04/04/2019 - 08:01

NHÀ BÁO DƯƠNG THÀNH TRUYỀN, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN NXB TRẺ:

“Ðọc sách là con đường chủ yếu để phát triển bản thân” 

Tại Hội Sách TP Cần Thơ lần III, năm 2019, những buổi giao lưu, nói chuyện chuyên đề, giới thiệu tác giả, tác phẩm… đã truyền cảm hứng đọc sách lâu dài đến độc giả. Với 25 năm làm công tác thanh niên, 12 năm làm báo, nhiều năm làm diễn giả cùng kinh nghiệm của một người ham mê đọc sách, nhà báo Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Trẻ, đã chia sẻ với các độc giả nhiều điều thú vị, bổ ích xung quanh việc đọc sách.

Nhà báo Dương Thành Truyền nhấn mạnh: “Có nhiều cách để học và phát triển bản thân như: học ở trường lớp, học từ chuyên gia, người thân, bạn bè, học qua những chuyến du lịch, học qua Internet…, nhưng đọc sách chính là con đường chủ yếu giúp phát triển bản thân một cách tốt nhất. Vì vậy, chúng ta cần đọc sách, đọc sách và đọc sách!”.

Theo ông, bạn trẻ nên đọc sách như thế nào để phát triển bản thân tốt nhất?

- Hiện nay mọi người, nhất là các bạn trẻ ngoài sách còn nhiều sự lựa chọn khác như: xem phim, nghe nhạc, đọc báo, chơi game, lên mạng… Tuy nhiên, mỗi người hãy cố gắng dành thời gian đọc sách mỗi ngày, bởi vì sách không chỉ giúp chúng ta mở mang hiểu biết, nâng tầm tri thức và học hỏi những điều bổ ích, mà còn rèn luyện cho ta năng lực tư duy, năng lực ngôn từ, cũng như góp phần bồi dưỡng, thanh lọc tâm hồn, giúp ta hướng thiện...

Cần biết rằng mỗi người có thể có những cách đọc không giống nhau: có người đọc nhanh, có người đọc chậm, có người thích đọc lúc khuya, có người thích đọc sáng sớm… Hãy khám phá bản thân xem cách đọc nào phù hợp với tâm thế, nhu cầu, thói quen của mình nhất thì áp dụng.

Để đọc sách trở thành một con đường phát triển bản thân hiệu quả thì người đọc nên đọc sách có kế hoạch. Trước hết, chọn một lĩnh vực để tập trung đọc và đào sâu trong một thời gian nhất định, có thể từ 2 đến 3 năm. Lĩnh vực chọn để đọc vừa phải đáp ứng nhu cầu học tập - nghề nghiệp của mình, vừa phải là những nội dung mà bản thân có hứng thú, có hiểu biết bước đầu. Cần kiên trì đọc để nắm vững các vấn đề cốt lõi, các tác phẩm kinh điển, các tác giả kinh điển của lĩnh vực đó. Điều kỳ diệu sẽ mở ra, khi từ lĩnh vực này sẽ dẫn lối đưa ta đến những lĩnh vực khác, cứ thế mà mở rộng dần, đào sâu hơn. Nếu mỗi ngày bạn dành ra nửa tiếng đọc sách, một năm có thể đọc được từ 7 - 10 cuốn. Chừng 10 năm sau, bạn sẽ trở thành một con người khác với một “nội lực” khác.  

Đọc sách giúp gì cho người đọc trong tiếp nhận thông tin, thưa ông?

- Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin với lượng thông tin khổng lồ xuất hiện mỗi ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet và mạng xã hội… gắn liền với các thiết bị di động. Trong cơn sóng thông tin không ngừng nghỉ, chúng ta thường tiếp nhận chúng một cách bị động và dễ rơi vào “bẫy” tâm lý của đám đông, nghĩa là chạy theo người khác, hùa theo người khác, ngay cả khi ta chưa hiểu rõ, chưa hiểu đúng vấn đề, thậm chí hiểu sai hoặc suy diễn, áp đặt chủ quan… Điều quan trọng và giá trị nhất của người đọc sách chính là sự khiêm tốn. Người đọc sách thực sự bao giờ cũng rất thận trọng, luôn kiểm tra, đối chiếu thông tin để biết rõ đúng, sai, luôn có ý thức đánh giá và chọn lọc nguồn tin đáng tin cậy. Đọc sách giúp chúng ta có một nền tảng văn hóa bên trong, không dễ dàng bị tác động bởi thông tin và thái độ bên ngoài. Chúng ta cần đọc sách nhiều hơn nữa vì đọc sách là không bao giờ thừa.

Độc giả say mê đọc sách tại Hội Sách. 

Ngoài làm báo, ông còn viết sách với các thể loại: tạp văn, du ký, biên khảo… Vậy ông tâm đắc với tác phẩm nào nhất?

- Tôi có một số tác phẩm đã được xuất bản như: “Ký ức về nước mắt và tiếng cười” (Tạp bút, NXB Trẻ, 1997), “Chuyện gái trai” (Tạp văn, NXB Trẻ, 2000); “Trên đường về nhớ đầy” (Du ký, NXB Trẻ, 2015), “Trái tim có hình hộ khẩu” (Phiếm đàm, NXB Trẻ, 2017). Nhưng tôi tâm đắc nhất, là chuyên khảo “Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo” (NXB Trẻ, 2017). 

Sách  khảo sát các trường hợp Bác Hồ tự sửa chữa trong quá trình viết Di chúc, nhằm tìm hiểu việc sử dụng ngôn từ của Người, để từ đó rút ra những bài học thực tiễn về các trường hợp nói và viết có hiệu lực. Di chúc Bác viết chỉ có 1.000 chữ, nhưng được viết và sửa chữa từ năm 1965 đến năm 1969. Bác viết rồi lại sửa, lựa chọn từ ngữ sao cho phù hợp nhất, ý nghĩa nhất, tinh tế nhất. Điều đó chứng tỏ Bác là bậc thầy điêu luyện về tiếng Việt, là một tấm gương lao động ngôn từ.

Tôi mốn nhắn gửi với tất cả các bạn trẻ rằng: tiếng Việt chúng ta giàu lắm, đẹp lắm, hay lắm. Các bạn có thể đi khắp thế giới, có thể trở thành công dân toàn cầu, nhưng phải yêu quý và giữ gìn tiếng Việt, bởi tiếng Việt là hồn cốt của dân tộc ta.

Xin cảm ơn ông!

CÁT ÐẰNG (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết