Những suất ăn, nước uống bán rong trên đường phố hoặc ở địa điểm công cộng..., gọi chung là thức ăn đường phố (TĂĐP), được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, TĂĐP lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), ảnh hưởng đến sức khỏe. Cần giải pháp để “quản” TĂĐP.
Đoàn Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm…kiểm tra TĂĐP tại quận Ninh Kiều.
Khó quản lý
Theo các chuyên gia, TĂĐP nhìn có vẻ ngon, tạo cho chúng ta cảm giác no, nhưng lại không có giá trị nhiều về mặt dinh dưỡng, ATTP.
Thực tế, TĂĐP rất hấp dẫn người tiêu dùng vì sự đa dạng, tiện lợi, nhanh chóng và giá cả phù hợp. Chị Sử Ngọc Nhi, khách hàng tại chợ đêm phường Tân An, quận Ninh Kiều cho biết: “Em thường mua đồ ăn chế biến sẵn ở đây vì nhanh, gọn và tiện lợi. Vấn đề ATTP, em có quan tâm nhưng bận quá nên mua đại”.
Ở nhiều điểm kinh doanh TĂĐP, thức ăn không được che chắn bụi bẩn, nắng, ruồi… Một số người chế biến có mang găng tay nhưng vừa bốc thức ăn, vừa lấy tiền khách trả. Nhiều quán cơm, vỉ nướng thịt đen kịt hoặc những chảo dầu chiên đi chiên lại; sử dụng phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép tẩm ướp, bảo quản thục phẩm…
Chưa kể, các quán ăn đường phố mặt bằng nhỏ, không đủ nước sạch để rửa, phải xách từng xô nước rửa chén, dĩa, muỗng. Nguy cơ bị bệnh đường tiêu hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh ung thư… từ thức ăn đường phố là rất lớn.
Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 5-12-2012 quy định điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và TĂĐP; Thông tư số 47/2014/TT-BYT ngày 11-12-2014 hướng dẫn quản lý ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Cụ thể hóa các văn bản trên, Sở Y tế TP Cần Thơ ban hành công văn số 1558/SYT-NVY ngày 5-6-2015 hướng dẫn quản lý ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo các văn bản trên, TĂĐP được giao trạm y tế quản lý. Cơ sở kinh doanh TĂĐP phải thực hiện việc khám sức khỏe, kiểm tra để được cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP theo qui định. Tuy nhiên, quá trình áp dụng thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn.
Tại quận Ninh Kiều, riêng 6 tháng đầu năm 2017, quận kiểm tra 656 lượt cơ sở TĂĐP, phát hiện 86 lượt cơ sở không đạt do người lao động chưa trang bị hoặc không thường xuyên mang bảo hộ lao động (găng tay), khám sức khỏe, xác nhận kiến thức còn thiếu hoặc hết hạn; chưa lưu giữ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu…
Theo bác sĩ Hoàng Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, các cơ sở kinh doanh TĂĐP đa số nhỏ lẻ, thường xuyên thay đổi chủ và thay đổi loại hình kinh doanh, nên ý thức chấp hành của một bộ phận đối tượng kinh doanh TĂĐP còn chưa cao. TĂĐP đa số được sơ chế, chế biến sẵn ở một địa điểm khác và vận chuyển đến điểm kinh doanh, do đó không thể kiểm soát quá trình sơ chế, chế biến ban đầu cũng như quá trình vận chuyển… Tâm lý một bộ phận người tiêu dùng còn chú trọng về mặt khẩu vị, sự tiện lợi, rẻ tiền, không gian thoải mái mà ít quan tâm đến khía cạnh đảm bảo ATTP.
Còn theo đại diện của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP quận Bình Thủy, địa điểm kinh doanh TĂĐP không cố định, thiếu cơ sở hạ tầng, nước sạch; nguyên liệu không có nguồn gốc, xuất xứ; không kiểm soát được sức khỏe của người trực tiếp chế biến… Từ thực trạng này, cần có giải pháp quản lý TĂĐP nhằm đảm bảo trật tự mua bán, sức khỏe cho người tiêu dùng.
Cần giải pháp đồng bộ
Tính đến tháng 6-2017, trên địa bàn TP Cần Thơ có 1.876 cơ sở kinh doanh TĂĐP được quản lý. Ngành y tế từ thành phố đến các trạm y tế cũng triển khai nhiều hoạt động từng bước quản lý, bảo đảm ATTP cho TĂĐP.
Tại quận Ninh Kiều có 935 cơ sở TĂĐP. Trong đó, quận đã kiểm tra và cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP, khám sức khỏe cho 305 người. Các đơn vị cũng tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP cho 833/935 cơ sở TĂĐP.
Trên địa bàn quận Ninh Kiều, có 2 tụ điểm kinh doanh TĂĐP tập trung tại phố hàng rong ở phường Tân An và chợ đêm phường Cái Khế, tổng cộng là 262 lô, tất cả đều hoạt động vào chiều tối. Việc tập trung các cơ sở kinh doanh TĂĐP vào một địa điểm nhất định đã tạo thuận lợi cho việc quản lý, thanh kiểm tra, hướng dẫn các quy định ATTP. Từ đó, chủ cơ sở kinh doanh cũng thực hiện các quy định ATTP nghiêm túc hơn.
Theo tiểu thương kinh doanh lô 40, Phố hàng rong phường Tân An cho biết: “Tôi kinh doanh ở đây được gần 4 năm. Các đoàn đến kiểm tra, hướng dẫn ATTP. Tôi, chồng và hai con đều khám sức khỏe, tập huấn và có giấy xác nhận kiến thức ATTP. Tôi bán đồ chiên, các món như tôm, gà… lấy tại cơ sở chế biến và có đầy đủ chứng từ”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Nghị định 178/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, điều 22: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm. Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, hỏng, ôi, thiu, thối… Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, hầu như chưa có xã, phường nào xử phạt do nể nang, quen biết, do thấy tiểu thương “buôn gánh bán bưng”, hoàn cảnh khó khăn nên không xử phạt”.
|
Theo đại diện Ban Quản lý chợ Chợ đêm Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, khó khăn của Ban Quản lý là thiếu kiến thức chuyên môn về ATTP. Do đó, rất cần ngành chức năng tập huấn, bổ sung thêm kiến thức cho đội ngũ này để kiểm tra, quản lý TĂĐP hiệu quả.
Còn đại diện Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều đề nghị cấp thêm các loại test, kit kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm; mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh, kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm cho tuyến cơ sở… Đồng thời nhân rộng mô hình quản lý TĂĐP tập trung, có tổ chức như Phố hàng rong Tân An.
Từ những đề xuất trên, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ mở lớp tập huấn và hỗ trợ test nhanh cho các ban quản lý chợ. Còn Giám đốc Sở Y tế, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP TP Cần Thơ đề nghị để tăng cường ATTP cho TĂĐP, cần triển khai đồng bộ giữa việc tuyên truyền cho tiểu thương và người tiêu dùng, tăng cường quản lý, thanh, kiểm tra và xây dựng mô hình điểm để triển khai nhân rộng.
Bài, ảnh: H.HOA