06/03/2015 - 21:14

Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi

“Quyền sở hữu và các vật quyền khác” trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi

* ThS. Tăng Thanh Phương-
Khoa Luật, Đại học Cần Thơ

Trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi chế định "Tài sản và quyền sở hữu" quy định ở Phần thứ hai của Bộ luật Dân sự năm 2005 (từ Điều 163 đến Điều 279) đã được đổi tên thành chế định "Quyền sở hữu và các vật quyền khác" (từ Điều 181 đến Điều 303) với rất nhiều đổi mới về mặt nội dung. Những điểm mới được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống vật quyền đầy đủ ở Việt Nam qua việc thừa nhận sự tồn tại của nhiều loại vật quyền khác nhau bên cạnh quyền sở hữu, đưa các loại quyền tài sản trở về đúng bản chất của nó, phân định rõ hơn các hình thức sở hữu, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền tài sản của các chủ thể pháp luật.

Điểm đổi mới lớn nhất trong Dự thảo là việc sử dụng thuật ngữ "vật quyền" để chỉ các loại quyền mà chủ thể có thể trực tiếp tác động lên một vật xác định, quyền này có hiệu lực đối với tất cả mọi người và phải được mọi người tôn trọng. Bên cạnh vật quyền chủ yếu là quyền sở hữu, Dự thảo đã ghi nhận các vật quyền khác bao gồm quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên. Việc sử dụng khái niệm "vật quyền" nêu trên góp phần xác định và phân định rõ trên cùng một tài sản mà có nhiều chủ thể có quyền tác động trực tiếp thì chủ sở hữu và người không phải là chủ sở hữu có những quyền được pháp luật bảo hộ cũng như có những nghĩa vụ phải thực hiện đối với Nhà nước, cộng đồng và các chủ thể khác.

Đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu khai mạc Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ảnh: L.P

Bên cạnh xây dựng các khái niệm về vật quyền và sửa đổi, bổ sung một số quy phạm pháp luật mới để điều chỉnh, nhằm hoàn thiện hơn lý thuyết về vật quyền, phần thứ hai của Dự thảo về "Quyền sở hữu và các vật quyền khác" đã tách chế định Chiếm hữu (Chương XII) ra khỏi chế định Quyền sở hữu (Chương XIII). Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, chiếm hữu là một trong ba quyền năng của chủ sở hữu (Điều 164 BLDS). Theo cách hiểu này, người thực hiện việc chiếm hữu là chủ sở hữu hoặc là người được chủ sở hữu chuyển giao quyền chiếm hữu. Tuy vậy, ngay cả Bộ luật Dân sự năm 2005 vẫn thừa nhận quyền chiếm hữu của rất nhiều chủ thể không phải là chủ sở hữu và không được chủ sở hữu giao tài sản như quyền chiếm hữu của người phát hiện và giữ vật vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm, gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc, quyền chiếm hữu của người chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật... (Điều 187 đến Điều 189 BLDS). Nói cách khác, khi một người thực hiện việc kiểm soát vật chất một cách độc lập đối với một tài sản thì có nghĩa là họ đang chiếm hữu đối với tài sản đó dù họ là chủ sở hữu của tài sản đó hay không phải là chủ sở hữu của tài sản đó. Do đó, cần thừa nhận chiếm hữu không chỉ là một quyền năng của chủ sở hữu mà là một quyền thực tế đối với vật. Việc thừa nhận này lý giải tại sao hiện nay nhà làm luật cho rằng chiếm hữu là căn cứ để xác lập quyền sở hữu cho người chiếm hữu đối với vật trong nhiều trường hợp được luật quy định (Điều 239 đến Điều 244, Điều 247 BLDS). Việc thừa nhận chiếm hữu tách biệt với quyền sở hữu cũng giúp bảo vệ tốt hơn quyền của người chiếm hữu qua việc người chiếm hữu một tài sản luôn được suy đoán và đối xử như là chiếm hữu của chủ sở hữu, trừ trường hợp người này công khai thừa nhận tài sản mà mình chiếm hữu là thuộc quyền sở hữu của người khác; người chiếm hữu cũng được suy đoán là ngay tình, người nào có tranh chấp với người chiếm hữu thì phải chứng minh rằng người chiếm hữu không có quyền đối với tài sản tranh chấp. Sự suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu được luật thừa nhận sẽ góp phần tốt hơn trong việc tạo ra trật tự pháp lý để giải quyết các tranh chấp phát sinh về tài sản.

Ngoài việc xác nhận sự tồn tại của hệ thống vật quyền, phần nội dung về "Quyền sở hữu và các vật quyền khác" trong Dự thảo Bộ luật Dân sự mới còn có một sửa đổi rất quan trọng là xác định lại các hình thức sở hữu cho hợp lý hơn. Trong Bộ luật Dân sự 2005, nhà làm luật quy định có tất cả sáu hình thức sở hữu. Tuy nhiên, cách phân loại các hình thức sở hữu này vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa khi ghi nhận nhập nhằng giữa hình thức sở hữu của nhà đầu tư đối với phần vốn góp vào tổ chức kinh tế với hình thức sở hữu của chính pháp nhân là tổ chức kinh tế; thiếu vì căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ của chủ sở hữu lại chỉ ghi nhận hình thức sở hữu độc lập của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng lại không ghi nhận về hình thức sở hữu của chính pháp nhân là tổ chức kinh tế. Vì thế, trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, nhà làm luật đã áp dụng một tiêu chí khác để phân loại các hình thức sở hữu: căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu để phân chia hình thức sở hữu thành ba loại là sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng. Việc sửa đổi về các hình thức sở hữu trong Dự thảo sẽ giúp giải quyết được phần nào sự vừa thừa vừa thiếu về hình thức sở hữu trong Bộ luật Dân sự hiện nay và tạo cơ sở để hoàn thiện các quy định pháp luật về thẩm quyền quản lý của Nhà nước đối với các tài sản thuộc hình thức sở hữu khác nhau.

Nhìn chung, những sửa đổi, bổ sung về vật quyền, chiếm hữu và hình thức sở hữu trong Dự thảo Bộ luật dân sự mới là cần thiết để khắc phục được những mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện nay về tài sản và quyền sở hữu, bảo vệ tốt hơn quyền tài sản của các chủ thể, đảm bảo cho các tài sản được lưu thông. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản. Những sửa đổi, bổ sung này cũng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam, tạo điều kiện để Bộ luật Dân sự sắp ra đời có giá trị bền vững, lâu dài.

Chia sẻ bài viết