lại. Trong quá trình tiêm chủng, Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế tiếp tục tiến hành lấy mẫu kiểm định ngẫu nhiên.

Sau sự cố 3 trẻ tử vong ở tỉnh Quảng Trị sau tiêm vắc-xin viêm gan B, Bộ y tế đã đề nghị Bộ Công an kết hợp với Công an tỉnh Quảng Trị điều tra độc lập. Bộ Y tế cũng cử đoàn chuyên gia vào khảo sát. Qua kiểm tra, việc thực hiện qui trình tiêm chủng có vấn đề, vắc-xin bảo quản lẫn lộn với thuốc, tiêm cho trẻ sơ sinh cùng với người lớn…và đến nay, Bộ Công an chưa công bố kết quả điều tra. Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ Công an sớm công bố kết quả. Từ sự cố ở tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Ngành y tế "siết" chặt qui trình tiêm chủng. Qui trình tiêm chủng thế nào cho an toàn đã được Bộ ban hành rất đầy đủ, chi tiết, vấn đề là các nơi có thực hiện đúng qui trình đấy không? Tháng 10-2013, cả nước tiêm trở lại vắc-xin Quinvaxem. Số lượng trẻ được tiêm gấp 5 lần so với bình thường. Làm thế nào để tiêm chủng an toàn cho số lượng trẻ quá lớn? Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ: "Các trạm y tế phải có kế hoạch cụ thể cho từng ngày tiêm, danh sách và số đối tượng cần tiêm, mời trẻ đến tiêm cuốn chiếu theo từng ấp, khu vực và theo lịch hàng ngày. Ngoài ra, đoàn kiểm tra phải lưu ý hậu kiểm các điểm TCMR". GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng lưu ý các cơ sở y tế không được để thuốc và các sinh phẩm khác trong tủ lạnh bảo quản vắc-xin, không tiêm quá 50 trẻ/điểm tiêm, khám sàng lọc kỹ, tư vấn cho bà mẹ đầy đủ. Đặc biệt, cán bộ y tế chỉ tiêm chủng khi đã tư vấn đầy đủ và được sự đồng ý của gia đình trẻ. Một đại biểu của Sở Y tế tỉnh Cà Mau nhận định: "Tai biến tiêm chủng thời gian gần đây tập trung ở trẻ sau sinh tại bệnh viện (BV). Vì thế, ngành y tế cần củng cố các điểm tiêm tại BV đa khoa huyện, tỉnh và các trạm y tế có sản phụ sinh tại trạm. Những nơi này phải có phòng tiêm riêng, tủ bảo quản vắc-xin riêng biệt, có phương tiện cấp cứu… nếu tiêm ở phòng bệnh, khi có sự cố xảy ra thì không cấp cứu kịp. Tôi đề nghị BV phối hợp Trung tâm y tế dự phòng củng cố, kiểm tra khoa sơ sinh, khoa sản có tiêm cho trẻ sơ sinh và trạm y tế có sản phụ sinh". Đồng tình với phát biểu này, Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: "Hiện nay, TCMR yếu nhất là khoa sản, khoa sơ sinh ở các BV, Sở Y tế các tỉnh, thành giao giám đốc BV, trưởng khoa sản, trưởng khoa sơ sinh chịu trách nhiệm tổ chức điểm tiêm chủng đảm bảo đúng qui trình".

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận được sự đồng tình nhiều đại biểu: "Qua 28 năm thực hiện TCMR, theo tôi quan trọng nhất là tăng cường thanh tra, kiểm tra tất cả các điểm tiêm chủng trong các buổi tiêm. Nếu có tai biến, xử lý nhanh các tai biến ngay khi xảy ra. Chẳng hạn như tỉnh Bình Định có 4 ca xảy ra tai biến nhưng cấp cứu kịp thời nên không có tử vong. Nếu chúng ta làm tốt hai khâu này thì các bà mẹ yên tâm đưa con đến tiêm".

Tại hội nghị, Sở Y tế nhiều tỉnh, thành đề nghị Bộ Y tế trang bị tủ chuyên dụng bảo quản vắc-xin, nhiệt kế, phích lạnh…Về đề nghị mua sắm trang thiết bị, Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội nêu dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Địa phương lấy nguồn này để đầu tư trang thiết bị cho TCMR. Sắp tới, các tổ chức quốc tế không không còn tài trợ vắc-xin, Việt Nam tự lực bằng sản xuất vắc-xin trong nước. Bộ Y tế đang xây dựng đề án tăng cường sản xuất vắc-xin trong nước.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết