19/11/2022 - 09:30

Ðội ngũ nhà giáo tâm huyết, đáp ứng yêu cầu đổi mới
Bài 2: Vượt qua rào cản thiếu giáo viên 

Bích Kiên

Hiện tại, ngành Giáo dục TP Cần Thơ còn thiếu khoảng 300-400 giáo viên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do thực hiện lộ trình Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018, có thêm một số môn học, hoạt động và yêu cầu mới dẫn đến tình trạng không đủ giáo viên giảng dạy. Trong khi đó, trường đào tạo sư phạm cung cấp chưa đủ nguồn để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của ngành. Do đó, đội ngũ nhà giáo hiện nay đang nỗ lực vượt qua những rào cản trước mắt để đảm bảo chương trình cho học sinh.

Giáo viên Trường Tiểu học Bình Thủy rèn chữ cho học sinh lớp 1. Ảnh: B.NG

Nguyên nhân

Nguyên nhân tình trạng thiếu giáo viên hiện tại còn do chuẩn tỷ lệ giáo viên/học sinh, số học sinh/lớp cần đảm bảo; cơ chế tuyển dụng hoặc hợp đồng giáo viên phải đáp ứng Luật Giáo dục năm 2019… Theo ông Nguyễn Văn Sang, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ÐT) huyện Phong Ðiền, tình trạng thiếu giáo viên ở huyện diễn ra hằng năm. Quy trình tuyển dụng kéo dài, nên việc bổ sung giáo viên không kịp; nguồn giáo viên chờ tuyển dụng rất ít. Chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo còn bất cập. Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Thới Lai, bày tỏ: Không có nguồn tuyển và ngành không chủ động được việc tuyển dụng. Theo Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên phải đạt chuẩn đại học, nhưng trường sư phạm cung cấp không đủ. Ông Huỳnh Minh Thế, Phó trưởng Phòng GD&ÐT quận Bình Thủy, cho rằng: Trong các nguyên nhân thiếu giáo viên hoặc giáo viên bỏ việc hiện nay, còn liên quan đến mức lương thấp; chính sách đãi ngộ hạn chế, trong khi áp lực công việc, hồ sơ sổ sách, cuộc thi… đối với nhà giáo nhiều.

Thực tế ở quận Bình Thủy năm học 2021-2022 có 56 ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển vào ngành Giáo dục; trong đó có 28 ứng viên trúng tuyển. Nhưng khi ngành Giáo dục quận gởi thông báo, thì chỉ có 21 người nhận nhiệm vụ. Theo lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố, cùng với sự phát triển của TP Cần Thơ, toàn ngành tiếp tục có những bước phát triển. Thế nhưng, ngành Giáo dục vẫn đang đối mặt với những thách thức, mà lớn nhất là thành phố sẽ tăng dân số, kéo theo gia tăng số lượng học sinh, nhất là học sinh ở các quận trung tâm, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải tiếp tục mở rộng về số lượng lẫn chất lượng. Trong khi đó, nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên không nhiều, không đáp ứng yêu cầu; tình trạng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thôi việc, chuyển ngành nghề sẽ còn tiếp tục diễn ra.

Vượt khó

Một ngày làm việc của cô Phạm Thị Huyền, giáo viên Trường THCS Trường Long (huyện Phong Ðiền), thường diễn ra ở hai trường THCS Trường Long và THCS Nhơn Ái. Nhà cô Phạm Thị Huyền ở xã Trường Long, chạy xe đến Trường THCS Nhơn Ái tầm 20 phút. Cô Phạm Thị Huyền kể: “Buổi sáng, tôi dạy 5 tiết ở Trường THCS Nhơn Ái. Buổi chiều, tôi dạy ở Trường THCS Trường Long”. Là giáo viên biên chế chính thức của Trường THCS Trường Long, cô Huyền dạy môn Toán lớp 6 và lớp 8, nhưng do Trường THCS Nhơn Ái đang thiếu giáo viên, nên hợp đồng cô dạy môn Toán lớp 8. Suốt 12 năm trong nghề, cô Phạm Thị Huyền luôn nỗ lực vì học sinh và lần này cũng như thế. Theo cô Huyền, so với chuẩn số tiết dạy của giáo viên, cô đã vượt gấp đôi, nhưng do trường thiếu giáo viên, cô Huyền sắp xếp thời gian, công việc, để chất lượng dạy vẫn đạt yêu cầu. Cô Huyền tâm tình: “Ðảm nhận nhiều việc, ít nhiều tôi cũng bị áp lực, nhưng cố gắng sắp xếp sao cho khoa học, không để ảnh hưởng đến việc dạy và học”.

Tháng 8-2020, Trường THCS Nhơn Ái được đưa vào sử dụng với 45 phòng; 31 cán bộ, giáo viên. Trường luôn bị thiếu giáo viên. Năm học này, trường thiếu nhiều giáo viên hơn do tăng lớp. Cô Nguyễn Ngọc Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Nhơn Ái, cho biết trường đang thiếu 8 giáo viên các môn Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn, Âm nhạc, Ðịa lý. Nhiều năm nay, trường không có giáo viên Âm nhạc. Ðể đảm chất lượng giáo dục, số tiết, giờ dạy cho học sinh, trường hợp đồng giáo viên giảng dạy; trong đó có 4 người kiêm cả công tác giáo viên chủ nhiệm. Cô Mai nói: “Hằng năm, trường đều có tờ trình đề nghị tăng biên chế giáo viên, nhưng đến nay vẫn chưa có, nên trường tiếp tục hợp đồng. Trường cũng gặp khó khi phân công giáo viên, nhất là các môn học mới ở CTGDPT 2018 đối với lớp 6 và 7”.

Trường Tiểu học Bình Thủy liên tục trong 3 năm học qua (2020-2021 đến 2022-2023) đều thiếu từ 3 đến 5 giáo viên nên phải hợp đồng. Năm học 2022-2023, trường có 1.257 học sinh và 54 cán bộ, giáo viên; trường thiếu 4 giáo viên. Cô Neángsây, giáo viên dạy lớp 4, Trường Tiểu học Bình Thủy cho biết sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Ðại học Cần Thơ, từ đầu tháng 9-2022, cô hợp đồng giảng dạy. Cô Neángsây chia sẻ: “Nhà trường tạo nhiều điều kiện để thầy cô giáo phát huy sở trường. Ðồng nghiệp hỗ trợ nhau, tôi thêm động lực cố gắng hơn nữa trong chuyên môn. Tôi mong muốn gắn bó lâu dài với trường”.

Theo cô Trần Ngọc Hân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, năm học này, trường hợp đồng 4 giáo viên; trong đó có 2 giáo viên về hưu, 2 giáo viên mới ra trường. Nhà trường cũng đã đề xuất xin bổ sung biên chế giáo viên cho năm học này. Cô Trần Ngọc Hân cho biết trường tạm thời đáp ứng đầy đủ 1 giáo viên/1 lớp, nhưng rất cần được bổ sung đủ biên chế cho trường để ổn định công tác.

Ghi nhận thực tế ở các địa phương trên địa bàn thành phố, đa số các trường đều thiếu giáo viên, phần lớn ở các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018. Ðơn cử, ngành Giáo dục quận Bình Thủy còn thiếu khoảng 60 giáo viên (bậc tiểu học nhiều nhất với 29 người). Ngành Giáo dục huyện Thới Lai còn thiếu 73 giáo viên, trong đó bậc tiểu học thiếu nhiều nhất với 45 giáo viên (nhiều nhất là môn Tin học). Theo ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Thới Lai, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai Tin học bắt buộc đối với lớp 3. Huyện có 21 trường tiểu học, cần có 21 giáo viên dạy Tin học. “Trước đây, ngành tạo điều kiện cho 9 giáo viên phụ trách công tác phổ cập, học văn bằng 2 ngành cao đẳng Tin học; nay đã tốt nghiệp nên tạm thời bố trí lực lượng này. 12 giáo viên còn lại, ngành chọn thầy cô dạy các bộ môn (như Mỹ thuật, tiếng Anh, Nhạc, Thể dục) có năng lực công nghệ thông tin, đưa đi tập huấn để dạy trong thời gian này”.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Kim Sơn, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành Giáo dục trong năm 2022 là sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương. Ðể giải bài toán thừa, thiếu giáo viên, bên cạnh chỉ tiêu cho phép, Bộ trưởng gợi mở địa phương triển khai đa dạng các giải pháp, trong đó có thể tính đến giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học, thông qua việc ký hợp đồng với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong thiết kế bài giảng E-learning, mô hình dạy học trực tuyến…

----------------------

Bài cuối: Ðể nguồn nhân lực tiếp tục lớn mạnh

Chia sẻ bài viết