19/04/2021 - 09:14

Ðối phó đại dịch COVID-19 

Từng được coi là hình mẫu chống đại dịch COVID-19 hiệu quả, nhưng khi thế giới bước vào giai đoạn tiêm vaccine thì một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương rớt lại phía sau.

Ấn Ðộ đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu giường điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, New Zealand được ca ngợi vì kiềm chế thành công đại dịch COVID-19. Khi đó, các nước khác hối hả phong tỏa trong nhiều tháng và hệ thống bệnh viện bên bờ vực sụp đổ, xứ kiwi chỉ áp đặt lệnh phong tỏa trong 5 tuần trước khi trở lại trạng thái gần như bình thường. Tuy biên giới đóng cửa đối với người nước ngoài suốt hơn 1 năm, nhưng lễ hội âm nhạc và tiệc cưới trong nước vẫn diễn ra.

Ðiều tương tự cũng xảy ra ở những nơi khác của châu Á - Thái Bình Dương. Khi chấm điểm hơn 100 quốc gia về công tác đối phó COVID-19 hồi đầu năm nay, Viện Lowy (Úc) nhận thấy châu Á - Thái Bình Dương là khu vực thành công nhất trên thế giới trong việc kiềm chế đại dịch. Hai khu vực đạt điểm kém nhất là châu Âu và châu Mỹ, nơi giới lãnh đạo Anh và Mỹ được cho là thất bại ê chề trong công tác xử lý COVID-19.

Tuy nhiên, khi thế giới bước vào giai đoạn mới chống dịch, gió bắt đầu đổi chiều. Hiện Mỹ và Anh đang đi đầu về chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 đại trà, còn những nước châu Á - Thái Bình Dương từng ghi điểm nhờ ngăn chặn dịch hiệu quả lại đang tụt lại phía sau. Ðến nay, hơn 39% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 24% nhận đủ 2 liều. Kênh CNN ước tính nước này có thể đạt miễn dịch cộng đồng thông qua vaccine vào mùa hè sắp tới, tức cần 70-85% dân số được chủng ngừa. Trong khi đó, Anh - quốc gia đầu tiên tiến hành tiêm vaccine hồi tháng 12-2020 - cũng đã tiêm vaccine cho ít nhất 49% dân số nước này.

Trái lại, New Zealand, Thái Lan, Ðài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản (đều tương đối thành công trong ngăn chặn những ổ dịch lớn) mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ lại tiêm chưa tới 4% dân số của họ. New Zealand hiện đứng áp chót trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xét về số lượng vaccine được tiêm. Hàn Quốc là quốc gia cuối cùng trong OECD tiêm vaccine đại trà.

Hoàn cảnh mỗi nước khác nhau, nhưng các chuyên gia cho rằng nguyên nhân nằm ở vị trí của họ khi xếp hàng mua vaccine. Cụ thể, những nước châu Á - Thái Bình Dương đã không ký thỏa thuận với các nhà sản xuất vaccine sớm như các quốc gia khác. Lãnh đạo những nước này bảo vệ chiến dịch tiêm chủng chậm chạp với lập luận rằng muốn chờ xem hiệu quả vaccine tại các quốc gia khác. Gần đây, khi được hỏi lý do chiến dịch tiêm chủng toàn dân của New Zealand chậm trễ, Thủ tướng Jacinda Ardern nói rõ đất nước của bà chấp nhận không trở thành quốc gia đầu tiên sở hữu vaccine và điều đó không có gì là tệ. “Nếu COVID-19 hoành hành ở bất cứ nước nào, thì biến thể sẽ xuất hiện, đồng nghĩa nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine” Thủ tướng Ardern giải thích.

Ban đầu, các ổ dịch tại châu Âu và châu Mỹ vượt ngoài tầm kiểm soát. Tuyệt vọng trong xử lý những cuộc khủng hoảng này, một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 bắt đầu hướng nỗ lực sang vaccine. “Họ đánh cược có tính toán bằng tiền và Anh đã được đền đáp”, Robert Carnell tại Công ty dịch vụ tài chính ING nhận định. Khi Anh và Mỹ ký những thỏa thuận mua vaccine hồi tháng 7-2020, số người chết vì COVID-19 ở hai nước này lần lượt là hơn 41.000 và 140.000 ca. Nói như Giáo sư Bill Bowtell tại Ðại học New South Wales, các nước như Anh, Mỹ bị thôi thúc bởi sự cấp bách và cần phải hành động, còn những quốc gia châu Á - Thái Bình Dương không có sự khẩn trương tương tự.

Ấn Ðộ nhập vaccine

Gần đây, Ấn Ðộ cho biết sẽ đẩy nhanh phê duyệt khẩn cấp các vaccine mà phương Tây và Nhật Bản đã chấp thuận, mở đường cho kế hoạch nhập khẩu chế phẩm của các hãng dược Pfizer, Johnson & Johnson và Moderna (đều của Mỹ). Theo đó, các công ty sẽ được miễn yêu cầu thực hiện những thí nghiệm về sự an toàn của vaccine tại quốc gia Nam Á này.

Ấn Ðộ, nước sở hữu năng lực sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã bán và tặng tổng cộng hơn 64,6 triệu liều cho các đối tác trước khi nhu cầu trong nước tăng vọt, dẫn đến thiếu hụt chế phẩm ngừa SARS-CoV-2 tại một số bang. Một lý do khác của việc thiếu hụt này là New Delhi đã quá tin tưởng vào hai vaccine nội địa, trong khi không tăng tốc phê duyệt các vaccine nước ngoài.

Ấn Ðộ hiện sử dụng vaccine của Hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh/Thụy Ðiển) và vaccine nội địa Covaxin cho chương trình tiêm chủng toàn dân. Ðến nay, hơn 115 triệu người Ấn Ðộ đã được tiêm vaccine nhưng nó chỉ là một phần nhỏ trong số gần 1,4 tỉ dân nước này. Với tốc độ đó, giới phân tích dự đoán phải đến cuối năm 2023 Ấn Ðộ mới có thể tiêm ngừa được toàn bộ dân số. Nếu vậy, họ có thể trở thành một trong những quốc gia cuối cùng hoàn tất chương trình tiêm chủng toàn dân.

Số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 ở Ấn Ðộ cũng liên tục tăng lên mức cao mới trong bối cảnh nhiều tín đồ theo đạo Hindu tham dự lễ hội tôn giáo truyền thống bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt của chính quyền. Ðiều này khiến nhiều bệnh viện cạn kiệt giường bệnh và ôxy y tế.

Nhật đề nghị Pfizer cung cấp thêm vaccine

Tờ Nikkei dẫn lời các quan chức Nhật Bản cho biết, ngày 17-4, Thủ tướng nước này Suga Yoshihide đã đề nghị Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ cung cấp thêm vaccine ngừa COVID-19 cho Nhật Bản.

Thủ tướng Suga đưa ra yêu cầu trên trong cuộc điện đàm với Giám đốc điều hành (CEO) của Pfizer Albert Bourla trong ngày cuối cùng của chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Washington. Nhật Bản hiện đang phải ứng phó đợt bùng phát thứ tư của đại dịch COVID-19.

Từ ngày 12-4, Nhật Bản bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho 36 triệu người trên 65 tuổi. Đây là nhóm ưu tiên thứ hai sau nhân viên y tế. Sau người cao tuổi, Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho những người có bệnh lý nền và sau đó đến những người khỏe mạnh.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết